Theo báo cáo, việc phát hiện, xử lý tham nhũng 2 năm qua được tập trung chỉ đạo và có bước đột phá mạnh mẽ; kết hợp giữa xử lý kỷ luật, hành chính của Đảng, Nhà nước với xử lý hình sự. Các cơ quan đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức. Nhiều người nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng.
VKS phối hợp với CQĐT đã thu hồi hơn 386.000 tỷ đồng; phong tỏa 9 triệu USD, 117kg vàng; thu hồi 393.115m2 đất. Một số vụ án thu hồi tài sản cao như vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối hộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cty Việt Á, các bị can nhận hối lộ đã tự nguyện nộp số tiền hưởng lợi bất chính; CQĐT đã kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tổng tài sản thu hồi trị giá 1.400 tỷ đồng.
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TCty Sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương, DN này đã nộp 452 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Các cơ quan Quốc hội đánh giá tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng ngày càng được nâng cao và vượt so với chỉ tiêu của Quốc hội giao.
Dù trong lĩnh vực này, vẫn còn một số điểm hạn chế, theo báo cáo:Như chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn có trường hợp chưa kịp thời, chặt chẽ, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn hạn chế… Tuy nhiên phải nhìn nhận, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng đã cao hơn rất nhiều. Trước đây, với nhà đất công và tài sản công, đã xảy ra không ít vụ “xẻ thịt” hay “chấm mút”. Nhưng ở thời điểm hiện tại, với người có ý định vi phạm, chắc chắn sẽ phải ngần ngại lo sợ trước các bài học “đã vi phạm thì sớm muộn cũng sẽ phải trả giá, bị thu hồi”.
Trong báo cáo nêu trên, một số giải pháp để công tác này ngày được thực hiện một cách tốt hơn, hiệu quả hơn: Đó là thực hiện công khai, minh bạch các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ;Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Làm tốt việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng chậm. Xây dựng định hướng chương trình kế hoạch thanh tra hằng năm, nhất là công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu; các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; các Bộ, ngành, địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Cơ sở dữ liệu về thanh tra; kết quả phối hợp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế... Với những hiệu quả đã đạt được và các giải pháp tương lai như trên, nhất định vấn nạn tham nhũng phải bị đẩy lùi.