Trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ - đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, vấn đề quan trọng nhất là đánh giá đúng cán bộ. Tuy vậy, tại nhiều nghị quyết, Đảng ta thừa nhận đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Quyết tâm đột phá ngay từ khâu này, Nghị quyết số 26 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đề ra nhiều giải pháp nhằm “bịt” những kẽ hở dễ bị lợi dụng cho việc đánh giá xuôi chiều, lợi ích cục bộ.
Đánh giá đúng sẽ sử dụng đúng
Thực tế đã chỉ rõ vai trò quan trọng của việc đánh giá đúng cán bộ, bởi đây là tiền đề để quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ mới bố trí đúng chỗ, đúng sở trường, năng lực được phát huy; ngược lại, nếu đánh giá không đúng thì không những cán bộ có tâm, có tài không phát huy hết sở trường, năng lực mà còn tạo điều kiện cho nạn chạy chức, chạy quyền, gây xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
“Muốn biết công tác đánh giá cán bộ như thế nào thì tất cả những kết luận về một loạt vụ việc trong thời gian qua đã cho thấy rất rõ. Rất nhiều cán bộ hôm nay được đánh giá tốt, được khen thưởng, đề bạt, nhưng ngày mai không những bị kỷ luật mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng.
Bởi vậy Đảng xác định khâu đầu tiên trong xây dựng đảng là công tác cán bộ. Nếu tốt mà nói thành xấu thì mất cán bộ, mà xấu nói thành tốt thì hỏng việc của Đảng, của dân, cho nên khâu đánh giá cán bộ là khâu quyết định đầu tiên. Vì thế Nghị quyết Trung ương 7 lần này xác định như vậy tôi cho là hoàn toàn đúng. Mọi việc tốt - xấu đều bắt nguồn từ công tác cán bộ, tất cả cán bộ được đánh giá đúng là sử dụng đúng cán bộ, phát huy được nhân tài” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 nói.
Theo Tướng Thước, trong công tác cán bộ thời gian qua có 2 nguyên nhân đánh giá không đúng. Thứ nhất, là sự quan liêu của cấp ủy, không đi sâu vào kiểm tra, giám sát, đánh giá. Thứ hai, là sự hư hỏng của một số cán bộ đã lợi dụng chức quyền đưa người thân quen, ruột thịt vào bộ máy nhà nước nhằm trục lợi.
“Nhưng nói cho cùng thì mọi việc đều xuất phát từ nguyên nhân thứ nhất, tức là công tác tổ chức của cơ quan đảng, tổ chức bộ máy đảng chưa thật tốt. Nếu công tác giám sát tốt thì những cá nhân không thể lợi dụng chức quyền để đưa gia đình, đưa lợi ích nhóm vào được. Như vậy, công tác đánh giá cán bộ muốn tốt hay không là quyết định ở vai trò, vị trí của cấp ủy, của lãnh đạo quản lý cán bộ và cơ quan chức năng giúp cho cấp ủy trong việc quản lý…Vừa qua, việc xử lý một loạt những sai phạm liên quan đến “gia đình trị” đã chứng minh rằng, công tác đánh giá cán bộ là công tác quyết định đầu tiên để sử dụng cán bộ một cách đúng đắn, phát huy được tài năng, loại trừ những người hư hỏng” - Trung tướng Thước khẳng định.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 |
Nghị quyết hành động
“Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 vừa qua không phải trong sách vở nữa mà tôi cho rằng đây là một nghị quyết hành động, một nghị quyết sẽ đi vào thực tiễn. Đảng ta đã thấy rằng nếu không làm quyết liệt công tác cán bộ thì sẽ dẫn đến nguy cơ mất Đảng, mất chế độ. Tôi tin chắc, nếu Đảng ta giữ vững đà như vậy thì mặt tích cực sẽ được phát huy, mặt tiêu cực sẽ dần được đẩy lùi. Trong phong trào cách mạng cũng thế, có lúc cao trào, lúc thoái trào; thoái trào đến đáy thì cao trào vùng lên để tồn tại và bây giờ đang là giai đoạn vùng lên”. (Trung tướng Nguyễn Quốc Thước)
Đừng nhìn vào chức vụ, phải căn cứ vào kết quả
Nhận xét về những giải pháp đổi mới mà Nghị quyết 26 đã đề ra trong công tác đánh giá cán bộ, đặc biệt là quy định đánh giá cán bộ phải bằng “sản phẩm”, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 phân tích: “Đánh giá cán bộ để đưa họ vào một chức vụ mới thì trước hết phải xem thời kỳ trước đó họ đã đóng góp được gì - thể hiện ở thành quả lãnh đạo, quản lý trong chức vụ vừa qua. Lâu nay, mỗi lần bầu cấp ủy, người ta giới thiệu những cá nhân có nhiều bề dày thành tích, đủ chức này, chức kia nhưng hỏi rằng những chức vụ đó làm được gì, thể hiện bằng sản phẩm ra sao, đóng góp được gì cho Đảng, cho nhân dân thì không nói rõ. Vì vậy công tác đánh giá cán bộ thời gian qua chỉ là hình thức chứ chưa đi vào thực chất, trong khi yêu cầu đặt ra là đánh giá về chất lượng”.
Vẫn theo lời Tướng Thước: “Cá nhân người cán bộ đã đảm nhận những việc gì không quan trọng bằng việc họ đã làm được như thế nào, kết quả ra sao? Một Bí thư làm 5 năm chẳng ra kết quả gì nhưng một Bí thư khác, mới 3 năm đã làm xoay chuyển tình hình. So sánh vậy để thấy rằng, đánh giá cán bộ thông qua việc lấy kết quả sản phẩm của họ đã làm ra trong thời gian qua nhằm chọn cá nhân đó vào vị trí cao hơn, xứng đáng hơn là việc làm rất đúng đắn và mang lại hiệu quả cao”.
Cùng quan điểm này, một số ý kiến cho rằng, mọi phẩm chất, tài năng, sự cống hiến của cán bộ đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn. Đánh giá cán bộ không chỉ trên cơ sở những nhận xét của cấp trên thể hiện trong hồ sơ thành tích mà phải dựa vào quần chúng nhân dân, vào tổ chức cơ sở đảng ở nơi cán bộ công tác và nơi cán bộ cư trú để hiểu rõ về cán bộ, từ đó làm cơ sở sử dụng, bố trí, đề bạt.
Cũng chính bởi vậy, để đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của người cán bộ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh đến hai yếu tố. Thứ nhất, lãnh đạo phải có con mắt để giám sát, quản lý cán bộ của mình. Thứ hai, phải để cho đảng viên, nhân dân có ý kiến. Nếu hai điều này gặp nhau thì chắc chắn sẽ phát huy và động viên được những cán bộ tích cực và hạn chế những tiêu cực trong công tác cán bộ. “Cho nên, công tác giám sát, đánh giá của tổ chức, của nhân dân và đảng viên rất quan trọng. Bác Hồ từng nói, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, dân biết thì dân làm được, dân không biết thì sẽ hỏng việc. Mọi việc vì lợi ích của nhân dân thì hãy để nhân dân kiểm soát, vì lợi ích của Đảng thì hãy để đảng viên giám sát. Dân không làm chủ thì thành ra bộ máy quan liêu”.
(Còn tiếp)