“Bí mật” “áo khoác mới” của tháp Effeil

Một phần bức tường kính dày 6,5 cm bảo vệ Tháp Eiffel. Hình chụp ngày 14/6/2018
Một phần bức tường kính dày 6,5 cm bảo vệ Tháp Eiffel. Hình chụp ngày 14/6/2018
(PLO) - “Bà đầm Thép” hiện lên kiêu hãnh trong khung cảnh thủ đô nước Pháp chính giữa bức tranh khổng lồ với con sông Seine bắc ngang. Thế nhưng, sắp tới, du khách sẽ phải ngỡ ngàng trước hàng rào bằng kính và kim loại ngăn Bà đầm Thép với thế giới bên ngoài.

“Áo mới” ngăn khủng bố

Năm 2017, Công ty Khai thác Tháp Eiffel (Société d’Exploitation de la Tour Eiffel, SETE), được sự đồng ý của thành phố Paris, đã quyết định xây hàng rào bao quanh công trình du lịch được tham quan nhiều nhất thế giới, hàng năm vẫn thu hút hơn 6 triệu lượt khách.

Hai bức tường bằng kính gồm nhiều lớp, dày 6,5 cm và cao 3 mét, được dựng ở mặt chính phía Bắc nhìn ra sông Seine dài 224,8 mét và mặt phía Nam hướng ra khu vực Champs de Mars và Trường Quân sự (Ecole Militaire) dài 226,6 mét. 

Còn hai cạnh hướng Đông và Tây nhìn ra hai vườn hoa bên hông được bảo vệ bằng hàng rào chấn song thép, cao 3,24 mét, bằng đúng 1/10 chiều cao của tháp Eiffel và mềm mại theo hình dáng cùng với đường cong của Bà đầm Thép, dựa theo ý tưởng ban đầu của kiến trúc sư Gustave Eiffel.

Ông Bernard Gaudillère, chủ tịch Công ty Khai thác Tháp Eiffel, giải thích: “Chúng tôi cho xây một hàng rào bằng kính xung quanh Tháp Eiffel. Không hẳn hoàn toàn vì phần lớn hàng rào không phải làm bằng kính mà là các chấn song thép. Thiết bị hỗn hợp này được xây dựng nhằm đảm bảo an ninh tối đa cho khách tham quan, cho nhân viên làm việc cũng như người dân sống xung quanh. 

Tất cả mọi vấn đề liên quan đến an ninh cho Tháp Eiffel được đưa ra sau khi đã tham khảo ý kiến và cân nhắc thấu đáo với Sở Cảnh sát Paris, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, độ dày của hàng rào bằng kính là 6,5 cm, có nghĩa là đạt mức an toàn tối đa. Điểm thứ ba là hàng rào này còn được tăng cường nhờ các cọc chắn có khả năng chịu được các cú sốc do phương tiện gây ra. 

Tháp Eiffel là một trong những công trình nổi tiếng nhất thế giới, vì vậy có khả năng xảy ra nguy cơ là các tổ chức tìm cách đánh vào công luận, ý tôi muốn nói là bằng một hành động nhắm vào tháp Eiffel”.

Ông Bernard Gaudillère cũng nhấn mạnh ngoài thiết bị chống khủng bố, đội ngũ an ninh có mặt tại các cửa ra vào đã được trang bị vũ khí từ tháng 11/2015. Ngoài ra, lực lượng quân nhân trong chiến dịch Sentinelle tiếp tục đi tuần xung quanh khu vực. 

35 triệu euro để bảo vệ Bà đầm Thép

Công việc xây dựng hàng rào bảo vệ được khởi công từ mùa thu 2017, để thay thế các rào chắn tạm được đặt dưới chân tháp Eiffel từ mùa giải Euro 2016 nhằm phòng ngừa nguy cơ khủng bố. 

