Có phạm tội “Giết người”?
Thạc sỹ Phạm Thanh Bình (Giám đốc Cty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) cho rằng, nếu xác định hành vi của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phạm vào tội “Giết người” là khiên cưỡng. Căn cứ vào diễn biến vụ án thấy rằng, nạn nhân Huyền đến đây để nâng ngực, mục đích của bác sĩ Tường là phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp cho khách hàng theo hợp đồng dân sự để thu phí dịch vụ chứ hoàn toàn không có động cơ tước đoạt tính mạng nạn nhân. Quá trình phẫu thuật, chưa có chứng cứ chứng minh do tư thù hoặc xảy ra xô xát khiến bác sĩ có hành vi tước đoạt tính mạng nạn nhân nên khó khép vào tội “Giết người”.
Theo Luật sư (LS) Bình, nếu thu thập được chứng cứ cho thấy trước đó giữa chị Huyền và bác sĩ Tường có tư thù mâu thuẫn, hoặc có xô xát trong quá trình phẫu thuật là nguyên nhân trực tiếp khiến Tường có hành vi tước đoạt tính mạng nạn nhân; hoặc giả sử nạn nhân mới bị hôn mê sâu, vẫn còn sống nhưng đã bị bác sĩ đem vứt xuống sông thì rõ ràng đó mới là hành vi “Giết người”. Theo quan điểm của LS Bình, việc truy tố Tường về tội danh như hiện tại là “Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh” là có căn cứ, đúng pháp luật.
Truy cứu thêm tội “Không cứu giúp người khác…”?
Tường không có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mĩ, cơ sở chưa được cấp phép nhưng vẫn cố tình thực hiện việc hút mỡ bụng để nâng ngực cho chị Huyền, dẫn đến cái chết của nạn nhân. Theo lời khai của nhân viên y tế Nguyễn Thị Ngọc Thư về việc quá trình gây tê chị Huyền đã có biểu hiện co giật, sốc thuốc, nhưng Tường không dừng ca phẫu thuật mà vẫn tiếp tục thực hiện đến cùng. Điều này dẫn đến hậu quả chị Huyền bị tím tái, co giật, hôn mê.
Nguyễn Mạnh Tường |
Khi Tường kiểm tra thấy chị Huyền đã giãn đồng tử, nhịp tim không còn nhưng Tường không đưa nạn nhân vào Bệnh viện Bạch Mai gần đó cấp cứu mà tự “cấp cứu” nạn nhân kéo dài 2- 3 giờ đồng hồ.
Trả lời câu hỏi của HĐXX vì sao chị Huyền đã không còn dấu hiệu sự sống mà vẫn cấp cứu lâu thế? Tường trả lời vì hy vọng chị Huyền sống lại và khi đó chỉ chú tâm vào cứu, không để ý đến thời gian. Căn cứ vào nội dung này, nhiều LS cho rằng hành vi của Tường đã phạm vào tội “Giết người” theo Khoản 2 Điều 93 BLHS.
Tuy nhiên, theo LS Nguyễn Hằng Nga (ĐLS Hà Nội) thì căn cứ vào những lý do trên vẫn không thể khép Tường về tội “Giết người” mà chỉ có thể khép Tường thêm tội “Không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 102 BLHS.
Do Tường chính là người trực tiếp gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân nên hành vi của Tường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 102 BLHS.
Theo LS Hằng Nga, bản thân bà và dư luận rất thông cảm với nỗi đau đớn, bức xúc của gia đình chị Huyền và lên án hành vi của Tường, nhưng muốn nhận định về số phận pháp lý của một con người thì chỉ có một cách duy nhất là trên cơ sở các quy định của pháp luật.