Sinh ra trong lớp vỏ bé gái
Chuyện về những đứa trẻ “bất thường” của làng Salina, thuộc Cộng hòa Dominica đã được phát sóng trong một bộ phim tài liệu mang tên “Countdown to Life – the Extraordinary Making of You”.
Các nhà làm phim đã gặp Johnny, một thanh niên sắp bước vào tuổi 24, cơ bắp bắt đầu phát triển, giọng nói ồm ồm, nhưng… từng mặc váy đi học từ lớp Một cho đến năm 12 tuổi. Chính bản thân cậu cũng không rõ chuyện gì đang xảy ra với mình khi tốc độ thay đổi giới tính chóng mặt.
Hiện Johnny được các bạn bè trong làng gọi với cái tên John Obi Mikel bởi khuôn mặt hao hao và chiều cao cũng gần như “bản gốc” là cầu thủ từng chơi cho đội bóng Chelsea. Johnny tất nhiên không liên quan gì đến John Obi Mikel, vì tiền vệ nổi tiếng thế giới kia là người Nigeria, trong khi Johnny lại sống ở Dominica.
Vấn đề của Johnny không phải hiện nay cậu thế nào, mà là trước đó “cậu là ai”? Johnny sinh ra trong lớp vỏ là một bé gái. Mẹ cậu – bà Carla Fonseca đã mua rất nhiều váy áo, cặp tóc và thường truyền đạt những kinh nghiệm bếp núc, làm vườn cho đứa con gái bé bỏng.
Trong gia đình, không ai nghĩ Johnny sẽ là bé trai. Thậm chí, bà Fonseca còn đặt cho “con gái” một cái tên khá mỹ miều: Felecitia. Cái tên này mô phỏng theo tên thường gọi ở nhà của ca sỹ kiêm minh tinh màn bạc nổi tiếng khắp khu vực Bắc Mỹ và Caribean, Jennifer Lopez.
Được gia đình chăm sóc và nuôi dạy như một bé gái, nhưng trong sâu thẳm, Johhny cảm nhận rõ ràng mình không phải con người như thế. Johnny thường tìm đến các nhóm con trai để chơi cùng. “Cô bé” đá bóng, chạy nhảy nô đùa, thậm chí đánh lộn khá nổi bật và không hề có biểu hiện gì là yểu điệu thục nữ.
“Tôi còn nhớ mình vẫn thường mặc một chiếc váy đỏ. Tôi chào đời ở nhà chứ không phải bệnh viện. Họ không biết giới tính của tôi là gì. Tôi tới trường và thường mặc váy. Tôi chưa bao giờ thích mặc váy như một bé gái. Khi cha mẹ mua cho tôi món đồ chơi con gái, tôi không thèm chơi. Tôi chỉ muốn chơi với con trai”, Johnny chia sẻ.
Đến tuổi dậy thì lại mọc… cơ quan sinh dục nam
Lúc bảy tuổi, quá trình thay đổi bắt đầu diễn ra và đến năm 12 tuổi, Johnny đột nhiên có sự thay đổi lớn lao trong cơ thể. Thay vì phát triển ngực và các dấu hiệu dậy thì như thường lệ, “cô bé” đột ngột cảm nhận được bộ phận sinh dục của mình phát triển rất khác. Tốc độ phát triển rất nhanh, chỉ sau khoảng nửa năm, Feleticica biến thành một… nam thanh niên chứ không còn vóc dáng của một thiếu nữ.
Ban đầu, khi Johnny thông báo về biến đổi cơ thể cho mẹ, bà Fonseca đã không tin. Bà cho rằng, cô bé đang tuổi khó bảo nên có những nhầm lẫn về giới tính. Johnny vì thế vẫn phải nghe lời mẹ mặc váy đến trường.
“Bạn bè trong lớp thường xuyên trêu chọc, chế giễu tôi. Họ nói tôi là một “con quỷ không giống ai”. Nhiều lúc tôi im lặng chịu đựng, nhưng cũng có những khi vì quá ức chế tôi đáp trả họ bằng nắm đấm. Lúc ấy, tôi tự cảm nhận được mình là một đứa con trai thực thụ”, Johnny chia sẻ.
“Căn bệnh” Guevedoces được ghi nhận ở một số ít nơi, trong đó có làng Salina |
Tuy nhiên, trong một ngày kiểm tra sức khoẻ toàn diện, chính nhà trường, nơi “cô bé” theo học cũng “không dám” ghi vào tờ giấy khám về giới tính của Feleticica. Họ mời gia đình cô bé đến để nói về việc này. Một vị trong hội đồng giám định y khoa được mời đến và ông khẳng định: Johnny là thiếu niên, mang giới tính nam chứ không phải nữ.
“Phán quyết” tiếp theo là cô bé buộc phải ăn mặc “giống con trai” mới có thể đến trường. Vì nếu ăn mặc như cũ, Johnny sẽ không thể sử dụng nhà vệ sinh nam và gây phiền toái lớn cho những nữ sinh đang tuổi dậy thì.
