Thời điểm này, ngày 13/2, những năm trước, hoa tươi có lẽ bán "chạy" nhất trong những mặt hàng quà tặng dịp Lễ Tình nhân. Thế nhưng, năm nay, thị trường này trở nên ảm đạm, người mua dửng dưng, hoa ế ẩm...
Chị Mai Hương - chủ shop hoa trên đường Bưởi (Hà Nội) |
Vừa tỉ mẩn tạo dáng cho lẵng hoa, chị Mai Hương, chủ shop hoa trên đường Bưởi (quận Cầu Giấy), vừa buồn rầu chia sẻ: “Cửa hàng tôi chuẩn bị hoa từ 2 ngày trước nhưng tới chiều nay (13/2) vẫn chẳng có một khách nào ghé mua. Vào những ngày lễ trước đây, học sinh, sinh viên, khách văn phòng chiếm 80%, nhưng nay đang thời điểm học sinh, sinh viên nghỉ học do dịch Covid-19, lượng khách đến giảm rất nhiều. Dự tính khách mua trực tiếp và khách mua online đã giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Về giá, theo chị Mai Hương, năm nay giá hoa nhập vào cao gấp đôi so với ngày thường. Các loại hoa xuất xứ Trung Quốc hầu như không có do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay vào đó là hoa Đà Lạt, mỗi bông hoa hồng có giá từ 5.000-10.000 đồng, tùy loại. Hiện tại cửa hàng chị Mai Hương trưng chưa đầy 50 bó hoa và lẵng hoa.
“Dịch bệnh thế này cả ngày không có một bóng người. Không biết năm nay họ có đón Lễ tình nhân không?. Từ giờ cho tới hết ngày mai, hy vọng sẽ bán được chứ không lỗ to”, chị Mai Hương lo lắng.
Tại shop hoa khác, tình trạng ế ẩm cũng không khả quan hơn |
Cùng cảnh ngộ, cả chủ và 3 nhân viên cửa hàng hoa của anh Minh (trên đường Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội) đều ngồi chơi, chẳng thấy bóng dáng khách nào tới hỏi mua.
“Năm nay ế lắm, chủ yếu là khách hàng quen họ mang tới. Socola bán kèm hoa cũng không tiêu thụ được”, anh Minh than thở.
Hầu hết cả chủ shop hoa tươi đều lo lắng trước tình hình ế ẩm, lo lỗ vốn. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, thị trường hoa những ngày cận Lễ tình nhân ảm đạm một phần do xu hướng tiêu dùng online "lên ngôi", phần nữa là do ảnh hưởng dịch Covid - 19, nhiều người e ngại tới những nơi đông người, hạn chế mua sắm mà “kỷ niệm” tại nhà...
Nhiều tiểu thương dự báo, kể cả chính lễ Valentin (14/2), sức mua sẽ khó tăng cao.