Bí mật trong “lò” đào tạo chiến binh nhí của IS

IS đào tạo trẻ em thành thế hệ khủng bố kế tiếp. Ảnh NBC news.
IS đào tạo trẻ em thành thế hệ khủng bố kế tiếp. Ảnh NBC news.
(PLO) - Những đứa trẻ mang theo bom tự sát, những chiến binh nhí hành quyết tù nhân không ghê tay… Trẻ em bị Tổ chức Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng lạm dụng ngày càng nhiều. 

Câu chuyện của Ahmed (16 tuổi) và Amir (15 tuổi), hai anh em may mắn thoát khỏi bàn tay nhóm khủng bố khét tiếng IS đã hé lộ phần nào sự cực đoan và tàn ác của chúng khi biến trẻ em làm vũ khí thánh chiến. 

Ahmed và Amir bị IS bắt giữ suốt 9 tháng và bị giam tại một trại quân sự ở Mosul, thành lũy của IS ở Iraq. Chúng đánh đập, đe dọa và đào tạo lũ trẻ thành những chiến binh, hay “những sư tử con của Vương quốc Hồi giáo” theo cách nói của chúng. “Đàn sư tử” này sẽ liều mình để tiêu diệt những kẻ mà IS cho là ngoại đạo. 

Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Trong chiếc lều của người tị nạn ở Dohuk, Amir và Ahmed đang cuộn tròn dưới thảm, cố quên đi những ký ức kinh hoàng. Hai anh em họ đã trốn thoát khỏi bàn tay IS cách đây nửa năm. Giờ điều họ muốn làm chỉ là nằm xem những bộ phim hoạt hình. Hai anh em lướt qua các kênh trên TV. IS cũng có những kênh tuyên truyền của chúng phát tại các vùng người Kurd sinh sống ở phía Bắc Iraq.

Ahmed đang cầm chiếc điều khiển từ xa trên tay bỗng hét lên: “Chúng ta này Amir! Đó là chúng ta mà”. Hai anh em nhận ra họ trên màn hình: mặc chiếc áo dài đen, khuôn mặt gần như bịt kín. Họ đang cùng các chiến binh nhí khác trong một buổi huấn luyện chiến đấu ở Mosul. 

Bằng giọng khàn khàn, Ahmed kể lại khoảng thời gian khủng khiếp. Lớn lên tại ngôi làng Sinjar, thuộc tỉnh Nineveh miền Bắc Iraq, Ahmed và Amir có cuộc sống êm đềm cùng những đứa trẻ khác chơi bóng, leo núi, bắt gà.

Và rồi tai họa ập đến khi IS tấn công ngôi làng của họ tháng 8/2014. Những người đàn ông lái những chiếc xe tải xuất hiện trong ngôi làng. Chúng dí súng đe dọa khiến người dân sợ hãi bỏ chạy - nhưng lúc đó đã quá muộn.

Ahmed và Amir là hai trong số những người bị bắt lên những chiếc xe tải trùm kín và được đưa đến một điểm tập kết ở Tall Afar, nơi IS quyết định xem những đứa trẻ này được dùng vào việc gì. “Họ đã cho chúng cháu uống các loại thuốc để chúng cháu tin vào những gì họ nói là thật”, Ahmed kể. 

IS chia những bọn trẻ ra làm hai nhóm. Những em bé và yếu hơn được đưa vào trường học kinh Koran và được rao giảng bằng thứ tư tưởng cực đoan. Những đứa lớn được chuyển vào một trại huấn luyện quân sự ở Mosul. Ahmed và Amir cùng 200 cậu bé khác nằm trong số này. IS muốn bọn trẻ quên rằng chúng là người Yazidi. 

