Báo cáo với Đoàn công tác liên ngành, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Ngô Hữu Lợi cho biết: Trong bối cảnh thực thi chính sách với khối lượng văn bản lớn (chỉ riêng thông tư, từ năm 2013 đến 30/8/2018, Bộ đã ban hành 1.191 thông tư, thông tư liên tịch) nhưng số văn bản có sai sót chiếm tỷ lệ rất nhỏ và đã được xử lý kịp thời ngay khi Bộ Tư pháp yêu cầu kiểm tra xử lý tại thời điểm kết luận kiểm tra. Qua đánh giá tác động đối với nội dung có sau sót của từng văn bản thì các lỗi sai sót chủ yếu do kỹ thuật soạn thảo, một số văn bản chưa phù hợp về hình thức. Vì vậy, về cơ bản các văn bản này không gây ra tác động làm tăng nghĩa vụ hoặc cản trở việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Ngô Hữu Lợi cho biết: Trong bối cảnh thực thi chính sách với khối lượng văn bản lớn, nhưng số văn bản có sai sót chiếm tỷ lệ rất nhỏ và đã được xử lý kịp thời ngay |
Trên cơ sở đánh giá tác động của văn bản, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức có liên quan đến các văn bản có nội dung phải xử lý theo kiến nghị của Bộ Tư pháp. Đối với cán bộ, công chức được giao soạn thảo văn bản, hầu hết việc soạn thảo các văn bản có nội dung phải sửa đổi theo kiến nghị của Bộ Tư pháp là do sơ suất, hạn chế về kỹ thuật trình bày, về văn phong, chứ không vì mục đích cá nhân, không tư lợi. Một số văn bản nội dung chưa rõ ràng, còn có các cách hiểu khác nhau thì ngay sau khi nhận được ý kiến phản hồi, Bộ Tài chính đã tiến hành sửa đổi, bổ sung kịp thời. Từ thực tiễn công tác, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu hoàn thiện các quy định, quy trình liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL tới đây…
Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với Cục, tăng cường tự kiểm tra các văn bản đã ban hành |
Các thành viên trong Đoàn công tác liên ngành đề nghị Bộ Tài chính bổ sung, làm rõ thêm một số thông tin liên quan. Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với Cục, tăng cường tự kiểm tra các văn bản đã được ban hành, cố gắng kiểm tra văn bản theo sát tiến độ ban hành.
Đặc biệt, cần có ý kiến sơ bộ về tính hợp pháp trước khi văn bản có hiệu lực để báo cáo Lãnh đạo Bộ; xử lý nghiêm khắc những vi phạm đã rõ ràng (ban hành quy phạm pháp luật trong văn bản hành chính); nghiên cứu kỹ các quy định liên quan đến thẩm quyền, thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trung bình hàng năm, Bộ Tài chính trình ban hành 20 – 30 nghị định, ban hành theo thẩm quyền 200 – 250 thông tư, trả lời, giải đáp hàng nghìn các vướng mắc. |
Lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến của các thành viên Đoàn công tác liên ngành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, khối lượng VBQPPL do Bộ chủ trì soạn thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành rất lớn. Trung bình hàng năm, Bộ Tài chính trình ban hành 20 – 30 nghị định, ban hành theo thẩm quyền 200 – 250 thông tư, trả lời, giải đáp hàng nghìn các vướng mắc. Giải trình thêm việc xử lý một số văn bản cụ thể, Thứ trưởng Tuấn cũng cho rằng số văn bản đã kiểm tra, kết luận chỉ sai sót về kỹ thuật văn bản, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Ông Tuấn nhấn mạnh, đối với Bộ Tài chính, công tác xây dựng văn bản là rất quan trọng và khi có bất kỳ đề nghị giải đáp nào, Bộ đều cố gắng giải quyết nhanh chóng. Đặc biệt, với nhóm văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, Lãnh đạo Bộ đã quán triệt nghiêm túc việc thực hiện quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, trong đó không quy định thủ tục hành chính tại thông tư và đến nay đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 86 nhằm rà soát, đơn giản hóa được 51% điều kiện kinh doanh.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận thấy công tác xây dựng, kiểm tra VBQPPL được Lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm, tổ chức thực hiện khoa học, phân công trách nhiệm rõ ràng và có cả một thông tư quy định về công tác này. Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Bộ Tài chính cũng đã kiểm tra, tự kiểm tra, xử lý được nhiều văn bản, đã kịp thời đính chính các nội dung cho phù hợp (11/12 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đã được xử lý kịp thời), thể hiện tinh thần nghiêm túc, không gây nên hậu quả tác động đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. “Nhiều văn bản không chờ ý kiến kết luận kiểm tra của Bộ Tư pháp đã được Bộ Tài chính xử lý ngay trước khi có hiệu lực thi hành” – Thứ trưởng Hiếu ghi nhận và đánh giá cao khi năm 2017 – 2018 không phát hiện được văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của Bộ Tài chính.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu ghi nhận việc nhiều văn bản vi phạm của Bộ Tài chính đã được xử lý ngay trước khi có hiệu lực thi hành mà không chờ ý kiến kết luận kiểm tra của Bộ Tư pháp |
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hiếu, tại Bộ Tài chính vẫn còn văn bản sai và còn văn bản sai chưa được xử lý, đồng thời còn tình trạng ban hành quy phạm pháp luật trong văn bản hành chính. Từ đó, Thứ trưởng Hiếu kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương xem xét xử lý văn bản đã phát hiện sai chưa được xử lý để đến hết năm 2018 không còn “nợ” xử lý văn bản sai.
Chia sẻ lĩnh vực tài chính là nhạy cảm, liên quan đến người dân, doanh nghiệp nên Thứ trưởng Hiếu mong Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm đến công tác văn bản ở một số khía cạnh. Cụ thể là chủ động ban hành sớm các văn bản, tránh quy định hiệu lực trở về trước; chú trọng khâu lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động; tăng cường sự phối kết hợp trong công tác ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, phấn đấu kiểm tra 100% văn bản trước khi có hiệu lực thi hành; kiểm tra sâu về nội dung, tránh sai sót về thẩm quyền, nội dung; quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp chế…