Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, QĐND có 12 cấp bậc quân hàm, có 12.000 chức vụ, 6.000 chức danh, nhưng Luật Sĩ quan hiện hành chưa quy định cụ thể các chức vụ, đặc biệt các chức vụ có cấp bậc quân hàm là cấp tướng.
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sĩ quan QĐND (Dự thảo Luật Sĩ quan) đã “luật hóa” các chức vụ sĩ quan có cấp bậc quân hàm cấp tướng và “sẽ giúp giảm 3,1% cấp tướng so với luật hiện hành”. Dự thảo Luật này từng bất ngờ bị rút khỏi chương trình giữa Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII (tháng 11/2013).
Khó “đòi” cấp phó có hàm thấp hơn cấp trưởng
Tâm điểm của phiên họp là những nghịch lý trong Dự thảo Luật về các vị trí có quân hàm cấp tướng mà theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh (Ủy ban) là “chưa đáp ứng được yêu cầu quy định chặt chẽ, đúng nhu cầu các vị trí có quân hàm cấp tướng”.
Lương sĩ quan xác định theo chức vụ, quân hàm
Cho rằng, hiện nay việc lấy quân hàm để xác định lương và chế độ, chính sách cho sĩ quan và người hưởng lương là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho cơ cấu đội ngũ sĩ quan mất cân đối và có nhiều bất cập giữa trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành với chủ trương tách lương ra khỏi quân hàm, bảo đảm tiền lương được xác định theo vị trí việc làm và chức danh, để việc phong, thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo,chỉ huy. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: “Dự thảo Luật đã qui định lương của sỹ quan QĐND được xác định theo chức vụ và quân hàm (ngược lại với qui định hiện hành là theo quân hàm và chức vụ)”.
Cũng với những qui định về quân hàm trong cùng nhóm chức vụ cơ bản nhưng có trần quân hàm khác nhau, quân hàm cấp trưởng bằng cấp phó, chưa thống nhất, chưa bảo đảm nguyên tắc người chỉ huy và chính ủy có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất của đơn vị, Dự thảo Luật đã khiến Thường trực Ủy ban nghi ngại “sẽ gây nên những bất cập giữa cấp Cục và Tổng cục trong QĐND”.
Ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng: “Cần phải làm rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công không quy định có nhu cầu cấp tướng, cấp hàm chỉ huy của đơn vị chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu phải cao hơn các đơn vị khác để tránh những quy định không phù hợp, gây tâm lý so sánh, thắc mắc không đồng thuận ngay trong lực lượng”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không thông suốt với qui định về hàm cấp trong Dự thảo vì “Qui định như Dự thảo Luật là không ổn, hóa ra là có “đồng” Tổng cục trưởng (vì Phó Tổng cục trưởng có cùng quân hàm với Tổng cục trưởng - PV), ông đề nghị “phải giải thích để Quốc hội hiểu mới bấm nút thông qua được”.
Nhưng thấu hiểu với “cái khó” của Bộ Quốc phòng khi đang có sự “dồn toa” kinh khủng cấp tá vì để đảm bảo nguyên tắc quân hàm cấp phó thấp hơn cấp trưởng, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - kiến nghị, ở cấp T.Ư, quân khu, quân đoàn, sư đoàn, mỗi cấp phó có 3-4 mức quân hàm, riêng cấp trưởng có 2 mức và coi “trùng quân hàm là bình thường”.
Làm rõ những thắc mắc về trần quân hàm trong Dự thảo Luật, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trình bày, “trong QĐND có 12 cấp bậc quân hàm nhưng có tới 12.000 chức vụ, 6.000 chức danh nên thiết kế để cấp phó có quân hàm thấp hơn cấp trưởng là khó”.
Hơn nữa, từ tổ chức của Bộ Quốc phòng, một số Cục có vai trò tham mưu chiến lược, chỉ huy quân đội, cấp trưởng thường là những người đã từng là chính ủy, tư lệnh quân đoàn nên trong thực tế vẫn là Trung tướng bởi “các chức vụ này cần có quân hàm cao hơn chỉ huy cấp quân khu, quân chủng để chỉ đạo”. Đó là lý do Bộ Quốc phòng đề xuất hàm trung tướng cho một số Cục trưởng tương đương với hàm của các Tổng cục trưởng.
