Liên quan đến Dự thảo thuế nhập khẩu (NK) xe tải, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các cơ quan thông tấn báo chí cho biết: Theo cam kết với tổ chức Thương mại thế giới, hàng năm vào ngày 1/1, Việt Nam phải đưa ra áp dụng biểu thuế NK mới phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế quan.
Trong tổng số hơn 9100 dòng thuế của Biểu thuế NK, trong năm 2011 Việt Nam phải cắt giảm khoảng 1800 dòng thuế của nhiều nhóm hàng, như thực phẩm chế biến, đồ gỗ, thiết bị, ôtô, xe máy…, trong đó có ôtô tải. Với mục tiêu vừa thực hiện cam kết quốc tế vừa hỗ trợ SX trong nước phát triển, vừa qua Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án cắt giảm thuế để lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi ban hành.
Riêng với mặt hàng ôtô tải, Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh cắt giảm (dự kiến) dựa trên cơ sở: Giảm dần thuế NK để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế tăng trưởng ổn định, từ đó tăng dần tỷ trọng nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế giảm thiểu ảnh hưởng từ bên ngoài; Vận tải là đầu vào của toàn bộ nền kinh tế, với thuế suất từ trên 50% đến 80% (tuỳ trọng tải xe) như hiện nay cấu thành vào giá xe tải nhẹ đang góp phần "đội" chi phí đầu vào của toàn bộ nền kinh tế, một trong những yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới lạm phát; Việc bảo hộ cần ở mức độ phù hợp, có thời hạn nhằm thúc đẩy DN nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ và quản lý, tăng khả năng cạnh tranh…
Sau khi nói rõ “nội tình” của bản dự thảo, Bộ Tài chính cho biết: Trong khi vấn đề này đang được cân nhắc và xin ý kiến tham gia của các cơ quan có liên quan trước khi có quyết định cuối cùng, việc một số cơ quan báo chí nắm thông tin và đưa tin thiếu toàn diện và khách quan với những bình luận có độ nhạy cảm cao đã gây ảnh hưởng không tốt tới thị trường, SX kinh doanh và điều hành chính sách của Chính phủ.
Được biết, liên quan đến bản Dự thảo này, Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến cho rằng biểu thuế mà Bộ Tài chính dự kiến đưa ra là quá sớm so với thời hạn cuối cùng của cam kết gia nhập WTO (năm 2018) và khẳng định việc áp dụng mức thuế NK hiện hành ở mức cao đối với xe tải nguyên chiếc là phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm hỗ trợ SX trong nước và hạn chế nhập siêu…
Thôi thì các Bộ có ý kiến khác nhau về một vấn đề cũng là chuyên bình thường. Thế nhưng trong công văn của Bộ Tài chính gửi các cơ quan thông tấn báo chí, Bộ này đề nghị các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí có nghiên cứu, đóng góp ý kiến trực tiếp với cơ quan Bộ Tài chính (thay vì đưa thông tin, bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng) đối với dự kiến phương án điều chỉnh thuế suất thuế NK năm 2011, trong đó có mặt hàng ôtô tải để tổng hợp và chính thức ban hành...
Không chỉ lĩnh vực thuế ô tô, không ít vấn đề DN có ý kiến lên các cơ quan chức năng, thắc mắc có, đóng góp có, song công văn “một đi không thấy trở lại”. Thậm chí có cả những ý kiến góp ý công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng song khi văn bản được ban hành thì “đâu vẫn vào đấy”. Khi được hỏi về vấn đề này, một DN chua chát: “Dự thảo đưa ra lấy ý kiến mà âm thầm gửi về cơ quan soạn thảo thì “ai biết ma ăn cỗ nào”?” Thực tế, không ít vấn đề được tranh luận công khai các diễn đàn hội thảo, trên báo chí đã được tháo gỡ kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí không chỉ với đối tượng áp dụng mà ngay với cơ quan nhà nước.
Nếu Bộ nào cũng đề nghị báo chí “nhỏ nhẹ bảo nhau” thì có lẽ báo chí chỉ đợi văn bản ban hành xong là tuyên truyền? Nếu vướng lại ... “nhỏ nhẹ bảo nhau” để Bộ lại... dự thảo sửa đổi??
Hiểu My