Bi hài người cao tuổi lên mạng xã hội

Bi hài người cao tuổi dùng mạng xã hội.
Bi hài người cao tuổi dùng mạng xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mạng xã hội đang dần làm thay đổi cuộc sống của người cao tuổi, như tiếp thêm sinh lực giúp não bộ người cao tuổi hoạt động tích cực, kéo dài tuổi thọ, sống vui vẻ, kết nối gần hơn với con cháu, họ hàng, bạn bè. Từ đó, giúp người cao tuổi cảm thấy bớt cô đơn, muộn phiền, sống vui, sống khỏe, sống có ích. Bên cạnh sự tích cực, trên không gian mạng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, cạm bẫy đối với họ.

Mừng tủi vì kết nối người thân, bạn bè

Thương mẹ cô đơn vò võ trong khi mình lấy chồng xa, con gái của bà Nguyễn Thu Liên (Đống Đa, Hà Nội) trong một lần về thăm nhà đã mua biếu mẹ chiếc điện thoại thông minh. Ban đầu mà bà Liên không muốn dùng vì thấy điện thoại nhiều tính năng, khó nhớ cách sử dụng khi mình 71 tuổi.

Được sự kiên trì hướng dẫn của con gái, bà Liên đã dần biết cách sử dụng. Từ khi biết sử dụng mạng xã hội, mỗi ngày, bà Liên 71 tuổi dành thời gian 2 - 3 giờ để lướt facebook, zalo. Bà Liên rất phấn khởi vì hàng ngày được “gặp”, được trò chuyện với con gái, con rể và hai cháu ngoại của mình thường xuyên.

Không những vậy, qua mạng xã hội, bà Liên mừng tủi khi gặp lại người bạn học cách đây 60 năm. Vì hoàn cảnh gia đình, họ bị mất liên lạc. Giờ họ tìm thấy nhau, bao chuyện thời thơ bé, bao chuyện buồn vui, hạnh phúc, đau khổ trong đường đời được dịp giãi bày, tâm sự. Dù cách nhau nửa vòng trái đất, nhưng họ vẫn thấy gần và ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm nhau. Bà Liên cảm thấy đỡ cô đơn, hiu quạnh và thấy vui vẻ, lạc quan hơn.

Cũng tìm thấy niềm vui qua mạng xã hội, ông Cao Duy Lương 82 tuổi (Hồng Bàng, Hải Phòng) dường như thấy khỏe mạnh hơn. Ông Lương vốn là người yêu văn chương, thơ ca. Khi còn trẻ, ông Lương hay tới các câu lạc bộ thơ để giao lưu, thưởng thức thơ của bạn và ngâm thơ của mình sáng tác.

Cách đây 10 năm, ông bị tai nạn giao thông, chân bị gãy lại cộng thêm tuổi già sức yếu, ông đi lại khó khăn. Ông không có điều kiện để tới các câu lạc bộ thơ ca. Hàng ngày ông buồn, làm thơ. Nhưng làm xong, ông lại càng buồn hơn vì ông không biết ngâm thơ, đọc thơ cho ai nghe. Con cháu đi học, đi làm cả ngày, về chỉ kịp chào ông rồi ai vào phòng người đó, không có thì giờ để nghe thơ của ông. Ông buồn hiu hắt.

Rồi tới một ngày, con dâu ông mang chiếc điện thoại thông minh, hướng dẫn ông sử dụng mạng xã hội. Biết bố thích thơ ca, con dâu ông đã giúp ông tham gia các nhóm, các câu lạc bộ thơ trên mạng. Khỏi phải nói, ông mừng vui ra sao. Ông được gặp gỡ, làm quen rất nhiều bạn thơ cao tuổi. Ông được nghe thơ, được khoe thơ của mình cho các bạn bằng online.

Ngoài thơ ca, ông còn được lắng nghe và chia sẻ những tâm sự vui buồn, phiền muộn ở tuổi già và những căn bệnh mắc phải. Ông biết nhiều thông tin bổ ích về cách chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất. Từ khi biết sử dụng mạng xã hội, ông thấy mình trẻ ra vài tuổi và minh mẫn, lạc quan, yêu đời hơn.