Dự án được giao cho kiến trúc sư người Áo Dietmar Feichtinger. Ông được biết đến với nhiều công trình tại Pháp như cây cầu đi bộ Simone de Beauvoir ở phía đông Paris và cây cầu dẫn đến đảo Mont Saint-Michel nổi tiếng.

Đối với ông Dietmar Feichtinger, việc thiết kế hàng rào quanh tháp Eiffel, công trình được xếp hạng di sản của Unesco, là “một thách thức thực sự để hoàn thiện được một dự án vừa kết hợp được yếu tố bảo đảm an ninh, vừa duy trì vẻ đẹp của di sản”.

Toàn bộ hàng rào bảo vệ được công ty Viry, ở Eloyes, sản xuất theo hợp đồng trị giá 10 triệu euro với SETE. Công ty vùng Vosges này chuyên về những công trình bằng kim loại quy mô lớn và thường xuyên hợp tác trong nhiều dự án lớn của Paris, như “đám mây” che mưa ở Grande Arche de la Défense (phía tây Paris), mở rộng bảo tàng Louvre, khu Cité des Sciences và gần đây nhất là mái vòm của khu phức hợp bến tầu-trung tâm thương mại Les Halles. 

Thép làm chấn song sắt hàng rào bao quanh tháp Eiffel được sản xuất từ các lò rèn ở Pompey (tỉnh Meurthe-et-Moselle), gần thành phố Nancy. Ông Jean-Pierre Tahay, tổng giám đốc công ty Viry, giải thích: 

“Chấn song được làm từ thép Corten, một loại vật liệu chống ăn mòn, tự oxy hóa theo thời gian. Rỉ của thép có màu cam đậm, phù hợp với môi trường quanh Tháp Eiffel. Kính lắp ở hàng rào cao cũng rất hiếm trong chủng loại chống đạn, đồng thời phải đảm bảo được yêu cầu “trong suốt” một cách tối đa đối với phía hướng ra sông Seine. Còn ở hai bên cạnh thì việc các chấn song được lắp san sát không quan trọng lắm vì khu vực đó có rất nhiều cây cối”. 

Vẫn theo ông Jean-Pierre Tahay, để đáp ứng được nhu cầu trong suốt tối đa, công ty Viry đã hợp tác với công ty Saint-Gobain chuyên “chế biến kính ở Áo và Thụy Sĩ. Họ có cả một thị trường lớn với loại kính chống đạn dày 7 cm từng được lắp đặt tại nhiều nơi trên thế giới”. 

Người khen, kẻ chê 

Bước qua loạt cửa kiểm soát, khách tham quan tiếp tục tự do dọc ngang những khu vườn và dạo chơi dưới chân Tháp Eiffel vì những khu vực này vẫn miễn phí. Kiến trúc sư Dietmar Feichtinger khẳng định “chúng ta đã tìm lại được tinh thần ban đầu của Triển lãm Hoàn cầu (1889). Trước đây, có rất nhiều tuyến buýt trên đại lộ Gustave Eiffel, nhưng giờ chúng ta đã lấy lại được con phố đó và ưu tiên cho người đi bộ”.

Tuy nhiên, dường như công trình bảo vệ trị giá 35 triệu euro đã không hoàn toàn thuyết phục được hết người dân xung quanh và khách tham quan.

“Tôi nghĩ thật thảm họa, bởi vì người ta vẫn nghĩ là mọi chuyện sẽ đâu vào đấy và không cần phải đi qua những kiểu bảo đảm an ninh như vậy”.

“Chúng ta đã có quá nhiều các kiểu biện pháp an ninh, có quá đủ quân nhân ở Paris rồi, họ đã phản ứng tốt và can thiệp vào Louvre”.

“Có một câu ngạn ngữ nói rằng “Nơi nào bạn muốn đến, hãy đi con đường phải đi”. Dù có lắp hàng rào kính hay những gì họ muốn, nhưng những thứ đó không thay đổi được định mệnh”.

“Nếu muốn, thì người ta vẫn có thể vào trong được. Một người quyết tâm thì vẫn có thể làm tối đa để ra tay”.

