Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ, đến nay Vụ đã nhận được ý kiến góp ý của 46/63 tỉnh, thành đối với dự thảo Thông tư thay thế. Trên cơ sở góp ý này, để bảo đảm thể hiện đầy đủ, khái quát chức năng của Sở Tư pháp, dự thảo Thông tư quy định theo hướng khái quát chức năng của Sở trong lĩnh vực “hành chính tư pháp” và “bổ trợ tư pháp”, bao gồm rất nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Về chức năng của Phòng Tư pháp, các góp ý đồng tình với sự cần thiết của việc bổ sung quy định về tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản của Phòng theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp cũng đã rà soát, chỉnh lý toàn bộ nội dung trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực có văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mới ban hành như xây dựng VBQPPL; kiểm tra, xử lý VBQPPL; rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; đấu giá tài sản; quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; hòa giải thương mại; trọng tài thương mại.
Đồng thời, bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Sở trong lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính và bổ sung nhiệm vụ của Sở trong việc giúp UBND cấp tỉnh quản lý các hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp. Tương tự, các nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tư pháp trong từng lĩnh vực cũng đã được rà soát, chỉnh lý.
Một nội dung thu hút sự quan tâm của các địa phương chính là hướng dẫn kiện toàn tổ chức, biên chế các cơ quan tư pháp. Đối với Sở Tư pháp, dự thảo Thông tư quy định “mềm” theo hướng số lượng phòng chuyên môn được thành lập theo các lĩnh vực lớn. Những lĩnh vực khác có khối lượng công việc ít hơn, Giám đốc Sở sẽ giao các phòng chuyên môn đảm nhiệm trên cơ sở cân đối khối lượng biên chế và công việc giữa các phòng.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư mới nhất đã bỏ nguyên tắc “số lượng phòng tối đa” và thiết kế theo hướng có thể tăng – giảm theo sự chủ động của Sở Tư pháp nhưng phải đáp ứng tiêu chí do Chính phủ quy định với 2 phương án.
Cụ thể, phương án 1 quy định phòng chuyên môn, nghiệp vụ được thành lập phù hợp với đặc điểm của từng địa phương theo các lĩnh vực: Xây dựng và kiểm tra VBQPPL; Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Hành chính tư pháp; Bổ trợ tư pháp; Lý lịch tư pháp.
Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm quản lý của công tác tư pháp của địa phương, Giám đốc Sở chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình UBND cấp tỉnh quyết định tên gọi các phòng nghiệp vụ để bao quát các lĩnh vực trên với số lượng 4 – 6 phòng tùy thuộc từng loại Sở Tư pháp cấp tỉnh (loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III). Phương án 2 thì quy định Sở Tư pháp cấp tỉnh loại đặc biệt được thành lập 6 phòng chuyên môn; loại I được thành lập 5 phòng chuyên môn; loại II và loại III được thành lập 4 phòng chuyên môn.
Đối với Phòng Tư pháp, hiện dự thảo Thông tư có thêm quy định “Trường hợp UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND huyện giao thêm Phòng Tư pháp nhiệm vụ thường xuyên, có khối lượng lớn như cấp ý kiến pháp lý đối với các quyết định xử lý vi phạm hành chính, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo và các nhiệm vụ khác thì phân bổ biên chế bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ này”...
Qua các chuyến công tác của Lãnh đạo Bộ tại địa phương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái cho hay đã nhận được nhiều đề nghị sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch 23. Tuy nhiên, ông Thái lý giải do Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Nghị định thay thế Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Vì vậy, chưa có cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch 23. Mặc dù vậy, Bộ vẫn chủ động hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế và sẽ lấy ý kiến Bộ Nội vụ ngay để kịp thời ban hành Thông tư khi các Nghị định thay thế được thông qua.
Tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Thông tư thay thế diễn ra cuối tuần qua, đa số thành viên đều nhất trí không quy định “cứng” tên gọi của phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp và góp thêm nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Thông tư. Cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn về việc liệu có nên quy định cơ cấu tổ chức bởi chủ trương hiện nay là đẩy mạnh phân cấp cho địa phương.
Kết luận vấn đề trên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng trước mắt vẫn quy định tại dự thảo Thông tư với 2 phương án đã nêu, đợi khi các Nghị định thay thế Nghị định 24, 37 ra đời mà yêu cầu không được quy định cơ cấu, tổ chức thì mới bỏ ra khỏi Thông tư. Đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ tiếp thu đầy đủ các góp ý, Thứ trưởng cũng chỉ đạo cố gắng liệt kê hết các nhiệm vụ được quy định tại các luật liên quan để không bỏ sót bởi tính chất của Thông tư là phải hướng dẫn thật rõ ràng, chi tiết.