Những sai sót, “hạt sạn” trong một số cuốn sách giáo khoa lớp 1 bộ sách Cánh Diều tiếp tục được các đại biểu Quốc hội phân tích và tranh luận tại hội trường vào sáng 4/11.
Theo một số đại biểu, Luật Giáo dục 2019 đã quy định chương trình giáo dục phổ thông là để thể hiện mục tiêu giáo dục và có phạm vi áp dụng trên cả nước. Sách giáo khoa (SGK) được biên soạn nhằm cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình này.
Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK là đúng đắn, nhưng vấn đề xã hội hóa như thế nào để vừa đảm bảo tinh thần đổi mới vừa đảm bảo mục tiêu của giáo dục toàn diện là vấn đề quan trọng. Trong khi đó, năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên ngành Giáo dục bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó sử dụng SGK mới cho học sinh lớp 1.
Bước đầu thực hiện, các đại biểu chia sẻ rằng đương nhiên có những sai sót. Tuy nhiên, có nhiều bất cập nổi lên thì cần phải nhìn nhận lại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương. |
Tranh luận về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho hay: Quá trình thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, có sự tham gia của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Tôi tin tưởng rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đúng quy trình, trách nhiệm cao và lấy sự góp ý của các giáo sư, tiến sĩ, cộng đồng nhà giáo và nhân dân. Tất nhiên đây là lần đầu tiên nên không tránh khỏi những sai sót mà cần phải rút kinh nghiệm”, Đại biểu Phương bày tỏ.
Rất nhiều người dân cùng có ý thức góp ý sai sót, đặc biệt quan tâm đến việc thay sách thì tốn kém. Nhưng cùng một sự kiện, có nhiều đối tượng chỉ quan tâm soi vào sai phạm không đáng chú ý mà phủ nhận thành tích, sự cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đại biểu Phương nhấn mạnh: “Việc bức xúc của cử tri, các đại biểu khi tiếp cận thì việc gì cần ghi nhận phải ghi nhận, cần giải thích phải giải thích rõ ràng. Những nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ, ngành thì phải ghi nhận; việc gì chưa thỏa mãn thì nên trao đổi và có kiến nghị. Nhưng cần có nhận thức, góp ý của mình mang tính xây dựng đối với việc thực hiện Nghị quyết 29.
Chúng ta đừng cho rằng việc thực hiện quy định này là lỏng lẻo, dễ dãi, khó tin, SGK là thiếu sự trong sáng về ngôn ngữ… Tất nhiên góp ý là tốt, còn những sơ suất thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải trình, tiếp thu. Tôi cho rằng đây là điểm mà đại biểu cần lưu ý, rút kinh nghiệm, đừng đẩy mức độ vấn đề khiến người dân thiếu niềm tin vào giáo dục mà đề nghị trì hoãn không cần thiết đối với công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay”.
Theo Đại biểu Phương, nên nhớ rằng Quốc hội thông qua dự án Luật với quy trình hết sức chặt chẽ, chu đáo nhưng vẫn có những sơ suất. Ngành Giáo dục mới năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, SGK, không tránh khỏi sơ suất. Vì vậy, chúng ta cần có những chia sẻ để làm thế nào tất cả cùng chung sức, đồng lòng, cùng ngành Giáo dục thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.