Một mình một thế giới
Nói bộ tộc thuộc lãnh thổ chủ quyền của Ấn Độ, nhưng thực tế người Sentinel thực hiện quyền tự chủ hoàn toàn. Sự tham gia của các cơ quan chức năng Ấn Độ bị hạn chế tối đa, dù là chuyến thăm ngắn gọn. Nói chung bất kỳ cuộc tiếp cận nào với đảo đều không được hoan nghênh, không mang lại kết quả tốt đẹp.
Một ý kiến cho rằng người Sentinel chính là con cháu của những người tinh khôn đầu tiên từ châu Phi và đã cư trú trên Đảo Bắc Sentinel chừng 55 ngàn năm. Bề ngoài họ có tầm vóc tương đối nhỏ, cao tầm 1,6m, da đen và tóc xoăn kiểu châu Phi.
Người Sentinel được cho là vẫn đang sống trong “thời kỳ đồ đá”, duy trì một xã hội săn bắt hái lượm, có nguồn sống nhờ việc săn bắt, câu cá, và thu lượm săn bắt động thực vật hoang dã. Không có bằng chứng về các hoạt động nông nghiệp của họ… Chưa rõ có bao nhiêu người sống trên hòn đảo, các chuyên gia dự tính số lượng tối đa 500 người.
Tuy nhiên, theo số liệu của Ấn Độ năm 2011, hiện số người Sentinel trên đảo chỉ còn con số hàng chục. Ấn Độ vẫn đang thực hiện chính sách “theo dõi nhưng không can thiệp” để đảm bảo những kẻ săn trộm không xâm nhập hòn đảo.
Ngôn ngữ người Sentinel được cho là không hề giống ai. Theo các tài liệu khảo sát dân số, người ta từng sử dụng tiếng Jarawa để tiếp xúc với các thổ dân trên đảo Bắc Sentinel nhưng không thành công. Jarawa là ngôn ngữ được thổ dân trên các hòn đảo gần đó sử dụng.
Chính quyền Ấn Độ tuyên bố bất kỳ ai tìm cách liên lạc với người Sentinel đều là phạm pháp và buộc phải giữ khoảng cách 5km quanh đảo. Đã có rất nhiều người bị giết vì xâm nhập vào hòn đảo này.
Mùa hè 1867, con tàu buôn từ Ấn Độ mang tên Nineveh gặp nạn, phải dạt vào khu vực rạn san hô gần đảo Bắc Sentinel. Tổng cộng 86 hành khách và 20 thủy thủ đã bơi vào bờ an toàn. Nhưng họ chỉ an toàn được hai ngày đầu.
Đến ngày thứ ba, tộc người Sentinel xuất hiện, tấn công. Đoàn thủy thủ chống trả lại thổ dân bằng gậy và gạch đá. Không rõ thương vong là bao nhiêu, chỉ biết rằng nhóm người này đã được cứu thoát nhờ Hải quân Hoàng gia Anh.
Năm 1896, một tù nhân vượt ngục trên đảo Adaman gần đó bằng một chiếc bè, sau đó trôi đúng vào đảo Bắc Sentinel. Đội tìm kiếm đã tìm ra xác của anh ta vài ngày sau với “cơ thể có một vài vết đâm và một vết dao cứa ngang cổ”.
Năm 1967, chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều nỗ lực để thiết lập “tình bạn” với người Sentinel. Một số nhà khoa học tìm cách bắt liên lạc với người Sentinel. Trong đó có đội thám hiểm do nhà nhân chủng học Triloknath Pandit dẫn đầu. Họ cố gắng phát quà và gửi tín hiệu thân thiện tới người Sentinel. Ban đầu, các thổ dân ẩn trốn trong rừng. Trong những lần sau đó, bộ lạc này lộ diện ở khu vực bờ biển. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy họ không chào đón những người khách lạ mặt.
“Chúng tôi đã mang tới nhiều món quà như bình lọ, xoong chảo, một lượng lớn dừa và các dụng cụ sắt như búa và dao. Chúng tôi cũng đi cùng ba thổ dân Onge (một bộ lạc khác) để giúp “dịch” lời nói và hành vi của bộ lạc Sentinel. Tuy nhiên, người Sentinel đối mặt với chúng tôi bằng sự giận dữ”, ông Pandit kể lại. Đoàn thám hiểm vẫn để lại các món quà để xây dựng quan hệ với bộ lạc bí ẩn.