Có thể nói, với những tính năng như đăng ảnh, chia sẻ thông tin, nhắn tin nhóm, gọi video nói lên tâm tư của mình, bình luận, nghe nhạc, xem phim, xem những thông tin thời sự, xã hội… đều được chiếc điện thoại thông minh đáp ứng thông qua sử dụng Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube. Dần dần mạng xã hội đã trở thành người bạn thân thiết giúp người cao tuổi có thêm nhiều thú vui giải trí, giữ được tinh thần lạc quan sống vui, sống khỏe.

Suy sụp vì bị lừa tiền

Tuy nhiên, nhiều người cao tuổi vô tình trở thành “miếng mồi béo bở” cho những đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội. Bà Lại Minh Hằng 62 tuổi (Diễn Châu, Nghệ An) vốn là người đầy lòng trắc ẩn. Bà thường xuyên vào mạng xã hội để tìm những hoàn cảnh thương tâm. Cứ thấy hoàn cảnh khó khăn nào, bà lại tìm số tài khoản của người đó hoặc người đăng hoàn cảnh đó để chuyển tiền giúp đỡ. Lúc thì vài trăm nghìn lúc lại vài triệu đồng.

Bà Hằng có tiền tiết kiệm 500 triệu đồng phòng khi ốm đau. Nhưng vì thương người, chỉ sau 6 tháng tham gia vào mạng xã hội, bà đã chuyển đi 220 triệu đồng. Bà Hằng không hề biết mình bị lừa cho tới khi con trai bà vô tình phát hiện bà chuyển nhiều tiền. Con trai bà đã tìm hiểu và biết bà bị một nhóm lừa đảo bịa các hoàn cảnh thương tâm để lừa tiền những người nhẹ dạ như bà Hằng.

Khi biết mình bị lừa, bà Hằng suy sụp tinh thần vì thấy lòng thương người của mình bị lợi dụng. Con trai bà đã hướng dẫn bà nếu làm từ thiện thì gửi tiền vào tổ chức uy tín của Nhà nước tránh bị “sập bẫy” của những kẻ lừa đảo.

Bên cạnh sự tích cực, trên không gian mạng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, cạm bẫy đối với họ. (Nguồn: The Telegraph)

Bên cạnh sự tích cực, trên không gian mạng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, cạm bẫy đối với họ. (Nguồn: The Telegraph)

Ông Mai Văn Hưng, 55 tuổi (Quế Võ, Bắc Ninh) cũng bị lừa mất 35 triệu đồng. Trong lúc lướt mạng, ông thấy bạn ông có tên là Nguyễn Văn Cân hỏi vay ông tiền. Qua tin nhắn Facebook, ông Cân kể mình đang nằm ở bệnh viện vì bệnh sỏi mật và không có tiền để mổ. Biết gia cảnh ông Cân khó khăn, thương bạn, ông Hưng chuyển 30 triệu đồng theo số tài khoản ông Hưng cung cấp và chúc bạn sớm hồi phục sức khỏe.

Sau khi chuyển tiền xong, ông đi bộ tập thể dục ở gần nhà. Bỗng ông Hưng thấy ông Cân cũng đang ngồi nói chuyện rôm rả cùng những người hàng xóm. Ông Hưng thấy lạ ra hỏi ông Cân chuẩn bị mổ sỏi mật, sao còn ở đây. Ông Cân tròn mắt ngạc nhiên. Ông Hưng kể chuyện đã cho ông Cân vay rồi cả hai vỡ lẽ, ông Cân bị đánh cắp tài khoản Facebook. Bọn lừa đảo đã mạo danh ông Cân để nhắn tin lừa vay ông Hưng tiền. Ông Hưng cay đắng biết mình bị lừa đảo qua mạng xã hội.

Không chỉ bị lừa tiền, người cao tuổi vì quá ham mê sử dụng mạng xã hội đã làm ảnh hưởng sức khỏe của mình. Chị Phạm Thị Hương, 35 tuổi (Thạch Thất, Hà Nội) than thở: “Từ khi biết sử dụng mạng xã hội, mẹ chồng tôi nghiện Facebook, Youtube lúc nào không hay. Ngày nào mẹ tôi cũng sử dụng nhiều, đặc biệt từ 8 giờ tối cho tới 2 - 3 giờ đêm. Bà xem hết chương trình này đến chương trình khác, rồi vào chát, nhắn tin với nhiều hội, nhóm. Thức khuya nhiều, lại sử dụng mạng ảnh hưởng sức khỏe, mẹ chồng tôi đã bị đột quỵ, tai biến nằm viện hàng tháng trời”.

