“Bông hồng thép” vẫn nở hoa dù… ung thư vú “gọi tên”

Chị Nguyễn Thị Hương luôn là một người phụ nữ lạc quan và vui vẻ
Chị Nguyễn Thị Hương luôn là một người phụ nữ lạc quan và vui vẻ
(PLVN) - Chồng mắc bệnh nan y, hai con nhỏ thơ dại... chị Nguyễn Thị Hương (SN 1967, ở Thanh Xuân, Hà Nội) hơn 20 năm qua vốn đã trở thành trụ cột của gia đình. Bởi vậy, khi biết bản thân mắc ung thư vú, bầu trời đối với chị dường như sụp đổ. Nhưng suốt 7 năm qua, chị Hương chưa một lần cho phép bản thân gục ngã.

Mổ ngay nếu muốn sống

Tôi tới thăm căn nhà nhỏ của chị vào một ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019. Trong căn nhà nhỏ chưa đầy 40m2, chị Hương vui vẻ khoe vừa mua được cây quất nhỏ với giá 150.000 đồng. Đối với chị và gia đình chỉ cần như thế là đã có Tết. 

Tôi dám chắc không mấy ai gặp chị lần đầu mà có thiện cảm. Người phụ nữ cao, gầy, mái đầu lưa thưa tóc, giọng nói ồm ồm. Cùng với đó là dáng vẻ giống một người đàn ông khiến nhiều người chẳng mấy cảm tình.

Nhưng có lẽ những điều đó nói lên được phần nào về người phụ nữ đã gần 30 năm gánh trọng trách là trụ cột gia đình. Mình chị nuôi mẹ già suốt 20 năm, trong khi người chồng không được khôn ngoan như người ta cùng hai đứa con thơ dại. 

Chị Hương kể, tháng 8/2012, giữa lúc đang bán hàng tạp hóa, đồ ăn, đồ uống may mắn nhờ đông khách mà kiếm được tiền thì bỗng nhiên chị phát hiện ra ở vùng nách mọc lên một khối vú phụ. Khi đi khám chị còn hết sức vô tư.

“Tôi nhớ khi đi khám vào chiều thứ 5 nhưng vẫn tham làm sáng thứ 6 tới chiều mới đi nhận kết quả. Biết mình mắc ung thư vú giai đoạn III thì tâm trạng lúc đó coi như rơi thẳng xuống vực sâu. Bác sĩ khi đó nói tôi cần phải mổ ngay nếu muốn sống. Đứa em gái đi cùng tôi sau phải gọi chồng ra đèo chứ tôi có đi nổi nữa đâu”, chị Hương nhớ lại. 

Trong suốt một tuần sau đó gia đình, bạn bè đã phải động viên chị rất nhiều. Ngày 20/8/2012, chị Hương được đưa lên bàn mổ để cắt bỏ hết khối u để sau đó tiến hành truyền hóa chất và xạ trị. Sau khi mổ xong chỉ trong vòng 1 tuần chị sụt mất 8kg.

Sau đó 11 ngày chị Hương được chỉ định truyền hóa chất. Đây cũng là quãng thời gian khó khăn nhất đối với chị trong quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư. 

“Giai đoạn truyền hóa chất và xạ trị nó như một cuộc leo núi. Cứ mỗi lần truyền hóa chất là lại ôm bô, ôm tolet vì khi truyền sẽ cảm thấy chán ăn, dị ứng với mọi mùi thức ăn”, chị Hương rùng mình nhớ lại. Chị Hương không ăn được bất cứ thứ gì, đến cả ngửi thấy mùi thức ăn người khác nấu chị cũng không chịu được.

Nhưng may mắn chị có một người chị gái ở Hà Đông đang nuôi cháu nhỏ. Khi đó, người chị gái của chị Hương hàng ngày đều mua thịt, rau củ về xay ra nấu cháo nuôi chị Hương cùng đứa cháu nhỏ. Chỉ có như vậy chị Hương mới ăn được “khi đó cứ cháu 1 bát, bà 1 bát đến buồn cười”. 

Quá trình truyền hóa chất là 18 ngày một đợt thì 7 – 10 ngày là không ăn được. Sau đó khi cảm thấy có thể ăn được, chị Hương phải ăn liên tục để bồi bổ sức khỏe. Nếu sau mỗi lần kiểm tra không đủ điều kiện truyền thì chị sẽ phải tiêm thuốc kích thích có giá trên 2 triệu đồng. 

