Bi kịch của người đồng tính

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) -Ba con người, ba mảnh ghép của một gia đình nhưng chúng vênh nhau, xô lệch, khập khiễng. Một câu chuyện rối như tơ vò mà cả những người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đều không thể tìm ra một câu trả lời vẹn toàn. Bi kịch của một người đồng tính muốn được gia đình chấp nhận...

Một ông bố nát rượu

Ông Tùng là một cán bộ xã có năng lực nhưng công tác suốt mười mấy năm mà không có cơ hội thăng tiến lý do cũng bởi nghiện rượu. Nhìn bạn bè đồng nghiệp lên như diều gặp gió còn mình cứ dậm chân tại chỗ, ông Tùng lại càng quẫn trí lao vào rượu. 

Ngày nào cũng chè chén, có công to việc lớn, có khách khứa, có cỗ bàn uống rượu là điều dễ hiểu. Thế nhưng, dẫu chỉ có một mình ông Tùng cũng đem chai rượu ra nhắm với dăm ba quả xoài xanh, quả chanh, quả khế chua...

Từ nhà mình đến nhà mấy ông bạn rồi ra quán nhậu, bất cứ nơi nào cũng phải có chén rượu đưa câu chuyện. Mà cứ uống rượu say là ông Tùng về nhà chửi mắng, đánh đập vợ con. Thậm chí có lần ông cầm dao chém vào cánh tay bà Dung (vợ ông).

Phú - đứa con trai lớn hoảng sợ la toáng lên: “Ối mọi người ơi, bố cháu giết mẹ cháu rồi!” Bà con hàng xóm hớt hải chạy sang đưa bà Dung đến bệnh xá cấp cứu. 

Nhưng ông Tùng chẳng quan tâm đến sống chết của vợ, chỉ ra sức phân trần với đứa con đang gào khóc ầm ĩ: “Bố không cố ý, con đừng như thế, người làng người xã biết rồi bố còn mặt mũi nào ra đường nữa”.

Sau lần ấy, ông có sợ, nhịn rượu nhưng chỉ được vài hôm lại ngựa quen đường cũ. Rượu làm ông mụ mẫm đầu óc, nhớ nhớ quên quên, trong lúc mặt đỏ phừng phừng thêm lời khích tướng của mấy ông bạn nhậu liền dốc ví tiền cho người này người kia. Rồi đến sáng hôm sau tỉnh dậy cuống cuồng tìm không thấy lại đổ tội cho vợ con lấy trộm.

Cả đàn gà với chiếc ti vi ông cũng hứa bán cho người ta với cái giá như cho không trong lúc cao hứng chìm đắm men say. Bà Dung tiếc của cằn nhằn thì ông mắng: “Mày sống mà không có tâm, không phóng khoáng, keo kiệt. Sống như mày thì làm gì có bạn bè chí cốt.”

Lúc Phú – đứa con trai lớn chuẩn bị bước vào kỳ thi Đại học, mặc sức học của con chỉ trung bình khá, ông cứ khăng khăng: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”. Phú đã lén đăng ký trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội và đến hết thời hạn nộp hồ sơ mới nói với bố. Ông nổi trận nôi đình nhưng chuyện đã lỡ nên đành nhắm mắt cho qua.

Tay xách nách mang đưa con lên Hà Nội thi Đại học. Hai bố con đến ở nhờ nhà một người họ hàng. Chân ướt chân ráo, quần áo còn nằm gọn trong ba lô, ông Tùng đã xà vào một quán nhậu bên vỉa hè và bắt chuyện với dăm ba người đang ngà ngà say.

Và thế là năm ngày ở thủ đô thì cả năm ngày ông đều say sỉn, có hôm say đến mềm nhũn, người ta phải gọi người nhà đến đưa về. Đã vậy ông còn quát mắng ầm ĩ ngay tại cổng trường Đại học vì Phú làm bài không tốt. Hàng trăm, hàng nghìn con mắt ngoái nhìn hai bố con ông đầy ái ngại.

Nỗi đau giấu kín của một đứa con trai đồng tính

Phú là con trai lớn trong gia đình. Đến năm học lớp 10 cậu nhận ra rằng mình khác biệt so với các bạn nam đồng trang lứa. Cậu không thích những trò chơi con trai như đá bóng, đá cầu... cậu thích thú với những đồ trang điểm, váy vóc và cậu có những rung động đặc biệt với người đồng giới. Chính những xáo trộn trong tâm sinh lý khiến Phú học hành sa sút. Cậu không hoàn thành tốt bài thi Đại học. 

Một tháng chờ công bố điểm là một tháng Phú sống như dưới địa ngục. Như cơm bữa, cậu bị bố nhiếc móc trong cơn say bằng những lời lẽ thậm tệ nhất. Ý nghĩ nếu không đỗ sẽ tự tử lúc nào cũng hiển hiện trong đầu cậu.

Kết quả cậu vừa đủ điểm đỗ vào trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội khiến không khí trong căn nhà giãn ra. Một năm trọ học ở thủ đô, tiếp xúc với nhiều người thuộc thế giới thứ ba nhen nhóm trong cậu niềm tin tìm kiếm hạnh phúc và khát vọng sống thật với giới tính.