Theo thống kê của Tổ chức We are social, năm 2019, ở Việt Nam, nhóm người dùng mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là trên 45 tuổi. Nhóm này tăng lên 60% trong năm qua. Báo cáo “10 xu hướng tiêu dùng toàn cầu trong năm 2022” của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor chỉ rõ, ngày càng có nhiều người cao tuổi ở châu Á chuyển sang sử dụng mạng xã hội, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ Internet khác…

Đơn giản là người cao tuổi có nhiều thời gian, cô đơn, họ có nhu cầu kết nối người thân, bạn bè, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Đặc biệt hiện nay các gia đình nhiều thế hệ ít dần, con cái có xu hướng lập gia đình sẽ tách ra ở riêng.

Số liệu thống kê của Bộ TT&TT, tính tới tháng 9/2023, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam chiếm khoảng 78,59% dân số cả nước. Trong đó, gần 20% người sử dụng Internet là người cao tuổi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là người cao tuổi có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của trò lừa đảo tinh vi do cả tin và thiếu kỹ năng cần thiết.

Theo Bộ Công an và Bộ TT&TT, thời gian qua, người cao tuổi là đối tượng, mục tiêu “tấn công” của tội phạm mạng. Các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhắm vào đối tượng người cao tuổi là lừa đảo dùng công nghệ Deepfake giả dạng hình ảnh và giọng nói người thân (con cháu làm ăn xa) để nhờ chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản; giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng tặng quà, mời khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí…

Nhiều trường hợp đối tượng giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm, ngân hàng, lôi kéo đầu tư tài chính; giả danh công an, kiểm sát viên, cán bộ tòa án gọi điện; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; nhận bưu phẩm; tung tin giả về cuộc gọi mất tiền…

Nhiều người cao tuổi thiếu khá nhiều kỹ năng trên internet và có xu hướng giấu con cháu khi bị lừa đảo trực tuyến.

Để giúp người cao tuổi sử dụng mạng xã hội tích cực, dùng thời lượng 1 - 2 giờ/ngày để đảm bảo sức khỏe, con cháu nên dành thời gian cho họ nhiều hơn bằng cách chuyện trò, đưa đi dạo…

Con, cháu trong gia đình cần thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu cho ông bà, cha mẹ nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác. Người cao tuổi không nghe điện thoại, không nghe kẻ lạ dụ dỗ qua điện thoại, trên môi trường mạng; không cài đặt phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không tin cậy; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP và các tài khoản khác của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội. Nếu ai đó cần mình giúp đỡ như chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại thì những người cao tuổi hãy đặt nghi vấn và gọi điện trực tiếp cho người đó. Ngoài ra, các gia đình có thể tìm sự hỗ trợ của các giải pháp bảo mật tự động để bảo vệ người lớn tuổi khi dùng internet.

Đọc thêm

Những con số biết nói nhằm kiềm chế tai nạn giao thông ở Bạc Liêu

Những con số biết nói nhằm kiềm chế tai nạn giao thông ở Bạc Liêu
(PLVN) -  25 mô hình “Cổng trường An toàn giao thông”; 65 cuộc tuyên truyền với 31.479 lượt học sinh, giáo viên, phụ huynh và người dân tham dự, phát 16.996 tờ rơi, 7.795 học sinh ký cam kết chấp hành quy định về ATGT, 6.420 phụ huynh học sinh ký cam kết không giao xe cho học sinh, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện... đó chỉ là một phần nhỏ trong những con số biết nói về hoạt động nhằm kiềm chế tai nạn giao thông của Công an Bạc Liêu. 

Tuần này miền Bắc đón không khí lạnh

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trong tuần này từ ngày 21-27/10, miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh đợt không khí lạnh này sẽ gây mưa và giảm nhiệt độ, trời lạnh về đêm và sáng, vùng núi trời rét.