Bí thư Thành ủy: Nghị quyết 54 - Động lực phát triển mới cho TP.HCM

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến tại Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến tại Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
(PLO) - Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017. Đây là quyết sách đột phá để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và XII của Đảng, Nghị quyết 16 và Kết luận 21 của Bộ Chính trị. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã có những chia sẻ ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết quan trọng này.

Quyết sách đột phá để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững 

Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội (Nghị quyết 54 của Quốc hội) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây là một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của Thành phố sau 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hơn 30 năm Đổi mới, giúp Thành phố vừa phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, trong hệ thống chính trị và các nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển Thành phố nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước, từng bước giải quyết có cơ sở khoa học và thực tiễn các thách thức lớn đối với sự phát triển của Thành phố trong 30-50 năm tới. 

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Nghị quyết số 54 của Quốc hội là sự thể chế hóa nhanh nhất ở cấp cao nhất một chỉ đạo của Đảng tại Kết luận 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị. Với sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đột phá của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt của Bộ Chính trị, sự hướng dẫn và ủng hộ của các Ban, Văn phòng Trung ương Đảng, cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ và các bộ ngành liên quan; sự chỉ đạo, hỗ trợ và triển khai hết sức khẩn trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội; sự chia sẻ, đồng cảm của các địa phương trong cả nước, chỉ sau tròn 1 tháng, Nghị quyết số 54/2017/QH14 đã được ban hành, đáp ứng đầy đủ quy trình thủ tục thông qua Nghị quyết tại một kỳ họp Quốc hội theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15 tháng 1 năm 2018, tạo điều kiện cho Thành phố và các bộ ngành, Chính phủ và Quốc hội triển khai trong 3 năm cuối nhiệm kỳ 2016-2020. 

Được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, ngày 19/10/2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã báo cáo Bộ Chính trị đề án Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị. Sau phiên họp, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 24 tháng 10 năm 2017, trong đó nêu rõ “Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn.” Với sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt của Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Nghị quyết được ban hành đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục tại một kỳ họp Quốc hội. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ ngày 24/11/2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với tỷ lệ rất cao. Đây là sự tin cậy của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân cả nước đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố mang tên Bác, yêu cầu Thành phố phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước. 

Phong cảnh Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
Phong cảnh Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Động lực phát triển mới 

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, diện tích chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số chiếm hơn 9% dân số cả nước, song đóng góp gần 22% kinh tế (GDP) và khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước. Tăng trưởng kinh tế Thành phố trong 30 năm đổi mới bình quân 10,7%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động của Thành phố gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước. 

Kết quả phát triển cao của Thành phố qua 30 năm đổi mới mà chưa có cơ chế, chính sách đặc thù là do tổng hợp của nhiều yếu tố. Những kết quả nổi bật của Thành phố đó là có cơ cấu kinh tế hiện đại nhất cả nước (từ năm 1976, cơ cấu công nghiệp và dịch vụ đã chiếm trên 90% kinh tế Thành phố và từ năm 2015 chiếm hơn 99%); lao động Thành phố có trình độ thuộc nhóm cao nhất cả nước; Thành phố có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước (chiếm 34% tổng số doanh nghiệp cả nước); Thành phố có lực lượng kinh tế tư nhân lớn nhất cả nước (vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân chiếm gần 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Thành phố năm 2016); Thành phố là trung tâm tài chính lớn nhất cả nước; năng suất lao động của Thành phố cao nhất cả nước; Thành phố có truyền thống năng động, sáng tạo, đổi mới… 

Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, sự phát triển của Thành phố đã bộc lộ sự giảm tốc, thậm chí tụt hậu so với cả nước ở một số lĩnh vực (thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, tính hấp dẫn của môi trường cạnh tranh), các yếu kém về giao thông, ngập nước, chất lượng môi trường có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy cao nhất và số vụ án được xét xử ở Thành phố nhiều nhất cả nước (chiếm khoảng 16% cả nước trong khi dân số chỉ chiếm hơn 9% dân số cả nước). 

Xuất phát từ đặc thù của một đô thị đặc biệt, đang trên đường trở thành một siêu đô thị (dân số trên 10 triệu người, bình quân 7-8 năm dân số tăng 1 triệu người, mật độ dân số gấp 15 lần bình quân cả nước, cường độ kinh tế (GDP/km2) gấp 34 lần cả nước), Thành phố Hồ Chí Minh còn là một đô thị biển lớn, cuối sông, chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương; là địa phương có tỷ lệ nộp ngân sách Trung ương trong tổng thu ngân sách trên địa bàn thuộc loại cao nhất cả nước và tỷ lệ được giữ lại để phát triển vào loại thấp nhất cả nước (18,2% tổng thu ngân sách trên địa bàn). 

Từ những đặc điểm trên, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh chính là một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, vừa quy định khác với pháp luật hiện hành trên 5 lĩnh vực, vừa tuân thủ nghiêm Hiến pháp 2013. Nghị quyết của Quốc hội là quyết định của cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước, cho phép thực hiện thí điểm trong 5 năm, đảm bảo quyền kiểm soát của Quốc hội trong suốt quá trình thí điểm. 

“Nghị quyết 54 của Quốc hội là sự thể chế hóa cao nhất, rất kịp thời nhiều nội dung quan trọng của Kết luận 21 của Bộ Chính trị ngày 24/10/2017 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16 ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020,” Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

Trách nhiệm lớn của thành phố cùng cả nước, vì cả nước 

Thực hiện trách nhiệm trước Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ ngay trong kỳ họp đầu tháng 12/2017, người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố sẽ có Nghị quyết về triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó xác định trách nhiệm lãnh đạo, kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong hệ thống Đảng, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; trách nhiệm và kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố hàng năm từ 2018 đến 2020. Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố sẽ thông qua kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 21 của Bộ Chính trị của Ban Thường vụ Thành ủy. 

Trong 18 nội dung của cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố có 12 nội dung cần có quy định của Hội đồng Nhân dân Thành phố. Ngay kỳ họp của Hội đồng nhân dân Thành phố từ ngày 4 đến 7/12/2017, Hội đồng Nhân dân Thành phố sẽ có Nghị quyết về triển khai Nghị quyết của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Trên cơ sở Nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ có chương trình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội 3 năm 2018-2020 và kế hoạch triển khai hàng năm. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong quá trình triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội và Kết luận 21 của Bộ Chính trị, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân sẽ định kỳ báo cáo và kịp thời xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ các nội dung liên quan và các vấn đề mới phát sinh để có chỉ đạo kịp thời. 

Thời gian thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội là 5 năm, trong đó cần triển khai tập trung tất cả các giải pháp trong giai đoạn 2018-2020, sơ kết vào cuối 2020 và báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Vì vậy, tinh thần của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố là: triển khai quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo Kết luận số 21-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội với tinh thần cùng cả nước, vì cả nước, xứng đáng với niềm tin mà Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đã dành cho Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt thời gian qua. 

Ngày 24/11/2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết 54 của Quốc hội xác định 8 đối tượng áp dụng là: Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Nghị quyết 54 của Quốc hội xác định 5 lĩnh vực điều chỉnh như sau: Thẩm quyền quản lý đất đai; Thẩm quyền quản lý đầu tư; Thẩm quyền quản lý tài chính-ngân sách nhà nước; Cơ chế ủy quyền; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý./. 

Bí thư Thành ủy: Nghị quyết 54 - Động lực phát triển mới cho TP.HCM ảnh 2

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...