Phải thực hiện đúng luật
Theo ông Toàn, công văn mà BHXH Việt Nam mới ban hành là văn bản hướng dẫn trong ngành. Về nội dung của công văn, việc thông tuyến trong tỉnh cơ quan bảo hiểm cũng đã thống nhất rồi, chỉ còn một nội dung là khám không đúng tuyến ở bệnh viện tuyến huyện, trong đó có bệnh viện tư nhân (BVTN) hạng III tuyến huyện thì BHXH hướng dẫn tạm thời không thanh toán.
Tuy nhiên, theo luật thì BVTN hạng III được xếp vào tuyến huyện, vì thế khi người dân đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế này cũng sẽ được hưởng 100% chi phí, trong phạm vi được hưởng.
“Công văn của BHXH thực ra là ở chuyện thanh toán trái tuyến thì tạm thời không thanh toán. Nhưng sau khi dư luận lên tiếng thì phía Bộ Y tế đã tổ chức họp, mời cả phía cơ quan bảo hiểm tham gia. Sau khi Bộ có ý kiến, chúng tôi đã thống nhất sẽ thực hiện theo luật là thanh toán. Bên BHXH sẽ có công văn đính chính nội dung này.”- ông Toàn cho biết.
Lý giải vì sao công văn hướng dẫn của cơ quan bảo hiểm lại trái với tinh thần của Luật BHYT sửa đổi, ông Toàn cho biết: Ở một số địa phương có hiện tượng một số BVTN năm 2015 được xếp hạng II, nhưng năm nay bị đánh tụt xuống hạng III. “Tại sao năm ngoái là hạng II, năm nay lại xuống hạng III? Chẳng lý kỹ thuật lại phát triển lùi? Việc tạm thời dừng thanh toán, theo tôi là vì lẽ đó”- ông Toàn nói.
Tuy nhiên, đại diện Vụ BHYT cho rằng công văn hướng dẫn của BHXH quy định: “Trường hợp bệnh viện (tư nhân - PV) đề nghị thanh toán theo mức giá tương đương bệnh viên hạng III, BHXH tỉnh tổng hợp báo cáo BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết” là chưa chuẩn.
“Họ yêu cầu xem xét thì được, còn việc giải quyết vấn đề này là thẩm quyền của Bộ Y tế, tức là Bộ Y tế sẽ xem xét việc xếp hạng các bệnh viện của các địa phương như thế đúng hay không. Sắp tới, Bộ sẽ có công văn gửi UBND các tỉnh để đánh giá xem việc xếp hạng như vậy chính xác chưa. Còn về mặt nguyên tắc là Bảo hiểm phải thực hiện theo quyết định của Ủy ban.”- ông Toàn nhấn mạnh.
Cần đối xử công bằng
Lãnh đạo Vụ BHYT khẳng định: Luật BHYT sửa đổi cho phép thông tuyến huyện có ý nghĩa rất lớn. Thứ nhất, người bệnh có nhiều quyền lựa chọn hơn. Người bệnh muốn đăng ký ở đâu thì đăng ký, khi đến bệnh viện tuyến huyện trên cả nước thì đều được khám chữa bệnh bình thường, được hưởng chế độ thanh toán bảo hiểm như nhau. Thứ hai, quy định mới như vậy cũng sẽ đặt ra yêu cầu các bệnh viện tuyến huyện phải nâng cao chất lượng thì mới thu hút được người bệnh.
Ông Toàn cho hay, tới đây, giá viện phí sẽ tính cả tiền lương của cán bộ, vì thế bệnh nhân mà đến ít thì sẽ không có tiền để trả lương. Không còn cách nào khác là các bệnh viện phải tự nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trong việc thu hút người bệnh. Nhờ đó chất lượng phục vụ sẽ tăng lên và người bệnh được lựa chọn, được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất.
Về vai trò của khối BVTN, ông Toàn đánh giá, nếu nhìn từ phía người dân thì thái độ phục vụ, thủ tục hành chính là tốt hơn khối bệnh viện công. Còn về chất lượng chuyên môn thì tùy thuộc vào từng bệnh viện. Nếu bệnh viện nào hợp đồng được nhiều bác sĩ có trình độ chuyên môn cao thì nó tốt, còn ngược lại thì chất lượng sẽ kém.
“Tuy nhiên, với xu hướng xã hội hóa y tế hiện nay cũng như so với các nước có nền y tế tiên tiến trên thế giới thì dần dần Nhà nước sẽ không đóng vai trò chủ đạo nữa, cung ứng dịch vụ sẽ là khu vực tư nhân. Lĩnh vực y tế để cho tư nhân phát triển thì tốt hơn. Bởi bệnh viện công hiện Nhà nước bao cấp rất nhiều, còn tư nhân thì họ tự bỏ ra để vận hành, để cạnh tranh. Hiện tượng các BVTN bị phân biệt đối xử là có. Khối bệnh viện này thực tế cũng chưa được đối xử một cách công bằng.”- ông Toàn nêu vấn đề.