Nữ “chiến binh” đem lại lạc quan cho bệnh nhân ung thư

Nữ “chiến binh” đem lại lạc quan cho những bệnh nhân K.
Nữ “chiến binh” đem lại lạc quan cho những bệnh nhân K.
(PLVN) - Đã sang năm thứ 7 kể từ khi Huế phát hiện khối u ở gan năm 16 tuổi. Thế nhưng, những việc Huế đã làm được lại đầy đặn,“đúng hẹn” như mọi bạn trẻ khác: tốt nghiệp THPT, vào đại học và tốt nghiệp đại học... “Một ngày sống cả trăm năm”, Phạm Thị Huế (SN 1996), quê Thái Bình đã lựa chọn như thế, kiên cường tựa một chiến binh, vượt qua đớn đau với nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Hạnh phúc khi còn nhìn thấy mặt trời

Tôi gặp Huế khi TS. Đặng Hoàng Giang ra mắt cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời”, ông viết về những nhân vật có thật đã sống những ngày cuối đầy ý nghĩa để chống chọi với những cơn đau còn đáng sợ hơn cả cái chết.

Phạm Thị Huế, cô sinh viên “bệnh nhân K” khi ấy đang ấp ủ đề tài làm rượu vang từ thanh long đỏ đã chia sẻ về những nỗi đau di căn và những lấp lánh trong tuổi trẻ của từng ngày được sống của cô.

Ấy là cô đã học ĐH, đã giúp những bệnh nhân K khác vượt qua những cơn đau, chống chọi bệnh tật. Rất nhiều người bạn, những em bé, và cả người yêu của cô đều đã ra đi… Nhưng với Huế và những bệnh nhân K khác, họ không sợ chết bằng sợ những cơn đau xé thịt xé xương…

Huế được phát hiện mắc ung thư gan vào năm 2012. Trong lý lịch bệnh tình của mình, Huế ghi: “Hai khối u ở gan 4cm, không đau. Một khối u ở ngoài gan 13cm, có đau. Ung thư di căn nhiều vị trí. Ngủ thì không nghĩ đến nó nữa sẽ không đau. Đến khi tỉnh, nhớ đến thì vẫn đau. Đau dữ dội kinh khủng cũng có, mà bình yên dịu nhẹ cũng có”.

Huế có lúc vu vơ nghĩ về cái chết, rằng mình sẽ còn bao nhiêu ngày, có lúc đau tưởng như không thể vượt qua. Nhưng cô đã đối diện với nó, bởi cái chết vô thường, ai cũng phải mất, cũng phải đi đến cánh cửa cuối cùng ấy. Hiện cô không điều trị nữa, bác sỹ điều trị nói đã “hết võ”.

Nhưng cũng như khi cô được bác sỹ thông báo 7 năm trước, rằng thời gian còn lại của cô chỉ có thể tới 3 năm, Huế cứ sống tận tâm với từng phút giây “ngày mai, để ngày mai tính”…

Và suốt năm qua, Huế đi khắp nơi để diễn vai diễn được xây dựng từ một nhân vật có thật trong cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời”. Trong vở kịch đó, nhân vật tên Liên có nhiều hoài bão, ước mơ nhưng bị ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy. Trong Liên luôn có những đấu tranh nội tâm để tìm cho mình ý nghĩa của cuộc sống và cuối cùng đến với cái chết một cách thanh thản.

Phạm Thị Huế đã nhập vai nhân vật Liên bằng tất cả những trải nghiệm từ cuộc đời mình. Liên là một bông hồng đỏ, nhưng cô sợ màu đỏ. Đó là màu của máu, của cái chết. Liên phát hiện ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy, cô gái có 17 năm đi học, 5 năm học đại học Bách Khoa, 3 năm đi làm.

Lúc sinh thời, Liên vẫn đi học, hoàn thành đồ án tốt nghiệp, kết thúc 5 năm tại Bách Khoa một cách đáng tự hào nhất. Những tháng ngày nằm viện, Liên chọn cho mình là một người đơn độc nhưng đầy bản lĩnh.

Cô không phải người ăn bám, cô biết tự chăm sóc bản thân, tự lết qua từng phòng để vào nhà vệ sinh. Khi Liên mất đi, cô trở thành một con người tự do như hằng mong ước. Cô nhìn thẳng vào cái chết với tất cả sự bình thản...

