Hàng trăm hình ảnh, tài liệu, hiện vật
Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (BTLSQSVN) đã tổ chức triển lãm: “Tướng lĩnh Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến”
Triển lãm trưng bày hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật chia làm ba phần: Phần thứ nhất giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, Quân đội với các tướng lĩnh; phần thứ hai trưng bày hình ảnh, hiện vật của các tướng lĩnh trong những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu thời kỳ kháng chiến chống Pháp; phần thứ ba giới thiệu hình ảnh tướng lĩnh qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ.
Trong số các hiện vật, hình ảnh giới thiệu tại triển lãm có một số hiện vật tiêu biểu như: Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tướng lĩnh trong QĐND Việt Nam; hình ảnh buổi lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tại Lục Rã (Thái Nguyên); một số quyết định phong quân hàm tướng cho các cán bộ quân đội năm 1948… Máy vô tuyến điện của Trung tướng Hoàng Minh Thảo đã dùng trong trận đánh chiếm Buôn Ma Thuột; que chỉ bản đồ, kính lúp Đại tướng Văn Tiến Dũng sử dụng tháng 4/1975; ống nhòm của Trung tướng Lê Đức Anh sử dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975...
Để có được các hiện vật quý giá trưng bày tại triển lãm, những cán bộ bảo tàng đã lặn lội nhiều năm trời sưu tầm tại các địa phương trong cả nước. Thượng tá Trần Thanh Hằng, nguyên cán bộ Phòng Nghiên cứu Sưu tầm - Quản lý nghiệp vụ, BTLSQSVN, đã hồi ức lại những ngày tháng đó.
Bà Hằng kể, năm 1991, Phòng Sưu tầm - Kiểm kê bảo quản đã đề xuất với lãnh đạo Viện Bảo tàng Quân đội (nay là BTLSQSVN) xây dựng sưu tập tướng lĩnh QĐND Việt Nam. Dù được lãnh đạo Cục Cán bộ ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhưng có ý kiến cho rằng “tướng lĩnh là vấn đề nhạy cảm, dễ bị lộ bí mật quân sự”, vì thế, công việc bị đình lại.
Bảy năm sau, vào năm 1998, khi Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương từ Quân khu 3 được điều chuyển về làm Viện trưởng Viện Bảo tàng Quân đội, biết ý tưởng này, ông đã hối thúc Phòng Quản lý nghiệp vụ và Sưu tầm lập dự án đề nghị lên trên. Bà Hằng được phòng giao nhiệm vụ viết bản dự án này với tên gọi: “Sưu tầm, xây dựng sưu tập hiện vật tướng lĩnh QĐND Việt Nam, từ năm 1948 đến nay”.
Năm 2000, dự án được cấp trên phê duyệt. Đại tá Lê Mã Lương giao dự án này cho Phòng Quản lý nghiệp vụ và Sưu tầm thực hiện trong ba năm (2000 - 2003). Trung uý Lâm Văn Phú có nhiệm vụ cập nhật số liệu vào máy vi tính, bà Hằng nghiên cứu nội dung và cùng Thiếu uý Vũ Văn An, anh chị em trong phòng triển khai công tác sưu tầm.
Que chỉ bản đồ, kính lúp của Đại tướng Văn Tiến Dũng sử dụng tháng 4/1975 |
Những cuộc gặp gỡ thú vị
Sau nhiều ngày nghiên cứu, khảo sát hiện vật trong kho, thừa hưởng kết quả nghiên cứu của Phòng Kiểm kê - Bảo quản, Phòng Quản lý nghiệp vụ và Sưu tầm đã có danh sách 40 vị tướng với 415 hiện vật lưu ở bảo tàng, do nhân viên Vũ Tuyết Mai lập tháng 4/1999. Số lượng như vậy, so với thực tế còn là một khoảng cách lớn. Để có một danh sách tướng lĩnh hoàn chỉnh kèm theo những thông tin về họ là cả một thách thức lớn. Thời gian lùi xa, chiến tranh lùi xa, nhiều tướng lĩnh đã đi xa, số còn lại già yếu, bệnh tật, lại sống ở nhiều địa phương trên cả nước… tìm được họ và gia đình họ để sưu tầm hiện vật đâu phải dễ dàng. Trong khi đó, lực lượng thực hiện dự án cũng như kinh phí lại quá ít ỏi, hạn hẹp.
Muốn tiếp cận các vị tướng, trước hết, ban ngày, những người sưu tập tìm gặp hội cựu chiến binh địa phương xin danh sách, địa chỉ, điện thoại, đêm về ngồi phân loại những nơi đến trước, đến sau, sao cho khít với thời gian và cùng một cung đường. Chuyến sưu tầm của bà Hằng cùng với Thiếu uý Vũ Văn An tại TP HCM và các tỉnh Nam Bộ là chuyến đi đạt hiệu quả kỷ lục nhất. Chỉ trong vòng nửa tháng, hai người đã tìm gặp được gần 200 gia đình tướng lĩnh, sưu tầm được hơn 200 kỷ vật.
