Khu vực này được người ta gọi là “Cánh đồng chum”, phần lớn các hiện vật khai quật có niên đại 500 TCN - 800 SCN. Không ai biết chính xác nguồn gốc của những chiếc chum đến từ đâu, do ai tạo ra, tại sao lại tồn tại. Theo truyền thuyết địa phương, chúng là “chén thánh” uống rượu do những người khổng lồ tạo ra cho nhà vua của họ, nhằm tìm nơi cất rượu gạo.
Một giả thuyết lại cho rằng chúng được làm để trữ nước mưa và được những đoàn du mục qua khu vực sử dụng để lấy nước uống. Trong khi đó, theo các nhà khảo cổ học, đó chính là những ngôi mộ cổ của một nền văn minh cổ đại, là nghi thức mai táng người chết…
Tính tới nay, đã có hơn 100 địa điểm có chum đá được phát hiện. Những chiếc chum thường được sắp xếp thành cụm từ một cho tới hàng trăm cái. Năm 1909, lần đầu tiên phương Tây được biết tới những cái chum khổng lồ do phát hiện của Vinet, một viên thuế quan người Pháp. Đến năm 1923, Henri Parmentier, nhà khảo cổ người Pháp đã có dịp đến cánh đồng chum, nhưng cả hai đều không tìm ra mục đích của những chiếc chum này.
Mãi đến năm 1930, cánh đồng chum mới được nghiên cứu tường tận bởi nhà khảo cổ học Madeleine Colani thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Bà phát hiện ra một số lượng nhỏ những chiếc chum có chứa tro cốt người và một hang động gần đó cũng chứa đầy xương. Bà cho rằng, một người sau khi qua đời được đặt trong chum cho phân hủy, sau đó mới đem đi chôn cất hoặc hỏa táng.
Những khai quật tiếp theo được thực hiện bởi các nhà khảo cổ học Lào và Nhật Bản trong nhiều năm đã ủng hộ giải thích này với sự phát hiện về dấu vết của con người, đồ vật và gốm sứ được mai táng xung quanh một số chum. Đây là có thể là nơi dừng chân trên tuyến đường thương mại cổ và đặc biệt với người buôn muối.
Năm 2016, các nhà khảo cổ tại Đại học quốc gia Úc (ANU) đã thám hiểm một khu vực thuộc cánh đồng chum, vốn được xem là “địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới” do vẫn còn bom đạn sót lại từ thời chiến tranh. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hố chứa xương người có niên đại từ cách đây hơn 2.500 năm.
Mới đây, một đội nghiên cứu cũng thuộc ANU tiếp tục phát hiện 137 chiếc chum ở 15 địa điểm trên khắp nước Lào, thuộc các khu vực địa hình rừng rậm, cực kỳ hiểm trở. Chúng có tuổi đời khoảng 1.000 năm, mới hơn so với cánh đồng chum được phát hiện trước đó. Các chuyên gia còn tìm được những đồ tạo tác từ thời kỳ đồ sắt như gốm sứ, hạt thủy tinh, công cụ lao động, trang sức và một con quay để dệt vải.
Hình ảnh về những cánh đồng chum bí ẩn ở Lào |
Theo Tiến sĩ Dougald O'Reilly, ông không rõ tại sao người xưa lại mất công di chuyển đá làm gì, và tại sao lại chọn khu vực quá xa như thế, nhất là khi khu vực này không có bằng chứng cho thấy con người từng sinh sống ở đây.
“Rõ ràng những chum đá này được đục trong mỏ đá, và bằng cách nào đó được vận chuyển vài km đến đây. Nhưng tại sao các địa điểm này được chọn vẫn là một bí ẩn. Và chúng tôi cũng không phát hiện dấu vết của con người trong khu vực”, O'Reilly nói.
Nói về những chiếc chum bí ẩn ở Lào, chiếc lớn nhất đường kính 2,5 m, cao 2,57 m, nặng hàng tấn. Chiếc nhỏ nhất chỉ cỡ một người ôm. Những chiếc chum được đẽo đủ dạng vuông tròn, cái có nắp đậy cái không, nằm ngổn ngang nửa chìm, nửa nổi hoặc lăn lóc trên mặt đất.
Hầu hết chum được làm từ đá granite, có cái làm từ loại đá hoa cương rất cứng và đá vôi. Mỗi chiếc chum được chạm khắc các hình người hay động vật cùng một số biểu tượng khác. Người ta còn tìm thấy các tảng đá gần những chiếc chum và giả thuyết chúng là những chiếc nắp đậy chum.
Các nhà khảo cổ học đặt ra giả thuyết, những người chế tạo đã sử dụng đục bằng sắt, mặc dù không có bằng chứng về điều này. Cần lưu ý rằng đá granite là loại vật liệu tự nhiên có độ cứng chỉ thua kim cương. Theo tính toán, cần mất nhiều thế kỷ mới có thể làm được hàng ngàn chiếc chum.
Bên cạnh đó, chiều cao người trung bình người châu Á cổ đại chỉ khoảng hơn 1,5m, vậy đâu là lý do để họ làm ra những cái chum khổng lồ, có cái cao đến tận gần 3m trong điều kiện kỹ thuật hết sức thô sơ? Trong khi đó, những ngọn núi cách khu vực cánh đồng chum đến hàng chục cây số, vậy làm thế nào để người cổ đại có thể vận chuyển hàng nghìn chiếc chum khổng lồ nặng hàng tấn qua hàng chục km?
Qua hàng chục năm nỗ lực tìm kiếm, đến nay các nhà khoa học vẫn không thể giải thích được những câu hỏi trên. Các cánh đồng chum tại Lào sẽ sớm trở thành Di sản thế giới của UNESCO. Hiện tại, du khách khắp nơi trên thế giới vẫn nườm nượp đổ về thăm quan cánh đồng chum mỗi năm để tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc chum đá mang những bí ẩn lịch sử chưa có lời giải dù nguy hiểm vẫn rình rập đâu đó trên cánh đồng đầy bom đạn. Hy vọng trong tương lai, khi bom mìn được gỡ hết, các nhà khảo cổ sẽ có thể tìm ra được nguồn gốc bí ẩn của khu vực cách đồng chum.