Liên tiếp “trình làng” vở diễn mới
Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa khởi công vở diễn “Ni sư Hương Tràng” (hay “Công chúa Huyền Trân”). Vở cải lương “Công chúa Huyền Trân”, hay “Ni sư Hương Tràng” khắc họa cuộc đời người con gái tài sắc của Đức vua Trần Nhân Tông. Bà sinh ra là một công chúa cành vàng lá ngọc, xuất giá trở thành Hoàng hậu kiêu sa, quyền quý, rồi đến cuối đời xuất gia thành một Ni sư “lấy đạo để tạo đời”. Cuộc đời và công hạnh của Công chúa Huyền Trân là một tấm gương sáng về sự cống hiến, hy sinh vì nước vì dân.
Theo tác giả - TS Bùi Hữu Dược, vở “Công chúa Huyền Trân” đã giải nỗi oan của nhân vật lịch sử Trần Khắc Trung. Trong rất nhiều vở nói về Huyền Trân Công chúa, Trần Khắc Trung luôn được xem như một tội đồ, một ông Thượng quan ngoài 50 tuổi khi đi cứu công chúa Huyền Trân từ nước Chiêm trở về nhưng mang tiếng là người “gian dâm”. Rất nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà sư cho rằng, thời Trần thịnh trị của cả văn và võ, không thể nào có một ông tướng gần 60 tuổi đi cứu một cô công chúa mới đôi mươi đang trong hoàn cảnh vừa chết chồng, vừa mất con mà lại có thể làm việc vô đạo như thế.
“Ni sư Hương Tràng” (Công chúa Huyền Trân) là vở diễn thực hiện kế hoạch dàn dựng năm 2017 của Nhà hát Cải lương Việt Nam theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vở diễn được xây dựng với tiêu chí vừa đạt chất lượng nghệ thuật cao, vừa phần nào thỏa mãn những thị hiếu lành mạnh của các tầng lớp khán giả, vừa góp phần cho nghệ thuật Cải lương thực sự có chỗ đứng vững chắc trong đời sống xã hội hiện đại.
Cũng trong tháng 7/2017, ngoài Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội tổng duyệt vở cải lương “Tướng quân ăn mày”. “Tướng quân ăn mày” với sự tham gia sáng tạo của Phạm Toàn Thắng - tác giả kịch bản, NSƯT Triệu Quang Vinh chuyển thể cải lương, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên...
Nhân vật chính trong vở cải lương “Tướng quân ăn mày” (tên ban đầu là “Khất sỹ”) là Phạm Ngũ Thư, cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão. Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, ông từ quan sống phiêu bạt. Ít lâu sau, nhà Hồ sụp đổ, quân Minh kéo vào xâm lược. Trước cảnh đất nước lầm than, nhân dân đói khổ, Phạm Ngũ Thư đau đáu không yên, quyết định tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi ở Lam Sơn.
Với tài trí hơn người, ông được chủ tướng tin cậy. Phạm Ngũ Thư đã nghĩ ra một kế hay: tiến hành xây dựng một hệ thống tình báo ngụy trang ăn mày để thu thập tin tức của quân địch. Sau này, khi nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi, ông lại chọn từ bỏ mọi hào quang, trở về với đời thường dân một cách an nhiên.
Nhiều khán giả trẻ đã “phải lòng” môn nghệ thuật 100 tuổi
Những năm qua, nghệ thuật cải lương ở phía Bắc luôn nỗ lực “trình làng” những vở diễn mới, đạt chất lượng để “câu” khán giả như: “Yêu là thoát tội”, “Khi hoa nở trái mùa”, “Duyên kiếp Bạch Trà”, “Nợ non sông”, “Vú cát”, “Mê cung”, “Con côi họ Triệu”, “Vua Thánh triều Lê”...
Trước đó, ở cải lương “Vua Phật” với hình mẫu một nhân vật lịch sử - vua Trần Nhân Tông được Nhà hát Cải lương Việt Nam khởi dựng với kinh phí hàng tỷ đồng hoàn toàn bằng nguồn tiền xã hội hóa. Theo quyền Giám đốc Nguyễn Xuân Vinh: “Nhà hát Cải lương Việt Nam đã bắt đầu làm quen với xã hội hóa sân khấu, nhằm khỏa lấp sự thiếu vắng của các tác phẩm cải lương đỉnh cao vì nguồn vốn. Cũng như “Vua Phật”, hai vở diễn “Chuyện tình Khau Vai” và “Mai Hắc Đế” là một minh chứng của những vở diễn được thực hiện không bằng nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Vinh chia sẻ: “Đặc trưng của nghệ thuật dân tộc, cụ thể là cải lương là kén khán giả, kén người xem. Do vậy, mục đích khi xây dựng vở diễn là làm sao có thể đem đến được cho đông đảo khán giả một câu chuyện dễ hiểu, qua đó tạo điều kiện cho mọi người dễ tiếp thu hơn với nền văn hóa cổ truyền như cải lương hiện nay”. NSƯT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho rằng: “Các vở cải lương hiện nay đều có tiết tấu đẩy nhanh, mạnh, đặc biệt là việc cập nhật thời sự vào trong từng câu hát, lời nói, không chỉ trong những vở đề tài hiện đại mà cả những vở lịch sử, dã sử”.
Những đạo diễn cải lương, mỗi người một phong cách nhưng có điểm chung là say nghề, mạnh dạn sáng tạo mà vẫn trau chuốt. Họ mạnh dạn lựa chọn kịch bản gai góc để có những tiếng nói mạnh mẽ về thời cuộc, về thế thái nhân tình.
Vắng khách tới rạp thưởng thức nghệ thuật truyền thống là câu chuyện không hề mới. Để cứu vãn tình hình ảm đạm, nhiều nhà hát đã làm “cuộc cách mạng”... “thả thính” khán giả. Chương trình “Tiếng đàn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” do Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức đã thu hút rất đông hội viên tới tham gia và thưởng thức. Nhà hát Cải lương Việt Nam lại “thổi bùng” ngọn lửa yêu môn nghệ thuật này bằng cách ra mắt CLB đờn ca tài tử - cải lương “Khoảng trời phương Nam”. Vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần tại điểm hẹn Láng Hạ, nghệ sĩ lại “ru” khán giả bằng những đoạn vọng cổ ngọt ngào, sâu lắng...
Rất nhiều khán giả trẻ đã “phải lòng” cải lương. Ví dụ như vở “Yêu là thoát tội” đã nhận được gần trăm suất diễn ở Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang... Vở “Vua Phật” thu hút hàng chục ngàn khán giả tới rạp...
Ngoài “tổng tấn công” bằng chất lượng nghệ thuật, các nhà hát cải lương còn thành lập phòng tổ chức biểu diễn, lập trang web, facebook để giới thiệu thường xuyên về vở mới cùng lịch diễn và điện thoại giao dịch nếu ai có nhu cầu mua vé. Các nhà hát đều cho nhân viên tỏa ra tất cả các nơi, các ngõ ngách để đưa vở diễn đến với công chúng.
Có thể thấy, các nghệ sĩ đã dốc lòng đem tình yêu môn nghệ thuật cải lương lan tỏa tới mọi người. Hơn ai hết, họ mong muốn cải lương bước vào 100 tuổi luôn được “định vị ” trong lòng công chúng để rạp hát luôn đỏ đèn hàng đêm.