Cậu quyết định thổ lộ chuyện mình là người đồng tính với mẹ. Cậu chỉ nhận được một ánh mắt buồn, không đồng tình, không phản đối từ mẹ. Còn với ông bố nát rượu thì cậu im như thóc vì biết nếu đến tai ông ấy thì chẳng biết chuyện gì sẽ ập xuống đầu ba mẹ con. 

Phú trọ học trên Hà Nội, một năm chỉ về thăm nhà một hai lần. Cậu căm ghét bố và sợ phải nhìn thấy cảnh mẹ và em bị chửi mắng đánh đập, sợ vết thương ký ức lại tấy đỏ, mưng mủ. Cậu muốn ở biệt trên thành phố nhưng nhớ thương mẹ và em.

Mỗi lần về quê cậu đều gồng mình lên để làm một đứa con trai theo đúng ý của ông bố. Có lần ông Tùng nhìn qua khe cửa buồng thấy Phú tô son ông ta đá phăng cánh cửa đánh rầm lao vào giằng cây son trên tay cậu bẻ nát: “Tao không thấy thằng con trai nào như mày. Son với chẳng phấn! Mày con trai không ra con trai, con gái không ra con gái...”

Lúc ấy Phú phải cắn chặt môi đến bật máu vì sợ bật khóc thành tiếng vì nước mắt của cậu rơi sẽ chỉ làm cho cơn cuồng nộ của ông ấy thêm dữ dội. 

Trong gia đình, chỉ có đứa em trai là người luôn ủng hộ cậu. Nó là một đứa ít nói, lầm lì nhưng luôn đứng ra bảo vệ, che chở cho anh từ những năm tháng tuổi thơ đến khi trưởng thành.

…Và một người mẹ cam chịu

Bà Dung đi lấy chồng từ tuổi mười sáu. Ngày ấy ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ vì bà lấy được một người chồng vừa tài giỏi, vừa đẹp trai. Còn bây giờ thì họ lại xót xa sao số bà Dung lại khổ đến vậy khi lấy phải một người chồng rượu chè, cờ bạc, vũ phu. 

Bao nhiêu năm bà nhẫn nhịn, cam chịu mọi lời mắng nhiếc, đánh đập của chồng. Ý định ly hôn có xẹt qua đầu vài lần nhưng bà vội vã dằn ý nghĩ ấy xuống bởi lẽ bà không muốn hai đứa con không có cha.

Qua ngày đoạn tháng, bà nuốt nước mắt vào trong mà sống, kể cả đó là giọt nước mắt đắng chát thương ông nội. Khi ông nội lâm bạo bệnh nhưng mỗi lần lên thăm bà Dung cũng chỉ có hộp sữa, cân hoa quả chứ không có nổi mấy trăm nghìn lo cho bố tiền thuốc thang. 

Thế mà thấy bóng dáng bà Dung lật đật về đến cổng mỗi lần sang thăm ông nội về là ông Tùng sừng cồ: “Mày giỏi lắm, mày lén lút, giấu giếm mang hết tiền hết của nhà này mang về cho bố mẹ mày.” Bà Dung lẳng lặng bước vào bếp mà lòng quặn thắt.

Nghe mấy người bạn khuyên răn, bà đi xem bói, người ta bảo ở ngay chính giữa móng nhà bà có một bộ hài cốt còn xót lại, linh hồn người đó cho nhà được yên ổn thì yên ổn mà muốn nhà tan cửa nát thì ắt phải xộn xạo.

Nhưng biết sao bây giờ, ngày trước vay mượn tứ tung mới xây được cái nhà gạch để che mưa che nắng, bây giờ muốn di dời bộ hài cốt ấy thì phải phá bỏ ngôi nhà. Rồi cả nhà biết ở đâu? Với mấy xào ruộng, một ông chồng suốt ngày be bét rượu chè, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học biết xoay sở đâu mà xây lại. Biết vậy mà vẫn phải khuất mắt trông coi.

Khi biết đứa con trai là người đồng tính, bà Dung đã rất sốc: “Bố con đã như thế, bây giờ con còn thế này nữa mẹ biết sống làm sao”. Lần Phú dẫn người yêu về quê lấy danh nghĩa là bạn thân, bà Dung biết nhưng ngó lơ, bà không muốn đối diện với thực tế.

Bà luôn muốn con hạnh phúc nhưng cái hạnh phúc ấy đối với bà là đứa con trai lấy vợ và sinh con để sau này khi về già còn có người để nương tựa. Bà chỉ hiểu mơ hồ rằng Phú không thích con gái mà thích con trai. Bà nghĩ nó chỉ như một ý thích nên bà hết lời khuyên răn mong thay đổi được con. Bà thương con bằng cả cuộc đời mình nhưng bà lại không thấu hiểu được con.

Nỗi sợ người bố nát rượu, hung bạo, nỗi xót xa khi nhìn sâu vào ánh mắt héo úa của người mẹ vắt kiệt đời mình vì con đã khiến con đường để được sống thật với giới tính của Phú dẫn vào ngõ cụt./.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.