- Thưa ông, thông tin từ báo chí Nhật Bản cho thấy Nhật sẽ dừng cấp ODA. Nếu Việt Nam cam kết thực hiện điều tra và xử lý nghiêm các cá nhân hoặc tập thể liên quan đến vấn đề này, thì việc tiếp tục cấp ODA sẽ tiếp tục, nhưng chỉ với những dự án mới. Là người đứng đầu Bộ GTVT, ông có thể cho biết ý kiến về thông tin này:
- Tôi chưa thấy ai nói dừng cả. Còn về việc xử lý người vi phạm, phải có quy trình. Vụ việc đang điều tra, bắt người rồi nhưng còn phải có kết luận, đưa ra tòa xét xử. Hai bên hiện phối hợp chặt chẽ, cả Đại sứ quán Nhật, JICA và như cuộc làm việc vừa rồi là Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế Bộ Ngoại giao Nhật cũng sang Việt Nam chỉ để bàn về việc đó.
- Nếu thông tin Nhật cắt ODA cho Việt Nam là có thật, thì các dự án giao thông của Bộ bị ảnh hưởng thế nào?
Tại sao đi đặt vấn đề tiêu cực như vậy. Phải đặt vấn đề là xử lý nghiêm vụ việc xảy ra và phải quản lý chặt ODA trong thời gian sắp tới chứ.
- Một thực tế là việc thực thiện dự án của JTC đã bị ngưng. Điều này có ảnh hưởng gì đến thực hiện dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội không, thưa ông?
Thực ra dự án đường sắt đô thị số 1 mới bắt đầu thôi chứ chưa có gì lớn, có tạm dừng một thời gian nhưng chưa đấu thầu nên chưa ảnh hưởng gì. Hiện dự án vẫn triển khai. Tôi nói rồi, ta vẫn phải nghĩ về hướng tốt, tích cực.
Cả Đại sứ, sứ quán Nhật Bản và phía JICA đều đánh giá triển vọng rất tốt. Về vấn đề này, trong 3 nước vi phạm, chỉ có Việt Nam là tích cực hợp tác và thực hiện điều tra, xử lý tốt nhất.
- Bộ trưởng có kịch bản nào cho trường hợp xấu nhất là Nhật Bản dừng cấp vốn ODA không?
Tôi chỉ chuẩn bị cho tình huống tốt nhất. Tuy nhiên, trong các dự án ODA, chúng ta vẫn triển khai các biện pháp phòng ngừa vi phạm như thanh tra các dự án có JTC, không chỉ ở các dự án đường sắt mà cả các dự án ODA mà ngành đường sắt đang làm và các dự án ODA của ngành giao thông để tự kiểm tra, tự phát hiện, xem xét lại, có sơ hở về quản lý thì chấn chỉnh, việc nào làm tốt rồi thì làm tốt thêm. Qua rà soát dự án, JTC chỉ làm dự án đường sắt, không làm các dự án khác. Đến nay thanh tra vẫn đang làm và chưa có kết luận cuối cùng. Biện pháp thanh tra cần thời gian vì nội dung thanh tra nhiều. Nếu đặt thời hạn, “chạy theo thời gian” thì chất lượng thanh tra không tốt.
- Trong Nghi án nhận hối lộ, Bộ GTVT có xem xét vai trò của người phụ trách trực tiếp lĩnh vực này, ở vị trí Thứ trưởng?
Thứ trưởng phụ trách là người ký duyệt các dự án, chủ trương. Chủ trương thì không sai, chỉ là do phía dưới sai trong triển khai thực hiện cụ thể. Nếu quyết định chủ trương sai thì mới xử lý người ra chủ trương. Người phụ trách đã làm đúng, phê duyệt đúng còn lại là ở cấp dưới triển khai có khuyết điểm, khuyết điểm đâu xử lý đấy, chứ không lẽ ai có tên ký trong quá trình chuẩn bị dự án cũng xử lý hết cả?
Hiện tại, Bộ GTVT đã cho kiểm điểm trách nhiệm của tất cả các cán bộ liên quan. Trong thẩm quyền của mình, Bộ chỉ làm đến thế thôi, còn có trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền khác trong vấn đề xác định sai đúng, và ở mức độ nào.
- Sau những bài học liên quan đến ODA của Nhật, Bộ trưởng nghĩ chúng ta đã rút ra được kinh nghiệm gì?
Chúng ta có những bài học thành công và có cả những bài học thất bại. Những vụ việc xảy ra như thế đều phải rút ra những bài học, có giải pháp để tránh lặp lại chuyện đó.
Chúng ta đã có rất nhiều giải pháp, từ việc lập UB phòng chống tham nhũng của quốc gia, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật… đến Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo rồi, phải làm sao không để cán bộ không thể tham nhũng xảy ra, không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng... Nhưng phải thấy là cần phải có thời gian, phải thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Chính Phủ, của tất cả mọi người, trong đó có sự giám sát của người dân, báo chí. Tình hình sẽ tốt lên và chúng ta hướng tới sự tốt lên.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!