Trầm cảm - mối nguy đe dọa người cao tuổi

Người cao tuổi cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. (Ảnh minh họa - Nguồn: VN)
Người cao tuổi cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. (Ảnh minh họa - Nguồn: VN)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trầm cảm không chỉ gặp nhiều ở phụ nữ sau sinh, người trẻ bị sang chấn tâm lý mà còn gặp nhiều ở người cao tuổi.

Đối tượng dễ bị bỏ qua

Chia sẻ tại Hội nghị về bệnh trầm cảm ở người cao tuổi, đại diện Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có trường hợp bệnh nhân nữ 66 tuổi nhập viện vì buồn chán, muốn chết. Con trai bệnh nhân cho biết tình trạng của bà đã xảy ra khoảng 6 tháng nay, kể từ khi người chồng qua đời. Ở thời điểm khởi phát, bệnh nhân có các dấu hiệu: tâm trạng không tốt, thay đổi sở thích, ngại tiếp xúc, khó ngủ, đau đầu, ăn không ngon, sụt cân. Một tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân khóc lóc, than phiền với con cái cho rằng mình có tội với các con và là gánh nặng của gia đình, đỉnh điểm bệnh nhân có ý định muốn tự sát để giải thoát.

Khi đến thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm nặng với các triệu chứng loạn thần có ý tưởng tự sát. Sau 17 ngày điều trị nội trú bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý, bệnh nhân có tiến triển tốt, khí sắc tốt hơn, vận động nhanh nhẹn, không còn than phiền mệt mỏi và ăn, ngủ được. Bệnh nhân ổn định được cho ra viện, tiếp tục theo dõi điều trị ngoại trú.

Được biết, trường hợp trên không phải hiếm gặp, theo BSCK II. Nguyễn Thị Phương Loan - Phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần, với đối tượng người cao tuổi, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất. Gần một nửa trường hợp trầm cảm bắt đầu ở tuổi cao, sau 65 tuổi. Tỷ lệ mắc trầm cảm ở nữ giới cao hơn so với nam giới, có thể lên đến gấp đôi ở tuổi trẻ, nhưng khác biệt này dần thu hẹp ở các độ tuổi cao hơn.

Về dấu hiệu nhận biết bệnh, nếu như trầm cảm ở người trẻ dễ nhận thấy thông qua sắc mặt, cảm xúc thì người cao tuổi có hai dấu hiệu then chốt là quan tâm quá mức về sức khoẻ và biểu hiện buồn chán không nổi trội. Triệu chứng nổi bật có thể kể đến như: than phiền về sức khoẻ, xuất hiện các triệu chứng lo âu hoặc ám ảnh, giảm quan tâm thích thú, suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi, cố ý tự gây hại,… Đáng nói, những triệu chứng này hay bị bỏ qua vì cho rằng bệnh của tuổi già, dẫn đến việc người cao tuổi mắc trầm cảm thường được phát hiện và điều trị muộn.

“Liều thuốc” gia đình, người thân rất quan trọng

Theo BS. Nguyễn Thị Phương Loan, các nghiên cứu dịch tễ trên thế giới cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở người cao tuổi chiếm khoảng 1 - 4% ở cộng đồng, 5 - 10% ở cơ sở chăm sóc ban đầu, 10 - 12% ở người bệnh điều trị nội trú hoặc các cơ sở chăm sóc chuyên biệt. Số liệu trên cho thấy mối liên hệ giữa trầm cảm và bệnh ở người cao tuổi là tương tác hai chiều: những người mắc bệnh có nguy cơ cao bị trầm cảm nặng và trầm cảm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh của họ.

Giải thích kỹ hơn, người cao tuổi mắc các bệnh như rối loạn chuyển hóa, ung thư, bệnh lý mạch máu, bệnh lý tự miễn, bệnh tâm thần và các vấn đề khác dễ khiến tình trạng trầm cảm nặng hơn gây suy giảm sức khỏe, mất khả năng hoạt động, đau mạn tính. Ngoài ra, các tổn thương não, thoái hóa thần kinh và các trạng thái viêm cũng có thể gặp phải.