Johnny từ đó được yêu cầu đổi tên, sao cho giống nam sinh. Bà Fonseca đã làm thủ tục để “con gái Feleticica” trở thành… thanh niên điển trai tên Johnny như ngày nay. Điều đặc biệt là từ ngày phát hiện ra giới tính thật, Johnny sống vui vẻ hơn, hoà ái hơn và không bao giờ muốn nhớ lại chuyện bé gái của mình trong quá khứ.
Không chỉ riêng Jonny, nhiều trẻ em sinh sống tại ngôi làng Salinas, phía Tây Nam Cộng hòa Dominica, khi sinh ra hình hài trông có vẻ giống con gái, nhưng đến khi dậy thì lại mọc dương vật và trở thành con trai.
Cặp chị em Catherine – Carla cũng chẳng khác Feleticica – Johnny. Họ cùng lớn lên ở Salinas, Catherine hơn Carla một tuổi. Điều trùng hợp là cả hai đều mang giới tính nữ khi sinh ra và đến năm 12 tuổi, họ bắt đầu có những thay đổi về hình dạng.
Catherine vỡ giọng trước, Carla vỡ giọng sau nhưng cả hai “hình như” “mọc” dương vật cùng thời điểm. Và cũng giống như Johnny, họ phải làm các cuộc khám nghiệm, rồi… đổi tên. Catherine chuyển thành Timothy còn Carla sống dưới cái tên mới là Maddox. Hiện giờ, cặp “anh em” xuất thân từ “chị em” này đã 22, 23 tuổi. Họ yêu thích các bãi biển và… các cô gái.
Căn bệnh quái lạ “Guevedoces”
Theo các nghiên cứu của Tiến sĩ Julianne Imperato- McGinley, một nhà nội tiết học tại Đại học Cornell, Mỹ tiến hành khảo sát từ năm 1970, cứ 90 trẻ sinh ra ở làng Salinas, thuộc Cộng hòa Dominica thì có một bé bị biến đổi giới tính khi bước vào tuổi dậy thì.
Những đứa trẻ như vậy thường được gọi là “Guevedoces”, hay “Machihembras” theo tên gọi của dân địa phương, nghĩa là có dương vật ở tuổi 12. Cho đến giờ, căn bệnh này vẫn là câu hỏi hóc búa mà các nhà nghiên cứu chưa tìm ra lời giải thoả đáng.
Trường hợp của Johnny và những đứa trẻ khác được sinh ra tại ngôi làng Salinas được khoa học gọi là chứng rối loạn hiếm về gen do sự thiếu vắng một enzyme. Chính sự thiếu hụt này đã làm ngăn chặn việc tạo ra một dạng đặc biệt của hormon tình dục nam ở trong tử cung.
Bình thường, tất cả các bào thai, dù là trai hay gái đều có một tuyến bên trong gọi là tuyến sinh dục và một đoạn sưng nhỏ giữa hai chân gọi là “nốt sần”. Khi tám tuần tuổi, hormon giới tính sẽ xâm nhập.
Nếu là nam giới, thai mang nhiễm sắc thể Y sẽ bắt đầu sản sinh kích thích tố sinh dục nam với số lượng lớn, hướng dẫn tuyến sinh dục trở thành tinh hoàn và gửi testosterone đến cấu trúc gọi là nốt sần, nơi nó được chuyển thành một loại hormon mạnh hơn được gọi là dihydro-testosterone. Điều này lần lượt biến nốt sần thành một dương vật. Nếu là nữ, bào thai sẽ không tạo ra testosterone dihydro, nốt sần sẽ phát triển thành âm vật.
Khi tiến sĩ McGinley nghiên cứu bệnh Guevedoces ở Salinas, cô phát hiện ra lý do tại sao nhiều đứa trẻ không có bộ phận sinh dục nam khi sinh ra. Đó là do một số bào thai nam thiếu enzyme 5-α (một loại enzyme giúp đẩy tăng hormon), yếu tố quan trọng để khiến hormone tăng vọt, nên lúc sinh ra nhìn giống bé gái, không có tinh hoàn mà dường như chỉ có âm đạo.
Tới tuổi dậy thì, khi một lượng lớn kích thích tố sinh dục nam được sản sinh, cơ quan sinh dục nam mới xuất hiện. Điều đáng lẽ phải xảy ra cách đó 12 năm và trong bụng mẹ, nhưng tới giờ mới xuất hiện. Lúc này, các em bắt đầu vỡ giọng và xuất hiện dương vật.
Có thể nói sự thiếu hụt này dường như là một tình trạng di truyền, khá phổ biến ở Salinas, nhưng lại là hiện tượng kỳ lạ trên thế giới. Nhưng dù sống trong hình hài một bé gái khi còn nhỏ nhưng mọi hoạt động và hành vi giới tính của các bé đều diễn ra bình thường và hoàn thiện khi trưởng thành.
Trong một bài báo năm 2005, xuất bản trên tạp chí y khoa Berkley Elizabeth Kelley viết rằng, trong những năm sau nghiên cứu ban đầu của Tiến sĩ Imperato-McGinley, hiện tượng này cũng phổ biến ở các làng Samoa ở Papua New Guinea. Tuy nhiên, không may mắn được lớn lên bình thường như những đứa trẻ ở làng Salina, người Samoa lại hắt hủi, chối bỏ và sỉ nhục những “bé trai thiếu sót” này.