Luật sư Trần Thị Loan (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Căn cứ khoản 2, Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định, tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tiếp đó, căn cứ khoản 1, Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 4, Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4, 5, 6, 7, 8 Điều 4. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Chủ tài Khoản thanh toán (sau đây gọi là chủ tài Khoản) là cá nhân đứng tên mở tài Khoản đối với tài Khoản của cá nhân hoặc là tổ chức mở tài Khoản đối với tài Khoản của tổ chức.
Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này.
Đối chiếu quy định pháp luật nêu trên, tiền ảo không phải là phương thức thanh toán được phép thanh toán trên thị trường Việt Nam.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/7/2017 gửi Văn phòng Chính phủ có nội dung khẳng định: Căn cứ quy định nêu trên, tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, tiền ảo không được phép lưu thông dưới dạng phương tiện thanh toán hợp pháp nên không được Nhà nước công nhận và bảo hộ. Việc người dân tự ý đầu tư, sử dụng tiền ảo sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trường hợp bạn tìm được những người này và khởi kiện ra Tòa án đề nghị giải quyết tranh chấp dân sự thì quyền lợi của bạn sẽ khó được đảm bảo do giao dịch dân sự này được xác định là vô hiệu.
Tuy nhiên, theo nội dung bạn trình bày, có thể thấy các đối tượng bạn quen biết trên mạng xã hội đã lôi kéo, mời chào bạn tham gia đầu tư tiền ảo, sau khi nhận được một số tiền lớn do bạn đầu tư vào thì các đối tượng này đã đánh sập sàn đầu tư và cắt đứt liên lạc. Đây là hành vi có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Các đối tượng này thường có hành vi lập các trang web, sàn tiền ảo, cung cấp thông tin giả về độ tin cậy của sàn và cam kết lợi nhuận, cam kết nhà đầu tư sẽ được hoàn cả tiền gốc và lãi. Bằng các thủ đoạn gian dối để lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia nạp tiền vào sàn từ mức độ ít đến nhiều. Sau đó, các đối tượng sẽ rút toàn bộ số tiền của nhà đầu tư để chiếm đoạt tài sản và tự đánh sập trang web, sàn tiền ảo đó nhằm gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc điều tra truy vết.
Để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bạn cần liên hệ ngay với cơ quan công an để trình báo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng nêu trên. Căn cứ thông tin, tài liệu bạn trình báo, cơ quan điều tra sẽ xác minh, truy vết và giải quyết.
Trường hợp kết quả điều tra xác định được các đối tượng này, có quyết định khởi tố vụ án, bạn sẽ được xác định là bị hại trong vụ án hình sự và sẽ được Tòa án giải quyết cho nhận lại tài sản đã bị chiếm đoạt.