Yêu cầu quan trọng hàng đầu của Chính phủ liêm chính, kiến tạo
Hiện nay, chúng ta đang quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Xin Thứ trưởng cho biết, vai trò, ý nghĩa của tinh thần thượng tôn pháp luật trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo?
- Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền tải một thông điệp rất quan trọng và ý nghĩa, đó là: “Chính phủ đẩy mạnh việc chuyển phương thức chỉ đạo, điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ”. Từ đó quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp trở thành phương châm hành động của Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Để xây dựng Chính phủ kiến tạo đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế để định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Như vậy, xây dựng Chính phủ kiến tạo cần gắn kết và có mối quan hệ hữu cơ với xây dựng Chính phủ liêm chính, xây dựng một nền hành chính phục vụ, tạo lập cách ứng xử phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Để bảo đảm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo với các đặc điểm cơ bản nêu trên thì yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với cán bộ, công chức, viên chức và từng người dân trong xã hội chính là sự thẩm thấu tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm nguyên tắc pháp chế, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.
Tinh thần thượng tôn pháp luật là cơ sở, nền tảng vững chắc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo; giúp cho việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của hệ thống hành chính Nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung được thực hiện nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất yêu cầu phát triển đất nước.
Nhiều địa phương sôi nổi hưởng ứng Ngày Pháp luật |
Những đóng góp quan trọng qua thực hiện Ngày Pháp luật
Xin Thứ trưởng chia sẻ về tinh thần thượng tôn pháp luật qua việc triển khai Ngày Pháp luật đã có những đóng góp như thế nào trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo?
- Qua 5 năm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam, tinh thần thượng tôn pháp luật đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng không chỉ của người dân mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Người dân được tạo điều kiện và đã tham gia tích cực hơn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý của đất nước, nhất là qua việc góp ý đối với dự thảo Hiến pháp, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), các luật khác, nhất là với những quy định liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của người dân.
Qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cho thấy, thể chế pháp luật ngày càng phát huy vai trò kiến tạo sự phát triển của đất nước; huy động, khai thông mọi nguồn lực, tiềm năng trong xã hội. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn kết chặt chẽ hơn với công tác thi hành, bảo vệ pháp luật. Hệ thống chính sách, pháp luật cấu thành thể chế kinh tế thị trường được chú trọng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Việc thi hành Hiến pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân đạt nhiều kết quả tích cực.
Các quy định pháp luật ngày càng công khai, minh bạch, sát thực tiễn, dễ tiếp cận. Kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của bộ máy nhà nước ngày càng được đề cao, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ được nâng lên. Công tác xây dựng, thực thi pháp luật đã gắn với những vấn đề của thực tiễn cuộc sống, với quyền và lợi ích hợp pháp, thiết thân của người dân, là “bà đỡ” giải quyết các “điểm nghẽn”, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành chùm 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó xem xét kỹ lưỡng về tính cần thiết của các quy định, đồng thời rà soát lại nhiều thủ tục hành chính nhằm cắt giảm các thủ tục, giấy phép, qua đó giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), thi hành pháp luật chú trọng hơn đến đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp; thông tin, phổ biến dự thảo chính sách, pháp luật trong quá trình soạn thảo.
Nhiệm vụ phản ứng chính sách được thực hiện kịp thời và sát với thực tiễn hơn. Công tác bảo vệ pháp luật được đẩy mạnh, nhiều hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có những vụ án lớn đã được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Nhiều mô hình hiệu quả hưởng ứng Ngày Pháp luật đã được xây dựng, nhân rộng, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật như mô hình “Sân khấu hóa PBGDPL” (Quân đội nhân dân Việt Nam); tổ chức đối thoại chính sách pháp luật với người dân, doanh nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính); mô hình Ngày hội pháp luật (TP HCM, các tỉnh: Bình Dương, Vĩnh Phúc…); mô hình “Tiết học pháp luật” (tỉnh Long An); mô hình thi viết tìm hiểu pháp luật (TP Hà Nội, tỉnh Nghệ An…) và thi tìm hiểu pháp luật, quy chế quản lý nội bộ trên Cổng thông tin pháp chế (Tập đoàn Điện lực Việt Nam)…
Có thể khẳng định rằng, tinh thần thượng tôn pháp luật đã tác động tích cực, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đổi mới sáng tạo.
Nhiều mô hình hiệu quả hưởng ứng Ngày Pháp luật đã được xây dựng, nhân rộng |
Phải được coi là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị
Để tinh thần thượng tôn pháp luật gắn với hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tiếp tục có sức lan tỏa, phát huy vai trò là nền tảng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, theo Thứ trưởng cần triển khai những giải pháp chủ yếu nào trong thời gian tới?
- Để tinh thần thượng tôn pháp luật gắn với hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tiếp tục có sức lan tỏa, phát huy vai trò là nền tảng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, phổ biến để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật, lợi ích của thượng tôn pháp luật trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Tinh thần thượng tôn pháp luật là một giá trị văn hóa cần phải được thấm nhuần và thực hiện thường xuyên, lâu dài.
Hai là, để phục vụ đắc lực cho quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật cần tiếp tục được quan tâm và nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng pháp luật ngày càng đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế, dễ tiếp cận, dễ thực hiện với chi phí tuân thủ thấp. Đảm bảo thi hành pháp luật công bằng, xây dựng nền hành chính trong sạch. Đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ gắn với công tác dân vận chính quyền, đoàn thể.
Xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật để bảo đảm tính giáo dục, răn đe; gắn hoạt động thực thi công vụ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với công tác PBGDPL.
Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, tinh thần thượng tôn pháp luật là một giá trị văn hóa cần phải được thấm nhuần và thực hiện thường xuyên, lâu dài. |
Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL nói chung, tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng và coi đây là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tiếp cận pháp luật, đồng thời, công dân có trách nhiệm chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đối thoại chính sách pháp luật. Nội dung tập trung vào những vấn đề xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; thông tin, phổ biến dự thảo chính sách, pháp luật ngay từ khi soạn thảo.
Bốn là, Ngày Pháp luật 09 tháng 11 là sự kiện chính trị, pháp lý để đánh giá những việc đã làm trong năm, đề ra các nhiệm vụ cho năm tiếp theo; khen thưởng, tôn vinh những tấm gương sáng, điển hình trong xây dựng pháp luật, PBGDPL, thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật; là ngày cao điểm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, thượng tôn pháp luật.
Nhưng muốn tinh thần thượng tôn pháp luật có sức lan tỏa từ hoạt động của Chính phủ, các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể đến từng người dân thì không chỉ ngày này hàng năm mới thượng tôn pháp luật mà tất cả 365 ngày trong năm đều là ngày chấp hành pháp luật.
Năm là, việc tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hàng năm cần bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, bộ, ngành, địa phương, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng và thi hành pháp luật, phục vụ nhu cầu pháp lý của tổ chức, cá nhân và phải được thực hiện đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, thực chất và đi vào chiều sâu.
Đổi mới và đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; coi trọng tổng kết, đánh giá, nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên thực tế; chủ động, sáng tạo áp dụng các mô hình mới, phù hợp.
Sáu là, nâng cao trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, tổ chức, nhất là người đứng đầu trong việc gương mẫu chấp hành, thượng tôn pháp luật khi thực thi công vụ và trong cuộc sống hàng ngày; chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức chấp hành tốt pháp luật, quy chế cơ quan, đơn vị; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật thiết thực, hiệu quả gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, lĩnh vực chuyên môn được giao quản lý, phụ trách.
Thực hiện tốt quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!