Cấp tướng có niên hạn bốn năm
Qui định của Dự thảo Luật về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với Tư lệnh, chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM là Thiếu tướng, thấp hơn quân hàm của Giám đốc Công an TP.HCM (theo đề xuất của Bộ Công an là Trung tướng) đã khiến đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu để bảo đảm thống nhất. Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - không thể “bắt” hai Dự thảo luật tương đương phải điều chỉnh cho phù hợp với nhau mà phải có căn cứ chung để hai dự thảo luật điều chỉnh cho thống nhất.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh rất mong muốn có sự tương quan giữa lực lượng sỹ quan QĐND với Công an nhân dân ở địa phương, song theo quan điểm của Quân ủy Trung ương và thực tiễn chỉ huy trong lực lượng QĐND, Dự thảo Luật chỉ qui định quân hàm Đại tá đối với chỉ huy tỉnh đội và “những người ở các vị trí này muốn phong tướng phải phấn đấu lên cấp trên” - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định.
Một lý do để sửa đổi Luật Sĩ quan là Luật hiện hành không quy định thời hạn xét phong, thăng quân hàm cấp tướng. Song Dự thảo Luật cũng chỉ bổ sung thời hạn xét thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng là bốn năm; không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng.
Theo Chính phủ, “sĩ quan cấp tướng là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cán bộ Quân đội, được đào tạo công phu, đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và nhiệm vụ trọng yếu của Quân đội, nếu quy định cứng về thời hạn thì độ tuổi cấp tướng sẽ rất cao, khó cho việc quy hoạch nguồn cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược và việc bố trí sử dụng cán bộ khi có nhu cầu giao nhiệm vụ cao hơn”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, cần phải qui định niên hạn cho cấp tướng vì việc quy hoạch phát triển cán bộ có nhu cầu cấp tướng phải có quá trình, được xem xét từ sĩ quan cấp tá để bồi dưỡng, đào tạo thử thách; nếu có đủ đức, tài và thành tích thì thực hiện thăng vượt cấp hoặc thăng quân hàm trước thời hạn để tạo nguồn, tránh lạm dụng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa nhận, không qui định niên hạn cho cấp tướng là không đúng tinh thần chỉ đạo nhưng đưa vào thì khó cho việc linh hoạt phong tướng. Tuy nhiên, Dự thảo sẽ tiếp thu qui định niên hạn bốn năm cho cấp tướng, còn các trường hợp thăng quân hàm trước thời hạn sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định. Gợi ý giải quyết khó khăn này cho Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Quốc hội đề xuất đưa trường hợp thăng quân hàm khi được bổ nhiệm nhưng chưa hết niên hạn vào các trường hợp được xét phong quân hàm vượt cấp trong Dự thảo Luật.
* Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân:
Thời tôi, chỉ phong tướng cho 19 trọng điểm
Ngày xưa, chỉ những người có chiến tích thực sự thì mới được phong tướng. Còn lại việc phong quân hàm tướng hết sức là hạn chế, và chỉ diễn ra ở những đơn vị trọng điểm như khối Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát điều tra và một số đơn vị trọng yếu trong khối Cảnh sát mới được phong quân hàm tướng. Tóm lại, người ta quan tâm, xem xét nhiều hơn đối với những đơn vị trực tiếp làm công tác chiến đấu, giáp mặt với tội phạm… Tôi vẫn nhớ, thời đó, cả Bộ một năm chỉ xem xét việc phong tướng cho khoảng 19 trọng điểm, trong đó có những vị trí như tôi vừa mới liệt kê. Tôi thấy tướng bây giờ quá nhiều!
* Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4:
Năng lực chỉ huy không phụ thuộc cấp hàm
Nói đến tướng là nói đến giá trị của người cầm quân, nói tới sự tập trung cao nhất cho các chức năng của vị trí chỉ huy. Không nhất thiết một người làm lãnh đạo, hay chỉ huy cấp đó thì bắt buộc phải được phong tướng. Tôi ví dụ, trong chiến tranh, một Thượng sĩ có thể chỉ huy một đại đội đánh trận rất giỏi, đánh đâu thắng đó. Nói thế để thấy rằng, năng lực về chỉ huy tuy cần có sự tương xứng với cấp hàm nhưng không hoàn toàn phụ thuộc vào cấp hàm thì mới chỉ huy giỏi. Lúc tôi là Tư lệnh quân đoàn, mãi cũng chỉ Đại tá mà thôi.
Tướng là để đánh giặc, là để chỉ huy, là để cầm quân. Không nhất thiết Cục trưởng nào cũng phải phong tướng, nhất là mấy ông ở các bộ máy hành chính, các trường đào tạo không chủ chốt thì phong tướng làm gì? Trước đây, bên Quân đội, chỉ có mấy Cục quan trọng như Tuyên huấn, Tổ chức cán bộ, Tác chiến, Quân lực thì chỉ huy mới được phong tướng còn phần lớn các Cục khác như Dân vận chẳng hạn thì lãnh đạo chỉ mang hàm Đại tá là cao nhất. Trong thời chiến ít tướng, nhưng giờ thời bình ra đường sao thấy nhiều tướng quá?