"Phải có cuộc chơi lớn mới có giải thưởng lớn"
Trước những băn khoăn này, TS. Luật sư Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC nói: "Tôi cho rằng chúng ta cũng phải rất công bằng khi đánh giá đến vai trò của các doanh nghiệp FDI. Không thể vì những câu chuyện xấu kia mà lại phủ nhận sạch trơn những đóng góp quan trọng của khối doanh nghiệp này." Theo ông Quyết, thì khoảng chục năm về trước, FDI được mọi diễn đàn doanh nghiệp, kinh tế nhắc đến với một hình ảnh vô cùng tốt đẹp, FDI khi đó là một chìa khóa quan trọng để giải quyết bài toán thiếu vốn, thiếu công nghệ và cả kinh nghiệm quản lý ở Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, vai trò của FDI lại được các diễn đàn mổ xẻ về khía cạnh tiêu cực. Những hình ảnh xấu của doanh nghiệp FDI đã xuất hiện nhiều hơn, liên tục hơn trên các diễn đàn, và điều này đã góp phần không nhỏ tạo nên luồng dư luận như hiện nay. "Đã là cuộc chơi thì luôn có hai mặt. Việt Nam chúng ta đã chơi cuộc chơi đó, và tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục chơi cuộc chơi này. Phải có cuộc chơi lớn thì mới có giải thưởng lớn", ông Quyết bình luận. Bằng việc so sánh giữa hình ảnh của một ruộng lúa nhỏ và một đồn điền hay trang trại lớn được đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ trồng trọt tiên tiến, được quản lý bằng máy móc, TS. Luật sư Trịnh văn Quyết đã giải thích được lý do vì sao Việt Nam cần "cuộc chơi lớn". "Nhiều người cứ bảo các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam vơ vét hết tài nguyên, rồi mang hết về chính quốc, không vì cộng đồng gì chúng ta cả. Tôi thì cho rằng đã là doanh nghiệp thì phải làm vì lợi nhuận và do vậy họ đi đầu tư phải làm sao mang được tiền về", ông Quyết nói.
Ông Trịnh Văn Quyết |
Vấn đề mấu chốt của việc đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia là: Họ để lại gì ở Việt Nam? Có thể nhìn lại con số thống kê sợ bộ được công bố ngày 17/1 của Tổng cục Hải quan, năm 2013 vừa qua để đánh giá xem các tập đoàn đa quốc gia đã "để lại gì" ở Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đạt 80,91 tỷ USD (chưa tính dầu thô), tăng 26,3% so với năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 74,23 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả năm 2013 thì tổng giá trị xuất-nhập khẩu hàng hóa mà các doanh nghiệp FDI mang lại là 155,14 tỷ đồng, chiếm tới 58,8% tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước (264,261 tỷ đồng) trong đó xuất khẩu chiếm 61,2% và nhập khẩu chiếm 56,3%. "Rõ ràng là nhiều thứ vô hình và hữu hình. Vô hình như tạo dựng tác phong công nghiệp cho người công nhân, người quản lý Việt Nam. Hữu hình như cơ sở vật chất, cái cầu đường họ làm cho mình.", ông Quyết kết luận.
“Sẽ có làn sóng đầu tư FDI thứ ba vào Việt Nam”
Tại cuộc tọa đàm, GS.TS Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng sau khủng hoảng kinh tế các TNC đã có dấu hiệu phục hồi, hiện đang điều chỉnh chiến lược tìm đến những thị trường có tiềm năng lớn. Trong đó, Việt Nam có ba yếu tố: Về dân số tiệm cận 100 triệu, 15% thuộc tầng lớp trung lưu, có khả năng tiêu thụ sản phẩm giá trị cao. Về tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam cũng tương đối tốt, được dự báo sẽ rơi vào khoảng 6 - 7,5%. Mặc dù, hàng lang pháp lý chưa hoàn thiện như kỳ vọng nhưng Việt Nam là đất nước có sự ổn định chính trị tốt nhất ở Đông Nam Á thậm chí cả châu Á. Đây là điều mà các TNC đánh giá rất cao ở VN.
GS.TS Nguyễn Mại |
Ngoài ra, các hiệp định thương mại sắp ký kết sẽ tạo cơ hội lớn hơn cho các TNC tận dụng các lợi thế khi tham gia mậu dịch thế giới. Đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc hình thành Cộng đồng chung ASEAN với tốc độ tăng trưởng năm 2014, 2015 được dự báo sẽ cao hơn 2013 nữa. “Cá nhân tôi cho rằng giai đoạn 2015 - 2020 sẽ có một làn sóng đầu tư đầu tư nước ngoài (FDI) thứ ba vào vào Việt Nam, sau hai lần trước vào giai đoạn 1991 - 1997 và 2003 - 2007 và nhiều TNC sẽ vào Việt Nam hơn”, GS.TS Nguyễn Mại nhận định.
Ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) – Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết thêm: “Năm 2013, Việt Nam thu hút được 15.932 dự án với tổng vốn đăng ký đạt hơn 234 tỷ USD và vốn thực hiện trên 112 tỷ USD. Trong đó có khoảng 500 dự án là các TNC với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 140 tỷ USD”.
“Các dự án từ TNC vào Việt Nam dù chỉ chiếm 3% số dự án nhưng chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư đăng ký”, ông Nguyễn Nội chia sẻ.
Thống kê của Cục đầu tư nước ngoài cho thấy, các dự án của các TNC tập trung nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, chiếm 50% tổng số vốn đầu tư đăng ký; kinh doanh bất động sản (26%); dịch vụ ăn uống, lưu trú (8,2%).
Xét theo các quốc gia và vùng lãnh thổ của các TNC đầu tư vào Việt Nam thì các TNC Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn nhất về vốn đầu tư với khoảng 18 tỷ USD, chiếm 13% tổng số vốn đăng ký, tiếp theo là Singapore 12,8%, Malaysia, Mỹ.
Đóng góp của các doanh nghiệp FDI nói chung và các TNC nói riêng trong những năm qua ngày càng lớn. Năm 2011 tỷ trọng xuất khẩu của FDI chiếm 56,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, 2012 là 64%, 2013 là 66,9%... Nộp ngân sách tăng đều qua các năm, năm 2011: 3,5 tỷ USD, 2012: 3,9 tỷ USD; 2013: 5 tỷ USD (chưa kể dầu thô).
“Các dự án từ TNC vào Việt Nam dù chỉ chiếm 3% số dự án nhưng chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư đăng ký”, ông Nguyễn Nội chia sẻ.
Thống kê của Cục đầu tư nước ngoài cho thấy, các dự án của các TNC tập trung nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, chiếm 50% tổng số vốn đầu tư đăng ký; kinh doanh bất động sản (26%); dịch vụ ăn uống, lưu trú (8,2%).
Xét theo các quốc gia và vùng lãnh thổ của các TNC đầu tư vào Việt Nam thì các TNC Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn nhất về vốn đầu tư với khoảng 18 tỷ USD, chiếm 13% tổng số vốn đăng ký, tiếp theo là Singapore 12,8%, Malaysia, Mỹ.
Đóng góp của các doanh nghiệp FDI nói chung và các TNC nói riêng trong những năm qua ngày càng lớn. Năm 2011 tỷ trọng xuất khẩu của FDI chiếm 56,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, 2012 là 64%, 2013 là 66,9%... Nộp ngân sách tăng đều qua các năm, năm 2011: 3,5 tỷ USD, 2012: 3,9 tỷ USD; 2013: 5 tỷ USD (chưa kể dầu thô).