Để thực hiện, nhiệm vụ đặt “lên vai” cơ quan soạn thảo “hành lang pháp lý” rất nặng nề. Đó là việc đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển CPĐT. Theo kinh nghiệm các quốc gia phát triển về CPĐT, nền tảng thể chế của CPĐT phải đi trước, trong khi chúng ta còn thiếu nhiều quy định và chính sách.
Do vậy vấn đề ban hành các Nghị định về chia sẻ dữ liệu; về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về xác thực điện tử; về bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; về chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính Nhà nước có vị trí đặc biệt. Đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước cũng nằm trong cố gắng chung về xây dựng CPĐT.
Sau nhiều nỗ lực, hiện đã đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng có ý nghĩa, như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet).
Về xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, các bộ, ngành đang triển khai nâng cấp hệ thống này, trong đó có một số bộ đã hoàn thành hoặc đang thử nghiệm.
Các bộ, cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đã triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia; về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo các quyết định của Thủ tướng đã có 7 bộ, cơ quan trong số 12 bộ, cơ quan kiểm tra đã hoàn thành. Tuy nhiên, hiện còn 4 bộ, cơ quan chưa ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử; 5 bộ, cơ quan chưa thực hiện đúng quy định về thể thức, hình thức ký số…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đầu năm nay bày tỏ mong muốn xây dựng, vận hành trục liên thông văn bản quốc gia thông suốt, thống nhất, trơn tru, an ninh, an toàn và hiệu quả, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu về CPĐT trong ASEAN.
CPĐT là gì? Nhắc lại chút thì đó là “Chính phủ” luôn có mặt bên cạnh người dân và doanh nghiệp, ngay trên bàn phím. Xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn đang được đẩy mạnh triển khai. Thành công hay không đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tạo ra một phương thức điều hành mới, một cách làm mới.
Mục đích không gì khác hơn ngoài việc tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đây là xu thế thời đại không thể đảo ngược, trong “kỷ nguyên 4.0”. Công tác quản trị quốc gia không nằm ngoài xu thế đó.