“Hàng rào này bóp méo hoàn toàn cảnh quan của Tháp Eiffel. Chúng tôi rất thích thả bộ dưới chân tháp. Với cá nhân tôi, đây không phải là một ý tưởng hay”.

Phần lớn công trình được dự kiến hoàn thiện vào ngày 13/7/2018, một ngày trước lễ Quốc khánh Pháp, thường được kỷ niệm với màn pháo hoa và hòa nhạc ngay dưới chân tháp Eiffel. Công việc chỉnh sửa còn được tiến hành đến khoảng giữa tháng 9/2018 sau đó sẽ được bàn giao lại cho Công ty Khai thác Tháp Eiffel.

Quá nổi tiếng đôi khi cũng “mệt mỏi”. Nay đã gần 130 tuổi, "Bà đầm Thép" Eiffel của Paris đang phải đối mặt với một bài toán khó: Trước nguy cơ sắp quá tải, làm thế nào tăng được nguồn thu… nhưng không tăng thêm lượng khách tham quan.

Không nằm trong danh sách những tòa tháp cao nhất thế giới (kỷ lục thuộc về tòa nhà chọc trời Burj Khalifa ở Dubai, Tiểu Vương Quốc Ả Rập, cao 828m), tháp Eiffel được thiết kế bằng sắt tuy chỉ cao 324m nhưng lại là tòa tháp có đông khách tham quan nhất.

Ngoại trừ hai năm đen tối của ngành du lịch Pháp, 2003 và 2016, mỗi năm Bà Đầm Thép Paris đón tiếp hơn 6 triệu lượt khách tham quan kể từ cuối những năm 1990. Năm 2014, tháp Eiffel đạt mức kỷ lục là 7,1 triệu lượt du khách.

Ngưỡng đặt ra là không được vượt quá con số 7,3 triệu du khách. Một thách thức lớn đang trông đợi vào tập đoàn khai thác tháp Eiffel: Đó là làm sao đảm bảo được tương lai cho “Bà Đầm Thép” trong 15 năm tới trong khuôn khổ chương trình ủy quyền dịch vụ công.

Tổng giám đốc tập đoàn này cho biết về tham vọng của tập đoàn là làm sao “mang lại cho tháp Eiffel vẻ uy nghi” cũng như là “tìm lại sức mạnh biểu tượng mà tòa tháp ít nhiều đã mất đi”.

Đây sẽ là một phương trình khó. Một lưu ý là “khi ông Gustave Eiffel xây dựng tòa tháp này nhân dịp Triễn Lãm Toàn Cầu năm 1889, ông nghĩ là Bà Đầm Thép có lẽ chỉ có thể đón mỗi năm có 500.000 lượt khách mà thôi”. Và đã đến lúc các nhà quản lý nên xem xét lại mô hình kinh doanh và quản lý.

Nên chăng nghĩ đến chuyện giảm lượng khách tham quan hòng đảm bảo sự tồn tại của tháp và kéo dài được lâu hơn thời gian lên tháp, sao cho việc tham quan không chỉ thu gọn trong việc lên tháp, chụp vài ba tấm hình và rồi đi xuống lại. Tổ chức lại việc xếp hàng một cách thông minh hơn và không dồn người trong các thang máy.

Thế nhưng, ông Jean-François Martins, phụ trách ngành du lịch của tòa thị chính Paris, lưu ý rằng không chỉ là điểm du lịch, tháp Eiffel trước hết còn là một di tích lịch sử. Do đó, cần phải đảm bảo công tác bảo trì.

Để có thể tăng thu nhập mà không tăng thêm lượng khách, ngoài việc phải tăng giá vé tham quan, có thể các nhà quản lý sẽ tìm kiếm thêm nhiều nguồn thu khác, chẳng hạn từ những hoạt động dịch vụ, kinh doanh ăn theo như quán ăn, quà lưu niệm…

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.