Ngược lại, trầm cảm có thể làm nặng thêm các bệnh người cao tuổi thông qua các hành vi chăm sóc sức khỏe như chế độ ăn không lành mạnh, hút thuốc, thiếu vận động và không tuân thủ điều trị. Các rối loạn nội tiết, quá trình viêm cũng như tác dụng phụ của các loại thuốc cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

Mối liên hệ nói trên càng trở nên nghiêm trọng hơn khi hầu hết các trường hợp trầm cảm có xu hướng trở thành mạn tính, có tỷ lệ tái phát cao và khó phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn. Điều này đặt ra vấn đề mang tính xã hội, các gia đình cần quan tâm đến bố, mẹ, người lớn tuổi trong gia đình, để có thể sớm nhận ra những dấu hiệu bệnh trầm cảm ở người thân, điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Các phương pháp điều trị trầm cảm thường thấy bao gồm sử dụng thuốc chống trầm cảm, các biện pháp tâm lý và các phương pháp thư giãn luyện tập. Hiện nay có nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau, được bác sĩ kê toa dựa trên tình trạng bệnh lý và đặc điểm cá nhân của từng người cao tuổi, bảo đảm ít tác dụng phụ và đặc biệt phải an toàn. Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm ở người cao tuổi cũng cần tuân thủ đúng hàm lượng, liều lượng và thời gian điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất, bệnh thuyên giảm, khỏi và không tái phát.

Ngoài ra, các liệu pháp tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị trầm cảm, tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ đưa ra các liệu pháp thích hợp. Quan trọng nhất, trầm cảm ở người cao tuổi là căn bệnh thường gặp ở những người già cô đơn, thiếu sự chăm sóc của gia đình, ít giao tiếp xã hội, gặp khó khăn áp lực trong cuộc sống, do đó cần sự hỗ trợ chặt chẽ từ phía gia đình, người thân và cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo tại TP Hồ Chí Minh đã quy tụ nhiều chuyên gia y tế hàng đầu khu vực phía Nam. (Ảnh: PV)

‘Vũ khí’ mới trong phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam

(PLVN) - Trong hai ngày 26 và 27/9 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam phối hợp cùng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo khoa học “Vaccine: Vũ khí mới trong phòng chống sốt xuất huyết”.

Đọc thêm

Nơi bác sĩ và bệnh nhân coi nhau như gia đình

Bác sĩ Phạm Văn Dũng cho bệnh nhân Đặng Hữu Bình tập đứng và đi sau quá trình phục hồi.

(PLVN) - Tận tâm, chu đáo, luôn ở cạnh động viên tinh thần và coi bệnh nhân như người nhà, đó là những gì mà nhiều người bệnh cảm nhận được khi điều trị tại Khoa điều trị cột sống ít xâm lấn - Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Nam thanh niên sống sót thần kỳ sau 9 ngày bị mắc kẹt giữa sông

Phạm Minh Thắng nhập viện trong tình trạng sức khoẻ suy kiệt nghiêm trọng sau 9 ngày mắc kẹt, nhịn đói giữa dòng sông.
(PLVN) -  Trong lúc, đi xem người ta câu cá, vì mệt quá Thắng nằm ngủ quên trên bãi bồi ngoài sông. Nào ngờ, khi nước sông bất ngờ dâng cao đã khiến nạn nhân mắc kẹt suốt 9 ngày đêm giữa sông trong tình trạng không có thức ăn, chỉ uống nước sông cầm cự đến khi được giải cứu…

Tin mới nhất về sức khoẻ bé gái Làng Nủ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thăm hỏi và động viên gia đình cháu T.N tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thành Dương
(PLVN) - Sau 2 tuần được điều trị và chăm sóc tích cực tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, đến hôm nay, 24/9, bệnh nhi M.H.T.N (nữ, 11 tuổi, nạn nhân trong vụ sạt lở do lũ quét tại bản Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã có một số cải thiện. Hiện N. tỉnh táo, có thể nói chuyện, ăn qua sonde...

Đề xuất xây dựng một bộ luật riêng mang tên Luật Dinh dưỡng học đường

Đề xuất xây dựng một bộ luật riêng mang tên Luật Dinh dưỡng học đường
(PLVN) -  “Từ tâm nguyện góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt và bề dày kinh nghiệm của mình trong công cuộc cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt, Tập đoàn TH đề xuất xây dựng một bộ luật riêng tên là Luật Dinh dưỡng học đường” – Nhà sáng lập Tập đoàn TH phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp sáng 21/9.