Mục tiêu của Đề án nhằm theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính (CCHC) hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Đối tượng áp dụng là 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ). Theo Quyết định 876/QĐ-BNV, nội dung Chỉ số CCHC bao gồm Chỉ số CCHC cấp bộ và Chỉ số CCHC cấp tỉnh.
Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Cụ thể là: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC 7 tiêu chí và 6 tiêu chí thành phần; cải cách thể chế 9 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần; cải cách thủ tục hành chính 6 tiêu chí và 19 tiêu chí thành phần; cải cách tổ chức bộ máy hành chính 4 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần; cải cách chế độ công vụ 6 tiêu chí và 16 tiêu chí thành phần; cải cách tài chính công 3 tiêu chí và 13 tiêu chí thành phần; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số 3 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần.
Có 2 phương pháp đánh giá gồm phương pháp tự đánh giá của các bộ và đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Về tự đánh giá của các bộ: Các bộ tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số CCHC cấp bộ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Điểm tự đánh giá của các bộ được Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định để xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết.
Về đánh giá thông qua điều tra xã hội học: Việc điều tra xã hội học được tiến hành để lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau, do Bộ Nội vụ quy định. Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí của Chỉ số CCHC cấp bộ.
Thang điểm đánh giá của Chỉ số CCHC cấp bộ là 100. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 31,50/100. Chỉ số CCHC được xác định bằng tỉ lệ phần trăm (%) giữa tổng điểm đạt được và tổng điểm tối đa (100 điểm). Các chỉ số thành phần theo lĩnh vực, tiêu chí, được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa điểm đạt được và điểm tối đa của từng lĩnh vực, tiêu chí. Kết quả Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan được xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp. Kết quả Chỉ số CCHC của 2 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan.
Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh
Trong khi đó, Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần. Cụ thể là: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC 7 tiêu chí và 2 tiêu chí thành phần; cải cách thể chế 4 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần; cải cách thủ tục hành chính 5 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần; cải cách tổ chức bộ máy hành chính 3 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần; cải cách chế độ công vụ 7 tiêu chí và 16 tiêu chí thành phần; cải cách tài chính công 3 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số 3 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội 5 tiêu chí, 8 tiêu chí thành phần.
Cũng có 2 phương pháp đánh giá gồm phương pháp tự đánh giá của các tỉnh và đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Theo đó, về phương pháp tự đánh giá của các tỉnh, các tỉnh tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số CCHC cấp tỉnh và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Điểm tự đánh giá của các tỉnh được Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định để xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết.
Về đánh giá thông qua điều tra xã hội học, việc điều tra xã hội học được tiến hành để lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau, do Bộ Nội vụ quy định. Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí của Chỉ số CCHC cấp tỉnh.
Thang điểm đánh giá của Chỉ số CCHC cấp tỉnh là 100. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 30,50/100. Chỉ số CCHC được xác định bằng tỉ lệ phần trăm (%) giữa tổng điểm đạt được và tổng điểm tối đa (100 điểm). Chỉ số thành phần theo lĩnh vực, tiêu chí được xác định bằng tỉ lệ phần trăm (%) giữa điểm đạt được và điểm tối đa của từng lĩnh vực, tiêu chí.
Kết quả Chỉ số CCHC của 63 tỉnh được xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp. Kết quả Chỉ số CCHC của các tỉnh được xếp hạng theo 6 nhóm tương ứng với 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm có: Trung du và Miền núi phía Bắc (14 tỉnh), Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố), Tây Nguyên (5 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố), Tây Nam Bộ (13 tỉnh, thành phố).