Hiệu quả kinh tế không cao
Khoản 7 Điều 6 Thông tư 15 quy định: “Từ ngày 01/7/2018, cột đo xăng dầu phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng”. Chứng từ bắt buộc phải có các thông tin bao gồm tên cơ sở bán hàng, địa chỉ; kiểu, ký hiệu, số serial của cột đo xăng dầu; phút, giờ, ngày, tháng, năm bán hàng; loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, tổng số tiền xăng, dầu đã bán. Hướng dẫn, quy định chi tiết một số điều, khoản của Thông tư 15, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã ban hành Văn bản số 562/TĐC-HCHQ.
Đánh giá về việc thực hiện gắn thiết bị in chứng từ, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng từng cho biết, ưu điểm lớn nhất của quy định in chứng từ là góp phần bảo vệ người tiêu dùng. Mặt khác, việc này có thể giúp ngăn ngừa hành vi tiêu cực như “bơm chồng”, lấy mẫu xăng dầu để phát hiện trường hợp kém chất lượng hoặc có thể căn cứ vào những chứng từ bán hàng để tính toán tổng gian lận và có giải pháp xử lý về hành vi gây thiệt hại cho người tiêu dùng…
Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới đã áp dụng việc in và cung cấp chứng từ bán lẻ xăng dầu cho khách hàng từ lâu và việc này rất phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, người dân vẫn duy trì thói quen sử dụng tiền mặt thuần túy. Hơn nữa, thực tiễn thí điểm lắp đặt máy in chứng từ tại các cột bơm xăng tại TP HCM thời gian qua cho thấy sau khi bơm, người dân không lấy các chứng từ mà tiện tay vứt luôn ra sân hoặc ven đường gần đó, gây mất mỹ quan và làm ô nhiễm môi trường. Về phía DN, để lắp đặt thiết bị in chứng từ, các DN sẽ mất khoản chi phí không hề nhỏ nên chẳng DN nào muốn làm.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, người tiêu dùng nhỏ lẻ rất ít khi cần chứng từ, chỉ có những DN lớn, cần thanh quyết toán mới lấy hóa đơn thanh toán. Do đó, cần phải nghiên cứu, tính toán xem việc in chứng từ như vậy có thật sự phù hợp, hiệu quả với đa số người tiêu dùng hay không. Bởi khi lắp thiết bị in chứng từ, sẽ phát sinh các khoản chi phí, dẫn đến buộc DN phải chia sẻ chi phí và đương nhiên khoản này sẽ “đè” lên vai người tiêu dùng.
Không thuộc thẩm quyền của Bộ KH&CN
Trước dư luận nêu trên, thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, Cục Kiểm tra VBQPPL đã tiến hành kiểm tra Thông tư 15 và Văn bản 562. Mới đây, Cục đã ban hành Kết luận kiểm tra số 10/KL-KTrVB và cho rằng quy định tại khoản 7 Điều 6 Thông tư số 15 là không bảo đảm tính hợp pháp. Bởi theo quy định pháp luật hiện hành, không có quy định của cơ quan có thẩm quyền giao Bộ KH&CN quy định về thiết bị in chứng từ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Cục trưởng Đồng Ngọc Ba phân tích: Mặc dù Luật Đo lường năm 2011 giao Bộ KH&CN thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường (Điều 54), Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có quy định giao Bộ KH&CN thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trong quản lý nhà nước liên quan đến chất lượng xăng dầu (khoản 3 Điều 12; khoản 3 Điều 32; khoản 3 Điều 40), trong đó có nội dung về thiết bị đo lường xăng dầu. Tuy nhiên, theo lời văn của quy định tại khoản 7 Điều 6 Thông tư 15, không thể hiểu “thiết bị in chứng từ” phải gắn tại các cột đo xăng dầu là thiết bị đo lường hay thiết bị kiểm soát chất lượng xăng dầu.
Vì vậy, việc Bộ KH&CN ban hành quy định tại khoản 7 Điều 6 Thông tư 15 về thiết bị in chứng từ phải gắn tại các cột đo xăng dầu đề in và cung cấp chứng từ cho khách hàng là không phù hợp về thẩm quyền. Việc quy định các biện pháp để kiểm soát, giám sát thương nhân trong việc bán lẻ xăng dầu, chống gian lận thương mại thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định 83.
Đồng thời, Nghị định 83 đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn về chứng từ trong kinh doanh xăng dầu: chế độ ghi chép chứng từ trong các khâu kinh doanh của thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý, nhận quyền bán lẻ xăng dầu, đại lý và tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu… (điểm c khoản 2 Điều 40). Bởi thế, việc Bộ KH&CN quy định về những thông tin bắt buộc phải có trong chứng từ được in ra từ thiết bị in tại điểm c khoản 7 Điều 6 Thông tư 15 cũng không phù hợp về thẩm quyền. Đó là chưa nói đến việc quy định này còn có nội dung chồng chéo với quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính về thông tin trên hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Đối với Văn bản 562, theo Cục Kiểm tra VBQPPL, đây là văn bản hành chính nhưng nội dung có chứa quy phạm, một số quy định có tính chất thủ tục hành chính. Do đó, việc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành Văn bản 562 đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.
Để bảo đảm tính hợp pháp trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra VBQPPL kiến nghị Bộ KH&CN tổ chức xem xét, xử lý bãi bỏ những nội dung không hợp pháp của Thông tư 15; chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xử lý bãi bỏ Văn bản 562. Kết quả xử lý văn bản cần được thông báo cho Cục Kiểm tra VBQPPL trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận kiểm tra 10 theo quy định của Chính phủ.