Thượng tá Trần Thanh Hằng nhớ lại: “Khoảng trung tuần tháng 4/2001, chúng tôi rời Hà Nội bằng tàu hoả vào TP HCM. Tới TP HCM, đồng chí Nguyễn Minh Khiêm, Cục Hậu cần phía Nam lái chiếc xe commăng ca đuôi vuông, cũ kỹ, ọc ạch đưa chúng tôi đi. Trời nắng như đổ lửa, trên chiếc xe đó, ba chúng tôi lang thang khắp các quận Tân Bình, Gò Vấp rồi đến Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ… Ngồi trong xe cảm giác như ngồi chảo lửa, chúng tôi người nào người nấy như “cua lột”. Cơ số xăng có hạn, chúng tôi sử dụng xe đi tuyến đường dài; xung quanh thành phố chúng tôi đi bằng xe ôm, đi bộ.
Đầu tiên, hai người gõ cửa nhà Chuẩn đô đốc Đoàn Bá Khánh, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân ở đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1. Ông mở cửa, nhìn hai người khách lạ chằm chằm, rồi quầy quậy không tiếp vì sợ kẻ gian dùng giấy giới thiệu giả đến lừa. Cuối cùng, ông yêu cầu hai cán bộ bảo tàng phải có công văn của Bộ Tư lệnh Hải quân gửi vào và phải có người của Hải quân dẫn đến, ông mới tiếp chuyện”.
Các đại biểu tham quan triển lãm “Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua những trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến” |
Vẫn lời Thượng tá Hằng: “Tìm đến nhà Thiếu tướng Lê Phi Long ở quận Tân Bình vào một buổi sáng, gọi điện nhiều lần ông không nghe và cũng không mở cửa, hai người đành ngồi chờ, không ăn uống gì. Khoảng đầu giờ chiều, có người nhà về, hai người theo vào. Cảnh tượng đầu tiên chúng tôi bắt gặp thấy ông ngồi như tượng đá trước bàn thờ con trai. Hoá ra con trai duy nhất của ông vừa qua đời, để lại hai cháu nội, ông quá đau buồn. Chúng tôi xin được thắp nén nhang cho anh và chia buồn cùng ông”.
Biết được mục đích, ý nghĩa việc làm của nhóm cán bộ, tướng Long mở tủ lấy chiếc máy ghi âm từng sử dụng ghi âm các cuộc họp của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, hội nghị quân sự tại Đà Lạt, tặng bảo tàng.
May mắn, hai người gặp Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, người thấu hiểu khó khăn, vất vả của cán bộ bảo tàng và mục đích sưu tầm xây dựng bộ sưu tập để lưu giữ di sản văn hoá quân sự, giáo dục con cháu đời sau. Từ năm 2001 đến tháng 5/2002, ông Dưỡng đã vận động và giúp nhóm cán bộ khai thông tuyến sưu tầm hiện vật về tướng lĩnh Hải quân. Chuẩn đô đốc Dưỡng đã dẫn nhóm cán bộ và Phó trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm - Quản lý nghiệp vụ Hà Minh Phương đến gia đình Chuẩn đô đốc Nguyễn Bá Phát ở Quận 3 để sưu tầm hiện vật.
Vốn chỗ quen thân với tướng Dưỡng, con trai tướng Phát đã lấy chiếc đồng hồ từ trên bàn thờ cha trao tặng cho bảo tàng. Đó là chiếc đồng hồ do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tướng Phát năm 1957, về thành tích xây dựng Cục Phòng thủ Bờ biển. Trên đồng hồ còn khắc chữ “Hồ Chí Minh” bằng chữ Hán. Trước đó, tháng 7/2002, Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng qua đời sau cơn nhồi máu cơ tim khi đang chơi thể thao.
Thượng tá Trần Thanh Hằng tâm sự: “Những chuyến đi tìm tướng lĩnh đối với chúng tôi dường như không biết mệt. Tôi không nhớ hết những ngày chúng tôi đã đi cả ngày lẫn đêm, cả thứ Bảy lẫn Chủ nhật. Chỉ biết rằng đêm đến chỗ nào có thể ngủ được là chúng tôi đặt lưng. Đó có thể là một doanh trại quân đội, nhà dân hoặc ngủ gà gật trên xe, miễn rằng gặp được các vị tướng”.
Chỉ trong vòng gần ba năm, công trình “Sưu tầm, xây dựng sưu tập tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, từ năm 1948 - 2003”, do Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm và Quản lý nghiệp vụ đã hoàn thành với 600 ảnh chân dung, tiểu sử cùng với hàng nghìn hiện vật quý giá, bổ sung nhiều hiện vật quý cho các sưu tập hiện vật của bảo tàng. Phòng đã báo cáo trước Hội đồng khoa học của BTLS QSVN có sự tham gia của đại biểu các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị. Kết quả được Hội đồng đánh giá là công trình có giá trị khoa học và ý nghĩa chính trị, giáo dục, thực tiễn sâu sắc, cả trước mắt và lâu dài, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hoá quân sự Việt Nam.