Cuộc khảo sát có sự tham gia của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan; Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Vũ Minh Giang, đại diện của Viện khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam cùng đông đảo lãnh đạo sở, ngành trên địa bàn.
Lãnh đạo TP Hải Phòng và các giáo sư, các chuyên gia khảo sát thực địa tại khu khai quật |
Trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, anh Nguyễn Văn Triệu là nông dân xã Liên Khê đã phát hiện hai cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5-0,7m. Đồng thời, trước đó trong quá trình đào huyệt ở khu vực nghĩa địa, nằm về phía Bắc - Tây Bắc khu vườn cau, người dân cho biết có gặp phải những cọc gỗ lớn.
Cận cảnh 1 chiếc cọc được khai quật |
Sau khi lấy mẫu khảo sát và thấy được niên đại của những chiếc cọc có niên đại 1.270 – 1.430 sau công nguyên thì Hải Phòng đã tiến hành các bước theo đúng trình tự để khai quật di tích khảo cổ tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê.
Các cọc được đánh số thứ tự |
Như PLVN đã phản ánh, quá trình khai quật trên diện tích 950m2, các nhà khảo cổ đã chia thành 3 hố khai quật, phát hiện 27 cọc.
Hố đầu tiên H1 có diện tích khai quật 280m2, phát hiện 17 cọc. Hố H2 có diện tích khai quật 198m2, phát hiện 2 cọc, và hố H3 diện tích khai quật 472m2, phát hiện 8 cọc. Các cọc xuất lộ đã bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc, theo lời dân địa phương thì có thể là loại gỗ sến nhựa và lim.
Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, cách nhau theo chiều đông tây khoảng 5 – 7m, chiều bắc nam 3,5 – 5cm; kích thước các cọc không đều nhau, loại nhỏ 10 – 18cm, loại lớn 28 – 32cm, cá biệt có cọc có đường kính 37 – 40cm... Được biết, cọc lớn nhất tại hố H1 có chiều dài 2,7m và có đường kính 50cm.
Chiếc cọc lớn nhất tại hố H1, có chiều dài 22,7m, đường kính 50cm |
Theo báo cáo sơ bộ của Viện khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khu vực cánh đồng Cao Quỳ là một doi đất cao, mà mũi đất có thể thuộc về khu vực phía Bắc khu Mả Dài. Doi đất có thể có hướng Bắc – Nam, hơi chếch theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Về phía Tây Bắc của mũi đất, xưa kia có thể giáp với bờ của dòng nước mở vào khu vực xã Liên Khê.
Viện khảo cổ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, các cọc này có đường kính lớn, chân cọc không được đẽo nhọn, cách thức phân bố khác với các cọc được phát hiện tại di tích Yên Giang, Đồng Má Ngựa tại Quảng Yên, Quảng Ninh. “Chức năng của các cọc này có thể không giống với các cọc trên. Có thể chúng được tạo ra với mục đích ngăn chặn thuyền lớn”, Tiến sỹ Bùi Văn Hiếu nhận đinh.
Các hố được phát hiện trong quá trình khai quật |
Cùng chung quan điểm với khảo cổ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam , Tiến sỹ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng cũng cho rằng, bãi cọc này thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288) được tạo ra với mục đích ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông - Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt.
|
Tại buổi khảo sát, Tiến sỹ Bùi Văn Hiếu, Viện khảo cổ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, từ các lát cắt kiểm tra địa tầng, đối chiếu với các cọc gỗ đã phát hiện được có thể thấy thế đất tại khu vực này.
“Đặc biệt là nơi phát hiện cây gỗ số 1 và số 2 là không phù hợp với giả thiết đây là các cọc đóng xuống. Cây gỗ số 3 có thể có mặt gần khu vực bờ sông. Tuy nhiên, cấu trúc của nó chưa phải đã chế tác thành cọc để đóng xuống. Từ những vấn đề nêu trên, có thể phán xét các cây gỗ đã phát hiện không thuộc các bãi cọc được bố trí thành thế trận.
Vậy tại sao chúng có mặt tại khu vực này, ai đưa đến, với mục đích gì, có liên quan đến trận chiến Bạch Đằng không? Những câu hỏi này cần tiếp tục được tìm hiểu bằng cách theo dõi các phát hiện của nhân dân trong các khu ruộng trũng ven sông, nghiên cứu hiện trường tại chỗ khi phát hiện được di vật, phân tích niên đại các di vật”, Tiến sỹ Bùi Văn Hiếu khẳng định.
Nhiều cán bộ của Viện khảo cổ học và Bảo tàng Hải Phòng đang nghiên cứu về bãi cọc |
Về vấn đề này, Giáo sư, nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định: Viện khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Bảo tàng Hải Phòng đã làm đúng quy trình trong việc khảo sát, khai quật bãi cọc này. Điều này thể hiện ở việc đoàn khảo sát đã cắt lớp từng địa tầng và giữ nguyên vị trí của những chiếc cọc. Đây là điều rất cần thiết để các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ nhận xét, nhận định về giá trị lịch sử cũng như văn hóa của bãi cọc này.
Cuộc khảo sát được tiến hành trước khi diễn ra hội nghị báo cáo vào sáng 21/12 |
Ngày mai, 21/12, Thường trực Thành ủy Hải Phòng sẽ tổ chức Hội nghị “Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo, cán bộ, chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan.
Các cọc sẽ được giám định niên đại |
Một trong 3 hố khai quật được bãi cọc quý nhà Trần |
Bãi cọc H1 được khai quật trên diện tích 280m2 |
Các lớp địa tầng được giữ lại cho thấy rõ thế đất của khu vực này |