Vào những buổi sáng trước khi mặt trời mọc, Ahmed và Amir phải cầu nguyện. Sau đó, chúng được dạy những kỹ năng cơ bản của một chiến binh nhí: làm thế nào để sử dụng khẩu súng Kalashnikov? Làm sao để cài một thiết bị nổ? Cách kích hoạt số thuốc nổ dấu trong áo …

Trong mỗi buổi tập luyện như thế, những tên “đao phủ” IS không từ một hành động bạo lực nào, từ dùng gậy đánh đập, đến đạp vào bụng những đứa trẻ đang co ro sợ hãi. Mỗi ngày cứ thế trôi đi với nỗi kinh hoàng của những buổi phải tập luyện với IS.

Đêm đến, bọn trẻ phải ngủ trên những tấm nệm đầy bọ chét. Đó tiếp tục là một nỗi ám ảnh. Anh em Ahmed nói rằng, lúc đó họ cảm thấy cơ thể dường như đã chết. Trong những cơn mơ chập chờn, hình ảnh cứ gặp đi lặp lại trong tâm trí họ là bóng dáng người mẹ với tay gào thét khi 2 anh em bị bắt lên chiếc xe tải.

IS bắt những đứa trẻ mặc áo choàng dài màu đen theo kiểu người Afghanistan và đưa họ ra chiến trường. IS muốn cho “bầy sư tử con” nhận diện những người mà chúng cho là kẻ thù. Đó là những chiến binh của Đảng công nhân người Kurd (PKK), người Yazidi và Các chiến binh người Kurd Peshmerga. Một lần, một tên phiến quân chặt đầu 1 người Yazidi ngay trước mắt bọn trẻ.

Hắn cảnh cáo “Chúng mày cũng sẽ bị giết như thế, nếu không trung thành”. Suốt quãng thời gian sau đó, Amir vốn hiền lành, đã bị câm vì quá sợ hãi. Không chỉ chứng kiến cảnh hành quyết ghê rợn, các “chiến binh nhí” phải học cách làm theo với dụng cụ là một con búp bê và một thanh đao. Chúng cũng thường xuyên phải hiến máu cho những chiến binh bị thương.

Hai anh em Ahmed (trái) và Amir. Ảnh DER SPIEGEL
Hai anh em Ahmed (trái) và Amir. Ảnh DER SPIEGEL

Những liều thuốc ma thuật

Ahmed kể lại rằng, IS đưa cho họ những viên thuốc mà tất cả bọn trẻ đều không muốn uống và dụ dỗ bọn trẻ rằng uống thuốc này sẽ tự tin hơn nhiều. “Khi chúng cháu nuốt những viên thuốc đó, mọi thứ lập tức thay đổi”, Amir nhớ lại. Mọi nỗi lo sợ đều tan biến. Và rồi, cả hai anh em đều tin rằng những người Yazidi – nguồn cội của họ - là những kẻ hạ cấp, thấp hèn. 

Mỗi buổi tối, trước giờ đi ngủ, Ahmed thường trốn ra bụi cây sau khu lều ngủ. Cậu giấu chiếc điện thoại di động ở đó, phủ lá cây lên trên. Cậu bắt đầu gửi những tin nhắn cho mẹ với những câu đại loại như “mẹ ơi, chúng con vẫn sống”, hay “con rất nhớ mẹ”.

Thế rồi, một lần, 1 tên lính canh đã bắt được Ahmed khi đang cầm điện thoại nhắn tin. Hắn lôi cậu vào một căn phòng, xé toang chiếc áo cậu đang mặc rồi dùng chiếc ống nước cứ thế trút trận “mưa” roi lên thân thể cậu bé đến nỗi vỡ xương ức.

Giờ thì những chiếc xương đã lành nhưng vẫn nhô ra sau chiếc áo phông mỏng, một dấu tích cho sự tàn ác của IS mà suốt cuộc đời Ahmed không thể quên. 

Sau những trận đòn nhừ tử và những hình ảnh ghê rợn mà các tay súng IS gieo vào đầu lũ trẻ, chúng lấy đủ can đảm để trốn khỏi nơi tội ác và kinh hoàng ấy. Cùng 2 đứa trẻ khác, anh em Ahmed lẻn đi trong đêm khi những tên lính canh không để ý.

