[links()]Từ lời “hiệu triệu” của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước ùn ùn đăng ký tiết giảm 5-10% chi phí quản lý và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tiết giảm chi phí hàng ngàn tỉ đồng
Tập đoàn Bảo Việt là đơn vị đầu tiên ký cam kết cắt giảm 145 tỷ đồng. Tiếp sau đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cam kết cắt giảm 178,6 tỷ đồng, Tập đoàn Nhà và Đô thị Việt Nam: 125 tỷ đồng, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: 105 tỷ đồng. Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đã cam kết sẽ cắt giảm 1.800 tỷ đồng chi phí quản lý trong năm nay.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ |
Phát biểu tại hội nghị công bố kế hoạch tiết giảm chi phí quản lý và phương án tái cấu trúc tập đoàn HUD ngày 21.2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 5 tập đoàn, tổng công ty cam kết tiết kiệm chi phí quản lý, sản xuất trong năm nay, tổng số chi phí quản lý của “những quả đấm thép” cam kết sẽ cắt giảm sẽ lên tới 2.353,6 tỷ đồng.
Là người đứng đầu ngành tài chính trong thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Huệ được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá cao khi có một số thay đổi hệ thống chính sách tài chính. Cụ thể là xu hướng yêu cầu nâng cao hơn trách nhiệm các tập thể, cá nhân trong ngành tài chính trong việc điều hành, thực hiện các chính sách và siết chặt hơn kỷ luật, kỷ cương trong tất cả các lĩnh vực của ngành tài chính: thuế, hải quan, kho bạc..Ông cũng mạnh tay trong việc khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích. Bên cạnh đó ông đã có văn bản phê bình các cán bộ phụ trách đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong việc chậm trễ triển khai xây dựng đề án này và sau đó ông đã tự mình đảm nhiệm công việc trưởng ban chỉ đạo, tổ chức đề án này. |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: việc cắt giảm chi phí quản lý đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không chỉ là kêu gọi, hay động viên mà là mệnh lệnh thực thi theo Nghị quyết 01. Trong điều kiện lạm phát của nước ta hiện vẫn ở mức cao, lãi suất ngân hàng chưa giảm thì việc tăng cường quản trị tài chính giảm chi phí giá thành là giải pháp căn cơ lâu dài. Việc cắt giảm chi phí quản lý cũng sẽ làm tăng niềm tin cho các cổ đông của các tập đoàn, tổng công ty và đem lại lợi ích lâu dài cho DN.
Chủ trương này cần phải đẩy mạnh thực hiện thành phong trào sâu rộng để những giải pháp đưa ra không chỉ là trong đội ngũ lãnh đạo mà phải được triển khai tới từng DN, từng người lao động. Mỗi tập đoàn cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát để bảo đảm các giải pháp phải được thực hiện trên thực tế.
Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiết giảm 5%-10% chi phí quản lý, hạ giá thành sản phẩm. Bộ đề nghị các đơn vị phát động phong trào thi đua tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm đến từng cán bộ, công nhân viên trong DN và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành SXKD năm 2012. Mục tiêu của Bộ là các đơn vị sẽ tiết giảm thành công 5%-10% chi phí, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả SXKD.
Tăng lực cho "quả đấm thép" ?
Mục tiêu mà Bộ Tài chính mong muốn chính là việc nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng quản trị của khối các DN vốn được coi là những “quả đấm thép” của nền kinh tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các khối các DN nhà nước (DNNN) nói chung luôn được hưởng những ưu đãi “khủng” từ “bầu sữa” ngân sách. Ngoài những lợi thế về vốn, đất đai, các DNNN còn có lợi thế độc quyền về lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, việc quản lý tài chính của khối DN này luôn trong tình trạng lỏng lẻo, nhiều DNNN còn sở hữu những khoản nợ khổng lồ do đầu tư tràn lan ngoài ngành. Những số liệu do Kiểm toán Nhà nước công bố hàng năm cho thấy, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn đã có không ít sai phạm trong quản lý tài chính.
Kết thúc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (Petro VN), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nộp ngân sách nhà nước thêm hơn 185 tỷ đồng gồm các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế môi trường và một số khoản thu khác. Song đến nay, tập đoàn này mới nộp lại gần một nửa số tiền KTNN kiến nghị. Thực tế cho thấy, việc quản lý nguồn vốn, nguồn lực nói chung tại khối DN nhà nước chưa thực sự minh bạch và chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Nhận xét về những cam kết cắt giảm của các “quả đấm thép”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, song cần lưu ý chất lượng quản lý tại các DNNN sẽ ra sao sau khi cắt giảm. Bởi nếu giảm chi phí mà hệ thống quản trị DN hoạt động kém đi thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, song song với những cam kết cắt giảm chi phí, việc giám sát thực hiện nhằm nâng cao năng lực quản lý tài chính tại các DNNN đóng vai trò rất quan trọng. Việc giám sát cần phải giao cho một đơn vị cụ thể, mà ở đây là Bộ Tài chính nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong việc quản lý nguồn vốn nhà nước tại DN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết hiện nay, đề án tái cơ cấu các Tập đoàn – Tổng công ty Nhà nước đã được hoàn tất với sự phối hợp của các Bộ, ngành. Mục tiêu của tái cơ cấu là đặt doanh nghiệp Nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tương xứng với nguồn lực. Thông qua tái cơ cấu, các tập đoàn – Tổng công ty Nhà nước sẽ thực sự là đầu tàu kinh tế, làm cho kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng hành với quá trình tái cơ cấu của các Tập đoàn – Tổng công ty Nhà nước, trong kế hoạch sắp tới, Chính phủ cũng đề ra 3 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có hỗ trợ về tín dụng, thuế và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Ngoài ra, Nhà nước sẽ hỗ trợ các Tập đoàn thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách cho phù hợp cũng như kêu gọi hỗ trợ của các đối tác cho tái cấu trúc doanh nghiệp.
Bộ trưởng Huệ cũng cam kết Bộ Tài chính sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp…
Hoàng Lan- Anh Phương
Sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã khiến người dân phấn khởi khi tuyên bố ông hành động “vì 80 triệu người dân". Ông chọn quản lý giá các mặt hàng thiết yếu là công việc đầu tiên cần xử lý. Ông cam kết sẽ minh bạch bằng được chuyện lỗ lãi của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, điện lực... Và với thế mạnh làm kiểm toán nhiều năm, “nắm rõ lỗ lãi của các doanh nghiệp trong lòng bàn tay”, ông đã được dư luận đặt niềm tin khi lần đầu tranh luận với Bộ Công thương về cách điều hành giá xăng dầu. Người dân bày tỏ sự ủng hộ, thậm chí gọi ông là Bộ trưởng "vì dân", là "quan thơm"... |