Huế gần như tương đồng với Liên tới 80%. Huế cũng không biết bây giờ mình là còn bao nhiêu thời gian sống trên đời. “Mình không sợ chết, chỉ sợ không thể tốt nghiệp. Còn tương lai, sự nghiệp ở phía trước. Còn phải nuôi thật nhiều chó và có thật nhiều gấu bông nữa”.  

Huế tâm sự: “Khi thử vai để tham gia dự án, mình biết sẽ phải đối diện với cơn đau khủng khiếp không thể diễn tả thành lời ngay khi cơn bệnh đang ngủ yên. Ý nghĩa nhất là khi được kể để mọi người hiểu về người mắc bệnh ung thư, những điều họ cần trên hành trình gian nan cùng bệnh tật cho đến khi giã biệt thế giới.

Huế (bên trái) trong vai diễn của mình
Huế (bên trái) trong vai diễn của mình

Và khi tham gia dự án, tôi thấu hiểu được ý nghĩa sinh - tử. Mỗi ngày mình đều chuẩn bị cho ngày mai. Rằng, nếu còn sống mình sẽ làm gì? Hiển nhiên rồi, mình làm việc và giúp đỡ gia đình đã kiệt quệ vì chữa bệnh cho mình”...

Về tình yêu, Huế cười bởi cô còn trẻ, nên tình yêu luôn bên cô, đầy lãng mạn. Khi điều trị ở viện, cô gái quen một anh bị ung thư xương, hai người đi đâu cũng có nhau. Lúc đầu Huế nhận lời làm người yêu như một lời động viên.

“Sau một thời gian anh ấy phát hiện bị di căn phổi. Mình vẫn lên thăm anh ấy ở Bệnh viện Vĩnh Phúc, sau khi bác sĩ ở Bệnh viện K trả về. Sau lần đó hai người yêu nhau nhiều lắm, bởi thời gian ngắn ngủi của anh ấy không còn nhiều. Bác sĩ cho biết anh bị di căn phổi thì chỉ sống được khoảng sáu tháng thôi, mà lúc đó là tháng thứ tư rồi”.

“Rồi hôm đó, mình thi xong lên thăm anh, bất ngờ bước vào cửa phòng bệnh thì bác sĩ bảo anh đang ở phòng cấp cứu. Mình sang đó thì tất cả đang đứng quanh giường bệnh, hai tay anh đặt trên ghế, người không còn sức sống nữa.

Vừa hỏi thăm vài ba câu, anh đã trong trạng thái không thể nói được nữa, rất mệt, chỉ thở thôi. Đó là hôm cuối cùng mình thăm anh. Lúc mẹ anh làm giấy tờ ra viện, mình  ngồi ôm anh ấy. Anh chỉ ôm lại, không nói gì nữa. Về nhà nửa tiếng sau thì anh mất...”, giọng Huế trầm xuống.

Và 10 ngày trước lần đi diễn ở Lâm Đồng (21, 22/9/2018), Huế trải qua một cơn đau tưởng không còn đủ sức để có thể diễn vai Liên một lần nữa. Mỗi ngày Huế đều đã sống đủ với những trải nghiệm học hành, yêu thương, đóng góp cho cộng đồng.

Nếu trước kia Huế luôn sống với những ký ức buồn của quá khứ và nỗi sợ hãi trong tương lai thì giờ đây cô gái ấy luôn sống trọn vẹn với những giây phút hiện tại. Và Huế đã diễn đêm kết thúc năm vào ngày 31/12/2018 tại Hội An để đón chào năm 2019!

Trước đó, ngày 20/12, Huế chính thức chạm đến uớc mơ của mình, trong bộ lễ phục tốt nghiệp mà cô hằng mơ uớc. Cô gái ung thư 22 tuổi bật khóc ngày nhận bằng tốt nghiệp: “Hôm nay được nhận bằng tốt nghiệp, mình hạnh phúc khi mọi người đến tham dự, lại còn tặng hoa. Khi phát hiện bệnh, tưởng chừng như không thể theo học Đại học, bây giờ, ước mơ của mình đã thành hiện thực.

Mình rất vui và hạnh phúc. Tuy thiếu chút nữa là được học lực giỏi, nhưng mình tự hào với thành tích đó. Mình đã cố gắng hết sức! Mình sẽ sống thật tốt, làm những điều ý nghĩa cho cuộc đời. Mình trân trọng cuộc sống này, từng giây, từng phút. Mình hạnh phúc khi còn được nhìn thấy mặt trời!”

