Năm 2000, cặp đôi thành lập Quỹ Bill và Melinda Gates, một tổ chức từ thiện tư nhân tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và vận động trên toàn cầu, bao gồm cả ở một số quốc gia nghèo khó nhất thế giới.
Quỹ đã trao hàng tỷ USD để hỗ trợ các vấn đề như y tế, phát triển và giáo dục toàn cầu, cũng như chống biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.
Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft vào năm 1975 và giữ chức vụ giám đốc điều hành cho đến năm 2000, đã từ chức khỏi Hội đồng quản trị của công ty vào năm ngoái và kể từ đó đã tập trung phần lớn nỗ lực của mình vào hoạt động từ thiện.
Ông vẫn sở hữu khoảng 1,3% cổ phần của Microsoft. Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của ông là khoảng 130 tỷ USD, khiến ông trở thành người giàu thứ tư trên thế giới. Theo NBCNews, hiện chưa biết tài sản sẽ được xử lý như thế nào trong vụ ly hôn.
Tài sản của Gates Foundation là gần 50 tỷ đô la, theo báo cáo tài chính của Quỹ. Quỹ này cũng được coi là tổ chức từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới trong 20 năm qua. Nó đã chi khoảng 5 tỷ đô la tài trợ hàng năm trong năm 2018 và 2019.
Thông báo này đã gây ra một làn sóng chấn động trong ngành công nghiệp từ thiện, nơi mà quỹ này có sức ảnh hưởng vô cùng lớn.
David Callahan, người sáng lập và biên tập của tạp chí Inside Philanthropy, một trang web về thế giới từ thiện và gây quỹ, cho biết: “Bill và Melinda Gates thực sự đã đi tiên phong trong một hình thức từ thiện quy mô lớn mới. Họ có lẽ là những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong hoạt động từ thiện trong thời gian gần đây, nếu không muốn nói là chưa từng có ai ảnh hưởng được như vậy”.
Trái ngược với những nhà tài trợ lớn trước đây của thế hệ đầu, chẳng hạn như Carnegies và Rockefellers, Gates đã giúp đi tiên phong trong truyền thống mới về “những người hiến tặng sống”, những người tạo ra phần lớn tài sản của họ trong giai đoạn đầu hoặc giữa sự nghiệp.
Trong tuyên bố thông báo về việc chia tay, cặp đôi - đồng chủ tịch của quỹ - cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau trong sứ mệnh từ thiện.
Câu hỏi đặt ra là liệu họ có tiếp tục tạo ra những nỗ lực từ thiện riêng bên ngoài quỹ mà họ đã cùng nhau thành lập hay không.
Quỹ này trong những tháng gần đây đã cung cấp 1,75 tỷ đô la tài trợ cho việc tăng tốc phát triển và phân phối các thử nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin Covid-19. Trong đó bao gồm khoản tài trợ 4,9 triệu đô la vào tháng 11 cho công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức - công ty cùng với Pfizer đã tạo ra vắc xin mRNA được ủy quyền đầu tiên để điều trị Covid-19.
Trong nhiều thập kỷ, một trong những mục tiêu của Bill Gates là cho đi phần lớn tài sản trong cuộc đời của mình. Năm 2010, ông và tỷ phú Warren Buffet đã tạo ra “The Giving Pledge” -nơi những người giàu có cam kết quyên góp tài sản của họ.
Mark Zuckerberg và Priscilla Chan đã thông báo rằng họ đã ký kết The Giving Pledge khi con gái chào đời. MacKenzie Scott – vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos - đã trở thành một nhà từ thiện lớn sau khi tuyên bố ly hôn với người sáng lập Amazon Jeff Bezos.
"Hoạt động từ thiện hiệu quả đòi hỏi nhiều thời gian và sự sáng tạo - cùng một loại trọng tâm và kỹ năng mà việc xây dựng một doanh nghiệp đòi hỏi ", Gates nói với CNN vào năm 1999 hồ sơ về các chiến lược đầu tư của quỹ đầu tư của mình.
Vào năm 2007, vợ chồng Bill Gates đến thăm Việt Nam và từ đó tới nay, Việt Nam nhiều lần nhận được sự hỗ trợ từ quỹ của họ. Cùng năm, quỹ cung cấp 245.000 USD cho viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), nhằm giúp đỡ một chương trình nghiên cứu tiêm chủng bệnh u nhú ở người.
Năm 2008, quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ hơn 2 triệu USD cho dự án "cải thiện việc sử dụng máy tính và khả năng truy cập internet công cộng tại Việt Nam". Trong 5 năm tiếp theo, quỹ tiếp tục tài trợ 30 triệu USD để mở rộng khả năng tiếp cận internet ở nông thôn.
Trong nhiều năm liền, quỹ Bill & Melinda Gates đã đầu tư vào Vietnam Enterprise Investment Ltd (VEIL), một quỹ chuyên đầu tư cho doanh nghiệp tại Việt Nam, được quản lý bởi Dragon Capital .
Hồi tháng 7/2016, Dragon Capital niêm yết Quỹ VEIL trên sàn giao dịch chính của Sở giao dịch chứng khoán London. Năm đó, quỹ Bill & Melinda Gates đã chi thêm khoảng hơn 12 triệu USD để tăng sở hữu tại VEIL và trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của VEIL, với tỷ lệ sở hữu 11,34%, tương đương lượng chứng chỉ quỹ có trị giá gần 88 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng).
Theo thông tin công bố của VEIL, tại thời điểm ngày 3/7/2020, quỹ Bill & Melinda Gates đang nắm hơn 25 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương 11,48%, vẫn là cổ đông lớn nhất của VEIL. Tính theo giá đóng cửa của VEIL vào ngày 21/4/2021, số chứng chỉ quỹ này có giá trị hơn 16 triệu bảng Anh.