Mặc dù mắc căn bệnh ung thư quái ác nhưng chị vẫn làm việc không biết mệt mỏi
Mặc dù mắc căn bệnh ung thư quái ác nhưng chị vẫn làm việc không biết mệt mỏi

Trong suốt 2 năm sau đó chị Hương phải trải qua tất cả 6 đợt truyền hóa chất và 32 mũi xạ. Khi đó, móng chân, móng tay của chị Nguyễn Hương bị thối hết đen ngòm, răng gãy ngang. Mái tóc của chị cũng bị rụng hết, chị phải đội tóc giả vì nếu để đầu không thì sẽ chẳng đủ tự tin ra đường.

“Đến giờ tôi có 2 bộ tóc giả, một bộ là của chị là Hội trưởng hội phụ nữ của Phường tặng. Và một bộ là của cô cháu gái cho nên tôi mới có hai bộ để thay đổi”, chị Hương cho biết. 

Quá trình điều trị ung thư của chị liên tục bị ngắt quãng do tác dụng phụ của quá trình truyền hóa chất và xạ trị. Tới cuối tháng 12/2018 chị mới chấm dứt quá trình điều trị của mình. Tính tới hiện tại, sau 7 năm kiên cường chiến đấu căn bệnh ung thư của chị Hương đã được kiểm soát, không bị di căn sang các bộ phận khác.

Nỗi đau chỉ dành riêng cho mình

Điều không may nhất là khi đang truyền hóa chất và xạ trị chị Hương bị mắc căn bệnh Phù bạch huyết động ở cánh tay trái. Đây là căn bệnh mà một đoạn chi như cánh tay hoặc cẳng chân, nhưng cũng có thể phù cả tứ chi, do sự tắc nghẽn trong hệ thống bạch huyết gây ra. Đây là căn bệnh mà trên thế giới tỷ lệ mắc phải chỉ 1/10.000 người.

Khi đó cánh tay của chị sưng phù lên, cứng như đá, đau nhức khiến chị không thể làm được gì. Ban đầu, khi phát hiện ra bệnh chị Hương đã tìm đến đông y. Suốt 6 tháng chị đã uống hết tới 3 cân vảy tê tê rồi giun đất mất cả gần trăm triệu mà không thuyên giảm. 

Sau đó, theo lời mách bảo của nhiều người chị tìm đến bệnh viện Bỏng quốc gia ở Hà Nội (phường Phúc La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội). Tháng 2/2014, ca mổ của chị được tiến hành thành công. Hiện tại, cánh tay của chị đã được cải thiện tới 70%.

“Khi tiến hành mổ tay, sau 6 tiếng gây mê bị ảnh hưởng đến dây thần kinh cười khiến tôi ngồi cười như một con điên. Cô bé giường đối diện thì cứ khóc, thế là một người khóc, một người cười. Khi hết thuốc mê tỉnh xong hỏi mình có biết gì đâu”, chị Hương kể lại.

Cũng theo chị Hương, khi tiến hành mổ cánh tay bị phù bạch huyết cũng là lúc kinh tế gia đình chị hoàn toàn kiệt quệ. Số tiền chị dành dụm bao năm đều dành hết cho bệnh tật. Nhưng may mắn chị nhận được sự trợ giúp từ gia đình hai bên nội ngoại, bạn bè và chính quyền địa phương nên gánh nặng cũng được giảm bớt.

Mặc dù vậy, hiện tại dù trong người vẫn mang căn bệnh ung thư nhưng chị Hương hàng ngày vẫn đi làm tại một công ty làm khóa cửa của người cháu. Thời gian rảnh buổi tối thì chị bán tạp hóa tại nhà. 

“Chỉ có chỗ gia đình thương mình thì đứa cháu mới nhận vào làm chứ ai người ta đi nhận một người bệnh tật như tôi. Nhiều khi đang làm mệt quá, tụt huyết áp không làm nổi lại nghỉ”, chị Hương cho hay. Hiện tại, kinh tế gia đình vẫn là một tay chị gánh vác. 

Chồng của chị vì vợ bị bệnh nên giờ cũng đi nhặt ve chai để giúp vợ trang trải kinh tế. Nhưng chỉ cách đây vài ngày anh bị cảm, ngất giữa đường được người ta đưa về nhà tưởng không qua khỏi.    

Chị Nguyễn Thị Hương cùng gia đình hạnh phúc trong ngày mừng thọ mẹ
Chị Nguyễn Thị Hương cùng gia đình hạnh phúc trong ngày mừng thọ mẹ

Chị nói vui, mới sống đến 50 tuổi nhưng đã có 6 lần lên bàn mổ. Chia sẻ về căn bệnh và cuộc đời của mình chị Nguyễn Hương cho biết, bản thân nhiều khi cũng muốn buông xuôi vì thấy cuộc sống quá khó khăn. Nhưng sau đó khi được bạn bè động viên, nhìn chồng tốt, con ngoan mà chị lại cố gắng vực dậy tinh thần. 