Những kỷ niệm đáng buồn
Sau chuyến đi bất thành, đoàn thám hiểm Ấn Độ đạt được thành công đầu tiên vào năm 1991 khi bộ lạc tiến ra xa bờ biển để tiếp cận một cách thân thiện hơn. “Chúng tôi bối rối, không hiểu tại sao họ lại đến gần. Chúng tôi nhảy khỏi tàu và phân phát cho họ dừa cùng các món quà khác. Nhưng chúng tôi không được phép bước lên đảo”, ông Pandit nhớ lại.
Ông tiết lộ thêm một câu chuyện, trong chuyến đi đó, một thổ dân trẻ của bộ lạc đã dọa giết ông Pandit nếu ông vượt qua ranh giới. “Trong lúc tặng dừa cho bộ lạc, tôi tách đoàn và bắt đầu tiến gần bờ biển. Một chàng trai Sentinel liền rút vũ khí và ra hiệu sẽ cắt đầu tôi. Ngay lập tức, tôi đã gọi đoàn thám hiểm, rút ra xa nhanh chóng”, ông Pandit kể lại.
Năm 1974, đội quay phim của National Geographic gồm vài nhà nhân chủng học và cảnh sát đã tiến tới đảo Bắc Sentinel. Họ muốn làm một bộ phim tài liệu. Khi con thuyền chớm tiếp cận đảo, người Sentinel đã “chào đón” họ bằng một trận mưa tên.
Để tỏ rõ thiện chí, một viên cảnh sát đã mặc áo giáp lên bờ, để lại một vài món quà rồi về thuyền. Kết quả, cung tên bắn ra nhiều hơn, và một mũi tên đã trúng đùi vị giám đốc đoàn làm phim.
Một trong những sự kiện đáng nhớ khác liên quan hòn đảo là vụ tai nạn tàu chở hàng năm 1981. Khi ấy, con tàu Primrose chở thức ăn cho chim đã bị đắm, đẩy 28 thủy thủ lên đảo trong vòng hai tuần. Các nạn nhân đã được giải cứu nhờ máy bay trực thăng.
Họ may mắn không bị tấn công, nhưng đổi lại thì con tàu đã bị người Sentinel nhảy vào “hôi của”. Các chuyến thực địa sau này đã ghi nhận người Sentinel sử dụng công cụ kim loại lấy từ xác tàu.
Đến năm 1991, Công ty tàu biển Mohamed Brothers đã được chính phủ cấp phép cho tiếp cận hòn đảo, nhằm thu hồi lại một số mảnh xác tàu Primrose. Đội tàu tiếp cận đảo vài tháng một lần, với sự hộ tống của cảnh sát.
Thi thoảng, họ có đụng phải thổ dân, nhưng không có thương vong xảy ra. Thậm chí có lần họ còn nhặt được một cây cung của người Sentinel đang trôi dưới nước và mang về trưng bày.
Năm 2004, thảm họa động đất và sóng thần trên Ấn Độ Dương khiến nhiều khu vực bị ảnh hưởng, giết chết nhiều người, có thể trong đó có đảo Bắc Sentinel. Chính phủ Ấn Độ muốn biết tình hình sau thảm họa nên đã cử một đoàn cứu hộ đã bay tới và thả thức ăn cho người Sentinel.
Có vẻ như bộ tộc Sentinel đã cảm nhận được sóng thần đang tới và thoát ra trước vùng nguy hiểm. Tuy nhiên đáp lại, người Sentinel bắn cung tên vào trực thăng cứu hộ như xua đuổi.
Năm 2006, hai ngư dân Sunder Raj và Pandit Tiwari cho thuyền tới gần đảo bắt cua biển. Trong lúc ngủ, hai ngư dân đã bị thổ dân sát hại, chôn thi thể. Mọi nỗ lực của đội tuần tra duyên hải Ấn Độ chỉ giúp đưa về đất liền được một thi thể.
Mới đây nhất là trường hợp của du khách người Mỹ xấu số John Allen Chau. Anh đã trả tiền cho ngư dân để họ chở đến hòn đảo vốn không chào đón người ngoài và cuối cùng phải thiệt mạng trên hòn đảo.