“Kỷ luật vài người để cứu muôn người”

Việc xử lý hình sự đối với ông Đinh La Thăng và một số cán bộ đã củng cố niềm tin của nhân dân vào việc Đảng “nói đi đôi với làm”
Việc xử lý hình sự đối với ông Đinh La Thăng và một số cán bộ đã củng cố niềm tin của nhân dân vào việc Đảng “nói đi đôi với làm”
(PLO) - Năm qua, trước hàng loạt cán bộ cấp cao có sai phạm nghiêm trọng, Bộ Chính trị đã thể hiện quyết tâm làm trong sạch hàng ngũ Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc rèn luyện phẩm chất đạo đức và sử dụng cán bộ. Người từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu”. Trong tình hình mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. 

Bổ nhiệm quá nhanh, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn 

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác đánh giá cán bộ là rất khó. Vì thế, vừa qua Đảng ta đã ban hành một loạt văn bản cụ thể, đồng thời cử các đoàn đi kiểm tra về công tác cán bộ làm việc tại các địa phương.

Theo báo cáo của 5 Đoàn công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại 10 địa phương và 5 cơ quan Trung ương cho thấy, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử. Nhưng, bên cạnh những mặt được thì một số tổ chức Đảng đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất, còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm… Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi còn tư tưởng cục bộ; quy trình bổ nhiệm có trường hợp chưa chặt chẽ, chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không nằm trong quy hoạch được phê duyệt, bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quy định…

Điển hình cho tình trạng trên là trường hợp lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa “nâng đỡ không trong sáng” một nữ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh này lên chức Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng, rồi được đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở Xây dựng.  Ngoài lý do “không trong sáng”, việc bổ nhiệm cán bộ còn có biểu hiện của sự ưu ái, vun vén cho gia đình, mà trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” ông Lê Phước Hoài Bão (con trai một cựu Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này khi mới 30 tuổi là một ví dụ. Tất nhiên, đây chỉ là số ít trong nhiều trường hợp của việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ dựa vào “tình cảm”.

Ngay tại buổi họp báo của Bộ Nội vụ vào tháng 12/2017, Bộ này cho biết, trong năm 2017, cơ quan chức năng đã phát hiện 11 địa phương bổ nhiệm người nhà làm quan. Thậm chí, có những địa phương có hiện tượng cả họ làm quan.  Đáng chú ý, sau khi phát hiện sai phạm thì việc sửa sai lại không làm đến nơi đến chốn, nhiều nơi còn hợp thức hóa cái sai và cho rằng việc bổ nhiệm đó là…“đúng quy trình”. 

Theo Đại tá  - Nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, nếu trước đây, số đông nhân sự cán bộ được sắp xếp là “vì việc mà bố trí người” nhưng hiện nay thì ngược lại, số đông nhân sự được sắp xếp “vì người mà bố trí việc”. Trước đây cán bộ không được cấp ủy thống nhất đề nghị, và không đảm bảo tín nhiệm thì không thể tiến hành thủ tục đề bạt bổ nhiệm. Bây giờ lại khác, có thể cấp ủy không thống nhất, tín nhiệm không bảo đảm, nhưng trong nhiều trường hợp khi đã có sự áp đặt và có sức ép do “chạy” thì bằng mọi cách, cấp ủy phải thống nhất, phiếu tín nhiệm phải cao. Ý chí của cấp trên và người đứng đầu trong nhiều trường hợp dường như được biến thành hiện thực.

Chấn chỉnh tình trạng “đúng quy trình”

Cho rằng quy trình, thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lấy dẫn chứng từ dư luận: Tại sao người ta nói “Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ?”. Tại sao vừa qua có dư luận: cái gì cũng làm đúng quy trình, nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai?

Chấn chỉnh tình trạng này, mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định nêu rõ: người được bổ nhiệm phải bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền; không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; có hồ sơ, lý lịch cá nhân, phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh.

Cụ thể hơn về vấn đề này, trong năm 2017, lần đầu tiên Bộ Chính trị có các văn bản quy định một cách cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp (Quyết định số 89-QĐ/TW và Quyết định 90-QĐ/TW). Các quyết định trên đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng đáng chú ý là quy định cán bộ, đảng viên “không tham vọng quyền lực”; “không tham nhũng, không vụ lợi, không cơ hội”…

“Một vấn đề cấp bách nữa mà Trung ương muốn nói tới là không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Chuyện này thời gian qua buồn quá! Cả nhà, cả họ làm quan, thậm chí bồ bịch được thăng vượt cấp, v.v…và v.v…Tôi thấy câu chuyện này đã thành bức xúc rồi, dân đòi hỏi và Đảng phải làm. Nhưng làm được hay không còn tùy thuộc vào sự chỉ đạo của Trung ương và sự huy động nhân dân”- ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hoá - Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nói.

Đánh giá về hiệu quả và ý nghĩa của các Quyết định 89 và 90 nêu trên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cũng nhận định, trước kia, do không được cụ thể hóa nên khi xử lý cán bộ sai phạm rất khó. Vì thế, việc cụ thể hóa lần này trước hết là giúp cho người được giao nhiệm vụ biết rằng mình phải làm gì, làm như thế nào để phấn đấu đạt yêu cầu của một cương vị được giao. “Ngoài ra, các quyết định của Bộ Chính trị cũng tạo điều kiện cho các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp và nhân dân biết được để theo dõi, quản lý, giám sát từng cấp cán bộ. Theo tôi, đây là một bước tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh để đưa cán bộ từng cấp- theo chức năng, cương vị của mình - đi vào nền nếp để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Làm đúng thì được khen, làm không đúng thì phải xử lý”- Tướng Thước phân tích. 

Củng cố lòng tin của nhân dân

Trong xử lý cán bộ sai phạm thì đảng viên ở bất cứ cương vị nào đều phải bị xử lý nghiêm. Điều này đã được đề cập tại Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Bộ Chính trị ban hành vào đầu tháng 12/2017. Theo đó, một trong những nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm là phải nghiêm minh và kịp thời. “Đây là nguyên tắc rất quan trọng, có ý nghĩa lớn. Vì thực tế cho thấy, “xử lý nghiêm minh” thì đúng rồi, nhưng nếu “không kịp thời”, có khi sẽ là dung túng cho vi phạm” – ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định.

Điều đặc biệt hơn, Quy định 102 đã gửi những “thông điệp” rất mạnh mẽ và rất hợp lòng dân: Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”. 

Và, vừa qua việc Ban Chấp hành Trung ương quyết định kỷ luật  bằng hình thức cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đối với ông Nguyễn Xuân Anh, cũng như việc khởi tố và đưa ra xét xử đối với ông Đinh La Thăng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương đã góp phần củng cố lòng tin của cử tri và nhân dân vào kỷ luật của Đảng, vào việc Đảng nói đi đôi với làm, “không xử lý nội bộ”.

Nhưng, theo Tổng Bí thư, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra vào những ngày cuối của năm 2017, người đứng đầu Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh: “Phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn”.

Có thể nói, chuyện kỷ luật cán bộ trong Đảng không phải là mới, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Việc xử lý nghiêm cán bộ cấp cao khi làm rõ sai phạm chính là cách để mỗi cán bộ, đảng viên tự rút ra cho mình bài học, thấy rõ trách nhiệm của mình trước dân, trước Đảng. Tuy vậy, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì chúng ta không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật- kỷ luật một vài người để cứu muôn người. 

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.