Việc cải cách quy trình, thủ tục nội bộ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xử lý TTHC với người dân và DN, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, Phó Thủ tướng phát biểu. Nói nôm na thì đây chính là yêu cầu cải cách TTHC nội bộ ngành, “cải cách” chính mình.
Tại cuộc họp trên, Phó Thủ tướng yêu cầu hạn chót đến ngày 30/9, các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo đến Thường trực Tổ công tác để đề xuất phương án với cơ quan thẩm quyền. Tức là thời hạn còn gần 20 ngày.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh tại 191 văn bản; thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 470 quy định kinh doanh tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 41%. Những con số này cho thấy để đạt các phần trăm còn lại, phải rất nhiều nỗ lực.
Cách đây ít ngày, tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ, nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc liên quan thị trường trái phiếu DN; thị trường bất động sản, tăng trưởng công nghiệp; tiếp cận tín dụng, tăng trưởng tín dụng... đã được chỉ ra. Trong khi đó, nhiệm vụ của những tháng còn lại của năm 2023 khá lớn.
Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng so với các nền kinh tế lớn, kinh tế nước ta vẫn còn có những điểm chưa mạnh về năng lực cạnh tranh, DN Việt nguy cơ thua thiệt trong hội nhập. Tạo môi trường thuận lợi cho DN vì vậy vẫn là một trong những yêu cầu quan trọng nhất. Chính vì thế, tuần đầu tiên của tháng 9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp tổ chức phát động Cuộc vận động “DN, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Đã đến lúc phải huy động sự đóng góp của DN, doanh nhân trong việc hiến kế về cải cách thể chế kinh tế, TTHC về hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, phải coi cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, là một tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
Chúng ta đang có nhiều thuận lợi để cải cách TTHC. Đấy chính là xu thế chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ góp phần phục vụ dân và DN tốt hơn mà còn góp phần công khai, minh bạch quy trình, chống tiêu cực.
Cải cách TTHC góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh… Vấn đề hiện nay là các bộ, ngành phải rốt ráo, biết “cải cách” chính mình.