Cũng theo chị Nguyễn Hương, đối với người bệnh ung thư, để chiến thắng nó thì yếu tố quyết định là 60% tinh thần lạc quan, 20 % bác sĩ và 20% của thuốc. Nếu tư tưởng của bản thân mà không thông thì sẽ rất dễ bị căn bệnh này đánh gục. 

“Như Hồ chủ tịch nói “Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”, do đó nếu bị bệnh mà tinh thần không lạc quan, kiên cường thì không làm được gì, không thắng được bệnh tật. Căn bệnh K nó luôn rình rập mọi đối tượng không trừ ai từ người giàu đến người nghèo.

Ai chẳng muốn một cuộc sống vuông thành sắc cạnh, tròn trịu nhưng không được thì mình đành phải chịu, phải bằng lòng với nó và cũng phải chiến đấu để có thể sống tốt hơn”, chị Hương chiêm nghiệm. 

“Kể cả chỉ còn 1 ngày để sống thì mình phải sống làm sao trước hết là cho mình, sau đó cho xã hội và cuối cùng là gia đình mình. Tôi chỉ muốn một mình mình sập nguồn không muốn cho người thân của mình sập nguồn theo. Nếu mọi người đều lo cho mình thì ai còn làm được để lo kinh tế giữa thời buổi khó khăn này”, chị Hương tâm sự. 

Bởi vậy mà mọi nỗi đau về thể xác và tinh thần chị đều giữ cho riêng mình. Chị Hương dãi bày đã có nhiều đêm chị đau nhưng không dám nói với ai, “có nhiều đêm nằm khóc thầm một mình vì đau, vì cảm thấy xuống tinh thần. Con về hỏi mẹ khỏe không? lúc nào cũng nói ừ mẹ bình thường. Nhưng các con có biết mẹ đau chỗ nào đâu vì mình không nói. Kể cả mẹ đẻ bây giờ 93 tuổi không nói nửa câu mà vẫn động viên mẹ cố gắng sống cho con cái được nhờ”. 

Hiện tại, dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng chị Hương cùng một nhóm bạn 50 người vẫn thường xuyên tổ chức đi thiện nguyện ở các bệnh viện ung thư từ Hà Nội, Hà Giang, Lạng Sơn... Chị cho biết, mỗi chuyến đi giúp chị và những người bạn có thêm động lực để sống, có thêm cơ hội giúp đỡ nhiều bệnh nhân K trở nên lạc quan để chiến đấu với bệnh tật hơn. Nó khiến chị thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa và đáng sống hơn. 

Đọc thêm

Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát dịp Tết

Số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương. (Bệnh nhi điều trị sởi tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn - Ảnh: Hoài Giang)
(PLVN) - Tết cận kề, nhu cầu đi lại và giao lưu của người dân tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Để đón một cái Tết an lành, việc chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân.

Tử vong do ngộ độc cá nóc

Tử vong do ngộ độc cá nóc
(PLVN) - Chiều 6/1, UBND xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận xác nhận một vụ ngộ độc nặng do ăn cá nóc xảy ra trên địa bàn, khiến một người tử vong và bốn người khác phải nhập viện điều trị .

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc gần đây đã báo cáo sự gia tăng các ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả HMPV, vào mùa đông. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi đây là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng sự gia tăng ca bệnh đã thúc đẩy các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát.

Khi đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển ngành Y tế

Các bạn trẻ tham quan Triển lãm giới thiệu thành tựu công nghệ ngành Y tế năm 2024. (Ảnh: MOST)
(PLVN) - Tiến bộ trong công nghệ sinh học và chuyển đổi số không chỉ hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển thuốc, vaccine, mà còn giúp cải thiện việc chẩn đoán, điều trị bệnh, cũng như phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Rủi ro tiềm ẩn trong “cơn sốt” làm đẹp đón Tết

Các bác sĩ xử trí một ca biến chứng sau nâng mũi làm đẹp. (Ảnh: BV Trung ương Quân đội 108)
(PLVN) - Trong vòng một tháng qua, các bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp biến chứng nghiêm trọng do làm đẹp. Thậm chí, một số ca rơi vào tình trạng nguy kịch, tưởng chừng không thể vượt qua “cửa tử”.

Câu chuyện bảo hiểm y tế khi đồng bào 'lên vùng'

Chị Rơ Ô H’Hóp trong một buổi truyền thông về bệnh lao.
(PLVN) - Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, năm 2020 có trên 172.000 người mắc và 10.400 người chết vì bệnh lao tại Việt Nam…