1 cậu bé trước đây đã từng bỏ trốn nhưng không may bị bắt lại. Phiến quân IS đã đánh gãy ống chân cậu bằng chiếc báng súng. Vì thế cả nhóm cùng giúp cậu bé ấy.

Họ đi suốt 9 ngày cho đến khi gặp những chiến binh người Kurd Peshmerga. Vậy là họ thoát khỏi nơi khủng khiếp nhất thế gian, nhưng những ám ảnh vẫn còn luẩn quẩn trong tâm trí.

Bên trong căn lều, một nhóm người ngồi im lặng bên nhau khi Ahmed và Amir kể câu chuyện của họ. Người mẹ của hai thiếu niên cũng ngồi kế bên con. Bà chỉ mong những đứa con trai này sẽ trở lại thành những cậu bé vui vẻ bình thường như xưa.

Bà mang nước cho chúng khi giữa đêm chúng tỉnh giấc khóc thét. Bà nhẹ nhàng đặt bàn tay che miệng chúng khi chúng thầm đọc kinh Koran. Và bà mong, giọng nói ghê rợn của những kẻ tra tấn sẽ mờ dần trong tâm trí các con theo thời gian. 

IS tiếp tục nuôi thế hệ cực đoan

Rất khó để xác định có bao nhiêu chiến binh nhí được IS đào tạo. Các chuyên gia ước tính khoảng 1,500 cậu bé đang phục vụ cho nhóm khủng bố này ở Iraq và Syria. Một số là con đẻ của các tay súng IS.

Theo tờ Spiegel (Đức),  một báo cáo mới nhất cho thấy khoảng 31,000 phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục cho IS đang mang thai con của chúng. Một số khác theo cha mẹ từ nước ngoài đến đây tham gia phong trào thánh chiến.

Trong nhiều trường hợp, những “sư tử con” cũng là con em của những tay súng địa phương hoặc trẻ mồ côi. Một số khác giống Ahmed và  Amir, đều bị bắt cóc. 

IS đào tạo trẻ em thành kẻ giết người máu lạnh. Ảnh Metro
IS đào tạo trẻ em thành kẻ giết người máu lạnh. Ảnh Metro 

Kể từ khi IS bắt đầu mất đi vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq do các chiến dịch quân sự của Mỹ và liên quân các nước, chúng liên tiếp tung ra hình ảnh và video tuyên truyền về những chiến binh nhí. Các nghiên cứu của quỹ Quilliam Foundation (Anh) cho thấy trong năm 2015, việc sử dụng trẻ em làm vũ khí gia tăng đáng kể so với những năm trước.

Các hành vi tàn bạo của trẻ em cũng xuất hiện nhiều hơn. Kẻ đánh bom vào một đám cưới ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/8 khiến ít nhất 51 người thiệt mạng được cho là một thiếu niên 12-14 tuổi. Trước đó, hồi tháng 7/2016, hình ảnh cậu bé cầm đao hành quyết tù nhân được cho là “gián điệp Taliban” cũng khiến dư luận bàng hoàng. 

Ông Rami Abdulrahman, giám đốc cơ quan giám sát nhân quyền tại Syria cho biết, “IS sử dụng trẻ em bởi dễ dàng tẩy não chúng. Có thể tạo ra những đứa trẻ như ý muốn bằng cách cho trẻ vào lò đào tạo của IS thay vì để trẻ đến trường”.

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, IS đang tẩy não trẻ em để tạo ra “những tay súng nòng cốt lấy bạo lực làm lẽ sống”. Nikita Malik, giám đốc nghiên cứu của quỹ Quilliam Foundation cho rằng, sử dụng trẻ em là thông điệp chúng muốn truyền tải với thế giới rằng, kể cả khi bị tiêu diệt, chúng vẫn còn những thế hệ thánh chiến kế tiếp.

“Nhiệm vụ của trẻ em là để truyền bá tư tưởng cực đoan của IS trong dài hạn, thâm nhập vào xã hội và lôi kéo những người ủng hộ chúng, ngay cả khi lãnh thổ của bọn chúng đã mất”, Malik phân tích...

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.