Bộ Y tế lại đề nghị tăng viện phí

Sau nhiều lần đưa ra dự thảo về việc tăng viện phí nhưng đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Ngày 12/9 vừa qua, Bộ Y tế lại có báo cáo về điều chỉnh giá viện phí với hy vọng được dư luận đồng tình, chia sẻ…

Sau nhiều lần đưa ra dự thảo về việc tăng viện phí nhưng đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Ngày 12/9 vừa qua, Bộ Y tế lại có báo cáo về điều chỉnh giá viện phí với hy vọng được dư luận đồng tình, chia sẻ…

 Lý giải cho sự tăng giá

Để người dân không bị “sốc” khi công bố giá viện phí mới, Bộ Y tế đã nêu rất kỹ về các tồn tại và bất cập trong vấn đề viện phí hiện nay. Bộ này đã đưa ra 5 lý do để giải thích cho việc tăng giá viện phí lần này. Thứ nhất, giá viện phí hiện áp dụng từ 16 năm nay (theo Thông tư 14 được xây dựng từ năm 1995) đã không còn phù hợp và quá lạc hậu,“ tiền điện từ 640 đồng/KWh đã tăng lên 1.366 đồng/KWh; tiền nước từ 2.000 đồng/m3 lên 6.270 đồng/m3, xăng từ 4.700 đồng/lít lên 21.300 đồng/lít; tiền lương tối thiểu tăng 6,9 lần, từ 120.000 đồng lên 830.000 đồng….”. Theo Bộ Y tế, nếu không điều chỉnh giá của các dịch vụ ban hành từ năm 1995 thì các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện sẽ có nguy cơ đóng cửa.

Những lý do còn lại được đưa ra là công nghệ y tế ngày càng tiên tiến nên nhiều loại vật tư hóa chất thay đổi hoàn toàn về phương thức sử dụng làm chi phí tăng lên. Ngoài ra,  các kỹ thuật trước đây được làm thủ công thì nay thay thế bằng máy móc nên chi phí vật tư, hóa chất, test cũng tăng rất nhiều; Hiện nay hơn 60% dân số đã có thẻ BHYT, nếu không điều chỉnh viện phí thì bênh viện (BV) sẽ không nâng cao chất lượng dịch vụ đối với người bệnh BHYT; Mặt khác, do cơ cấu giá tính chưa đầy đủ, chưa có khấu hao, bảo đưỡng nên các tài sản, trang thiết bị đang xuống cấp nhanh chóng….

Sẽ tính đúng các chi phí

Bộ Y tế cho biết, điều chỉnh viện phí lần này theo nguyên tắc xác định đầy đủ chi phí khám, chữa bệnh và chia sẻ hợp lý trách nhiệm chi trả giữa nhà nước, xã hội và người bệnh.

Theo quan điểm của lãnh đạo vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc điều chỉnh viện phí sẽ tập trung vào khung giá của các dịch vụ kỹ thuật tại Thông tư 14 được ban hành từ năm 1995 cho phù hợp với tình hình thực tế (khoảng 350 trong tổng số 3.000 dịch vụ mà các bệnh viện đang thực hiện) và một số dịch vụ kỹ thuật tại Thông tư 03 được ban hành năm 2006, đến nay đã không còn phù hợp. Cụ thể, đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh, mức thu quy định tại Thông tư 14 chỉ từ 500 - 3.000 đồng/lần khám sẽ được điều chỉnh tăng lên từ 6.000 - 25.000 đồng/lần khám, tùy theo từng hạng BV và chuyên khoa. Hiện Bộ đang đề xuất BV hạng 1, đặc biệt từ 20 - 25.000 đồng; hạng 2 từ 15 -20.000 đồng; hạng 3 từ 10-15.000 đồng; trạm y tế xã khoảng 6-10.000 đồng/lần khám.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đối với giường bệnh điều trị nội trú quy định tại Thông tư 14 chỉ từ 4.000 - 18.000 đồng đối với BV hạng I, từ 2.500 - 16.000 đồng với BV hạng II… Trong khi đó, nếu chỉ tính tiền xử lý chất thải cho một giường bệnh/ngày thì đã vào khoảng 10.000 - 17.000 đồng, chưa kể tiền điện - nước, tiền vệ sinh cũng khoảng 10.000 đồng/giường…Vì thế, dự kiến mức điều chỉnh cho giường bệnh ở tuyến xã sẽ từ 10.000 - 15.000 đồng/ngày; giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 30.000 - 120.000 đồng/ngày; giường điều trị nội khoa từ 20.000-100.000 đồng/ngày; giường điều trị ngoại khoa, bỏng từ 25.000 - 240.000 đồng/ngày.

Các phẫu thuật, thủ thuật có nhiều phương pháp thực hiện khác nhau thì phải quy định khung giá cụ thể theo từng loại. Ví dụ cắt amidan giá quy định tại Thông tư 14 chỉ từ 20-40.000 đồng, nhưng hiện nay tổng chi phí trực tiếp khoảng 600-700.000 đồng/ca; nếu sử dụng dao siêu âm Coblator với giá 150 USD/lưỡi dao thì chi phí còn cao hơn nhiều.

Tăng viện phí không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT

Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định không phải khi đã ban hành khung giá viện phí mới là thu ngay theo mức tăng tối đa mà đây chỉ là khung giá có mức từ tối thiểu đến tối đa. Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định mức thu của các BV thuộc Trung ương, chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức thu của các BV thuộc địa phương trong phạm vi khung giá. Trước mắt, trong giai đoạn 2011 - 2012, sẽ xem xét điều chỉnh khung giá của các dịch vụ tại Thông tư 14 và một số dịch vụ quá bất hợp lý của Thông tư 03. Giai đoạn từ 2013 trở đi sẽ thanh toán theo định suất đối với người bệnh có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu.

Cũng theo quan điểm của Bộ Y tế thì tăng viện phí sẽ không làm ảnh hưởng nhiều tới 53 triệu người đã có thẻ BHYT (chiếm 62% dân số). Vì chi phí khám chữa bệnh của các đối tượng này về cơ bản đã được BHYT chi trả, kể cả một số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Các đối tượng cận nghèo, Nhà nước đã hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT và Bộ đang đề nghị nâng lên mức 70%. Đối với học sinh, sinh viên và những người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT….

Sau khi Bộ Y tế có Báo cáo, nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng các dịch vụ là quá cao, cách tính giá cũng chưa minh bạch. Đặc biệt, người dân bức xúc vì ngành y đòi tăng viện phí trong khi chất lượng phục vụ và y đức đang xuống cấp ở mức đáng báo động. Rồi, trong khi chưa có quyết định chính thức về tăng viện phí nhưng lâu nay, mỗi lần đi khám, hầu hết các bệnh viện đều thu của người dân mức phí từ 30.000 -70.000 đồng/lần khám.

Vân Thanh

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...