Hãy trân trọng từng phút giây khi được sống

Bảy năm qua, Huế đã đi được một đoạn đường rất dài, làm được những điều mà không ai tin được: Gia đình muốn Huế nghỉ học để toàn tâm chữa bệnh nhưng cô chỉ đồng ý chữa bệnh khi được tiếp tục đi học. Người ta hình dung ung thư chỉ toàn là nước mắt. Nhưng Huế chưa bao giờ ngừng hy vọng, cô nói nếu còn sống chỉ thiết tha làm một chuyện: làm việc để giúp đỡ gia đình, vốn đã kiệt quệ vì chữa bệnh cho mình.

Mẹ Huế, một người phụ nữ nông thôn hiền lành ít nói. Bà đã đi đoạn đường hơn 100 km bằng xe máy từ nhà ở Thái Bình đến Hà Nội giữa trưa hè để xem con gái diễn kịch. Người mẹ lặng lẽ ngồi một chỗ và nhìn theo con, nở nụ cười hạnh phúc.

Vào ngày sinh nhật thứ 22 của Huế (16/12/2018), thiếu nữ nhẹ nhàng viết đôi dòng gửi tới người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời. Huế cầu mong sẽ cùng mẹ đón sinh nhật năm sau và nhiều năm sau nữa. “Cảm ơn tình yêu. Tình yêu là sự kết nối, là những cảm xúc không bao giờ phai nhạt, được hình thành bởi dòng chảy cảm xúc tích cực mà bạn muốn chia sẻ với bất kỳ ai. Mẹ à, mẹ là tình yêu lớn nhất đời con.

Phạm Thị Huế hạnh phúc bên mẹ
Phạm Thị Huế hạnh phúc bên mẹ

Hôm nay là sinh nhật lần thứ 22 của con, con biết từ ngày sinh con ra mẹ đã chịu bao vất vả, khó khăn, hình như chưa đêm nào mẹ được ngon giấc. Con biết nụ cười trên môi con là ánh nắng là niềm vui bất tận trong tim mẹ. Sẽ không có từ ngữ nào diễn tả được tình yêu mà mẹ đã cho con. Con cảm ơn mẹ thật nhiều, cảm ơn cuộc đời này đã cho con làm con của mẹ. Con hứa con sẽ con sẽ luôn dũng cảm, luôn tươi vui để trong tim mẹ là cả một rừng hướng dương”, cô gái viết.

Về vở kịch, Huế viết: “Vở kịch mang lại sự xúc động sâu xa bởi phép màu đôi khi không phải là một điều gì thần thánh mà chỉ đơn giản như ta gửi cho nhau những yêu thương thấu hiểu, để thấy rằng cuộc đời này luôn đáng sống và hãy trân trọng từng phút giây khi ta còn hiện hữu trên thế gian này...”.

Còn đối với mình, một cô gái đã có 7 năm đương đầu với căn bệnh ung thư gan nhắn gửi: “Mình muốn nói với tất cả mọi người rằng không ai biết chắc được ngày mai mình sẽ ra sao nên ngay từ lúc này hãy sống và cảm nhận cuộc sống trong từng hơi thở, hãy bỏ hết lo âu, sợ hãi, ngày mai thì để ngày mai tính. Cảm ơn Memento mori đã mang đến cho mình cơ hội sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Cảm ơn tất cả mọi người đã yêu thương mình trong suốt hành trình vừa qua...”.

Rồi tất cả sẽ trôi qua theo đúng như quy luật của cuộc sống, nhưng điều còn mãi lại là chúng ta đã trao cho nhau tình yêu, niềm tin để nối dài những yêu thương. Gần đây, Huế  gầy đi rất nhiều và cô không ngừng bày tỏ tình yêu, lời cảm ơn như thế. Cũng như Huế luôn mỉm cười, luôn trả lời rằng em vẫn ổn, dẫu vừa trước đó, em đã đau biết bao nhiêu… 

Tin cùng chuyên mục

Bộ Y tế phối hợp các đối tác thông tin về Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR).

Hành động ngay để đối phó mối đe dọa do tăng tỷ lệ kháng kháng sinh

(PLVN) - Sáng nay, 22/11, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế phối hợp tổ chức Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR) (từ 18-24/11/2024) với chủ đề “Giáo dục, vận động, hành động ngay”, nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.