Mới đơn giản hóa, ít cắt bỏ
Tại hội thảo “Chất lượng điều kiện kinh doanh (ĐKKD): Vấn đề và kiến nghị” do CIEM và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) phối hợp tổ chức mới đây, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, trong giai đoạn 2017-2019, các bộ, ngành đã nỗ lực rà soát, đề xuất cắt bỏ, đơn giản hóa khoảng 50% số ĐKKD để giảm gánh nặng quy định, thủ tục; nhờ đó giảm được thời gian, chi phí và rủi ro cho DN.
“Tuy nhiên, trong các quy định hiện hành, vẫn còn rất nhiều ĐKKD không cần thiết, không hợp lý hoặc không có ý nghĩa về hiệu quả QLNN…” - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Với kết quả báo cáo 50% số ĐKKD được cắt bỏ, đơn giản hóa, Trưởng ban - Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh – CIEM, bà Nguyễn Thị Minh Thảo quả quyết con số này thực chất chỉ khoảng 30%.
Bà Thảo cũng cho biết mức độ cải cách chủ yếu dưới hình thức đơn giản hóa mà ít cắt bỏ, như việc chỉ giảm yêu cầu về số lượng nhân sự, về quy mô diện tích cơ sở vật chất…
Đơn cử, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu diện tích phòng học lý thuyết, xưởng thực hành… bảo đảm bình quân từ 5,5m2-7,5m2/chỗ học, giờ xuống còn 5,5m2/chỗ học;
ĐKKD dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với tổ chức huấn luyện, số người huấn luyện cơ hữu, huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành giảm từ 5 xuống còn 4;
Điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chỉ định giảm từ ít nhất 2 nhân viên được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường xuống còn 1 người…
“Nhiều ĐKKD thực hiện cắt bỏ song thực sự không tạo thuận lợi rõ ràng cho DN (như có đủ năng lực hành vi dân sự, phẩm chất đạo đức tốt…) hay một số quy định được tính là cắt bỏ, nhưng thực chất đó là các quy định về quy trình, không phải là ĐKKD…” - bà Thảo nhận xét.
Hơn thế, các nhà làm chính sách đã có “sáng kiến” bằng cách gói “ĐKKD chứa đựng ĐKKD,” hay thực hiện đưa “Giấy phép vào nằm trong Giấy phép” như quy định về điều kiện cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự (áp dụng đối với 23 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) là một yêu cầu về ĐKKD trong một “bộ ĐKKD” áp dụng cho những ngành nghề này…
Phải tạo đột phá
Với thực trạng trên, các nhóm chuyên gia của CIEM kiến nghị cần thay đổi cách thức quản lý Nhà nước(QLNN) về ĐKKD và chuyển mạnh sang hậu kiểm.
Theo đó, DN được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh, chỉ cần thông báo mà không cần phải xin phép cơ quan QLNN và tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng các yêu cầu về ĐKKD.
Cơ quan QLNN sẽ thực hiện kiểm tra hậu kiểm (khi DN đi vào hoạt động) trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của DN. Bên cạnh đó, thực hiện phân cấp mạnh mẽ tại các cơ quan QLNN ở địa phương trong việc quản lý DN tuân thủ các quy định về ĐKKD.
“Mặc dù hoạt động hậu kiểm được thực hiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của DN song cần tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro, có cơ chế giám sát hoạt động thanh tra, kiểm tra, thiết lập kênh ghi nhận phản hồi từ DN một cách công khai, minh bạch và đảm bảo an toàn”, bà Thảo nhấn mạnh.
Đồng tình với đề xuất này, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, để cải cách ĐKKD có hiệu quả, các bộ, ngành cần đánh giá hiệu quả cải cách trong từng lĩnh vực; tiếp tục rà soát, đề xuất, bãi bỏ, đơn giản hóa ĐKKD; giám sát việc tổ chức, xử lý nghiêm những hành vi cố tình gây khó cho DN; đồng thời, thiết lập cơ chế đối thoại và phản hồi cho DN.
"Cải cách không phải là để trình diễn, đưa ra con số, khẩu hiệu hay. Suy cho cùng, khi cải cách thì hiệu quả cho nền kinh tế, lợi ích cho người dân mới là quan trọng nhất" - ông Tuấn quả quyết.
* TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, vào năm 2017, các nhà chuyên môn kiến nghị cắt bỏ 3/4 các ĐKKD chứ không phải cắt giảm và đơn giản hóa. “Kiến nghị này dựa trên căn cứ khoa học để thực hiện và căn cứ thực tiễn về hiệu lực. Các công cụ này tồn tại lâu nay giúp cho các công chức có liên quan lạm dụng, lợi dụng mà thực chất không phải là quản lý…” - ông Cung thẳng thắn.
Tuy nhiên, sau đó Chính phủ quyết định cắt giảm ít nhất 50% số ĐKKD và theo ông Cung, sự cắt giảm này khiến cho mục tiêu cải cách thể chế trở nên mờ nhạt, không rõ ràng.
“Năm 2018, tuy các bộ, ngành có sự cắt giảm đúng theo chủ trương của Chính phủ và tạo ra niềm tin với thị trường. Tuy nhiên, thực chất là bao nhiêu? Người làm chính sách có khi chỉ thay một cái tên, bỏ một hồ sơ hay một nội dung nào đó cũng tính là cắt giảm…”- chuyên gia này lo ngại.
* Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, với việc bãi bỏ được hàng nghìn ĐKKD, cải cách ĐKKD có thể coi là "thương hiệu" của Chính phủ nhiệm kỳ này. Năm 2019, theo điều tra của VCCI, DN đánh giá tích cực về sự chuyển động trong cắt giảm ĐKKD, tỷ lệ khó khăn trong kinh doanh có giảm đi.
Tuy nhiên theo ông Tuấn, tư duy, cách thức quản lý chưa đảm bảo quyền tự do kinh doanh. “Nhiều ĐKKD đặt ra mà không có mục đích rõ ràng theo quy định. Cơ quan QLNN vẫn sử dụng các biện pháp quản lý hành chính vào thị trường, can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của DN, từ đó hạn chế tự do kinh doanh, có nguy cơ tạo ra độc quyền. Nhiều quy định đưa ra chưa có đánh giá về tác động kinh tế, chi phí lợi ích.
Thậm chí, có những dấu hiệu cho thấy một số DN lớn, do muốn bảo hộ đã vận động đưa ra những rào cản thị trường để hạn chế sự tham gia của các DN khác. Đây là điều có hại cho người tiêu dùng, gây méo mó thị trường…- ông Tuấn thẳng thắn.