Sáng cùng ngày, Bộ trưởng cùng Đoàn công tác đã đến thăm các điểm bầu cử, tổ bỏ phiếu tại các huyện Vĩnh Thuận, Châu Thành, An Biên, An Minh và U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang); đồng thời trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo các địa phương, thăm các cán bộ làm công tác tư pháp ở cơ sở nhằm tìm hiểu tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và người dân nơi đây.
Trình bày với Bộ trưởng cùng Đoàn công tác, lãnh đạo các huyện Châu Thành, An Biên và U Minh Thượng đã cho biết những thuận lợi cũng như khó khăn về tình hình kinh tế, xã hội, công tác tư pháp, tình hình an sinh xã hội; công tác chuẩn bị triển khai bầu cử tại các địa phương.
Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận những nỗ lực vượt khó của lãnh đạo và nhân dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Bộ trưởng cho biết, mặc dù điều kiện cách xa về địa lý, thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên các huyện đã làm tốt công tác an sinh xã hội; các phòng tư pháp mặc dù lực lượng nhân sự ít nhưng vẫn thực hiện tốt công việc được giao, đảm bảo đúng chỉ tiêu, yêu cầu của Bộ giao.
Đối với công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương, Bộ trưởng đánh giá đảm bảo đúng theo các bước hướng dẫn của Trung ương; thực hiện tốt các bước giới thiệu, hiệp thương những người đủ tiêu chuẩn ứng cử…
Liên quan công tác bầu cử tại Kiên Giang, ông Nguyễn Hoàng Thăng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Kiên Giang - cho biết, đến thời điểm này tại Kiên Giang các cấp đã tổ chức thành công hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo đó, đối với bầu cử đại biểu QH, số lượng đại biểu được bầu là 8 đại biểu (Trung ương giới thiệu 3 đại biểu, địa phương giới thiệu là 5 đại biểu), số lượng người do địa phương giới thiệu ứng cử là 11 người.
Đối với đại biểu HĐND tỉnh, số đại biểu được bầu là 65 đại biểu, số đại biểu lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử là 108 đại biểu. Đối với đại biểu HĐND cấp huyện, số đại biểu được bầu là 519 đại biểu, số đại biểu lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử là 861 đại biểu (trong đó có 1 đại biểu tự ứng cử). Đối với đại biểu HĐND cấp xã, số đại biểu được bầu là 4.150 đại biểu, số đại biểu lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử là 6.939 đại biểu.
Cũng theo ông Thăng, nhằm phục vụ tốt cho công tác bầu cử và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tại địa phương tham gia công tác bầu cử; thực hiện Điều 23 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Ủy ban bầu cử các cấp trong tỉnh đã ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Đến nay tỉnh đã thành lập 22 đơn vị bầu cử cấp tỉnh; 173 đơn vị bầu cử cấp huyện và 1.230 đơn vị bầu cử cấp xã. Việc giới thiệu đại biểu tham gia ứng cử được tổ chức dân chủ, đúng luật, đúng thời gian. Công tác bầu cử trên địa bàn luôn được thực hiện một cách nghiêm túc, bình đẳng trong vận động bầu cử, đảm bảo tính dân chủ; công tác tuyên truyền được thực hiện phong phú với nhiều hình thức; công tác an ninh trật tự, an toàn trong bầu cử đảm bảo, ổn định…, ông Thăng cho biết.
Qua thị sát thực tế, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử của Ủy ban bầu cử tỉnh, đảm bảo đúng theo quy định. Dịp này, Bộ trưởng cũng đề nghị Ủy ban bầu cử tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tiểu ban bầu cử, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tổ chức tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, truyền đạt đúng thông tin, thông điệp để các địa phương và người dân hiểu được và bầu đúng lá phiếu của mình.