Tháng 1/2018, khi những phát biểu chỉ trích lẫn nhau giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong - Un vẫn đang vô cùng gay gắt, ông Kim lên tiếng tuyên bố: “Nút hạt nhân luôn ở trên bàn tôi”.
Phản ứng tuyên bố này, ông Trump trên mạng xã hội Twitter “ăn thua đủ”: “Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - Un mới tuyên bố rằng nút hạt nhân luôn ở trên bàn của ông ấy… Vui lòng nói với ông ấy rằng tôi cũng có nút hạt nhân, nhưng nó còn to hơn và mạnh hơn nhiều so với nút của ông ấy và nút hạt nhân của tôi hoạt động”.
Vật bất ly thân
Trong suốt nhiều thập kỷ liền, người ta luôn tưởng tượng hình ảnh Tổng thống Mỹ đặt tay lên một “cái nút” và chỉ cần ấn nút là vụ tấn công hạt nhân sẽ xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, “quả bóng hạt nhân” hay vali hạt nhân luôn theo sát các tổng thống của Mỹ không hề có chiếc nút nào.
Thay vào đó, nó chứa thiết bị và các tài liệu mà ông Trump sẽ sử dụng để xác thực mệnh lệnh và khởi động một vụ tấn công hạt nhân. “Tổng thống không thể tự mình nhấn nút và khiến tên lửa bay đi. Ông chỉ có thể đưa ra một mệnh lệnh xác thực, dẫn tới phản ứng chuỗi sau đó và tên lửa cuối cùng sẽ bay đi”, Tiến sĩ Peter Feaver, Giáo sư về chính sách công và khoa học chính trị tại Đại học Duke, cho biết.
Theo vị giáo sư này, hệ thống kích hoạt tấn công hạt nhân của Mỹ không phải là một chiếc nút mà Tổng thống có thể vô tình ấn phải trên bàn và ngay lập tức khiến tên lửa bay như một số người lo sợ.
Ngược lại, ông Feaver cho biết, quyết định tiến hành một vụ tấn công hạt nhân đòi hỏi tổng thống phải làm việc với các trợ lý quân sự nắm giữ các tài liệu mà ông cần để ra lệnh tấn công cũng như nhân sự ở tất cả các cấp, từ các chỉ huy hàng đầu cho đến các thành viên phục vụ làm việc trong các hầm chứa tên lửa.
Mỗi nhiệm kỳ tổng thống có ba chiếc vali hạt nhân, một chiếc luôn đi cùng với tổng thống khi rời Nhà Trắng. Ngoài chiếc vali hạt nhân của tổng thống, Phó tổng thống Mỹ cũng có một chiếc vali tương tự để đề phòng vali của tổng thống bị vô hiệu hóa. Ngoài ra, còn một chiếc khác luôn được đặt ở Nhà Trắng.
Các nguồn tin cho biết, vali hạt nhân của tổng thống Mỹ được chế tạo bằng hợp kim titan siêu bền giúp bảo vệ các thiết bị bên trong an toàn trước những điều kiện bất lợi nhất. Chiếc vali này có kích thước 45x35x25 cm, nặng khoảng 20 kg và được đựng bên trong một túi da màu đen đầy bí ẩn.
Theo cựu Giám đốc Văn phòng Quân sự Nhà Trắng Bill Gulley, trong chiếc vali này có bốn thứ, bao gồm cuốn sách màu đen trong đó liệt kê các lựa chọn tấn công, một chiếc thẻ có các mã xác thực để tổng thống xác thực nhận dạng, một danh sách những hầm ngầm bí mật mà tổng thống có thể trú ẩn và các hướng dẫn sử dụng hệ thống phát sóng khẩn cấp để tổng thống có thể phát biểu trước toàn dân chỉ trong vòng 10 phút sau khi tuyên bố về tình huống khẩn cấp dù ông đang ở đâu.
Chiếc vali luôn có mặt trong các chuyến đi của Tổng thống Mỹ. |
Tướng không quân Mỹ Robert Kehler cho biết, trong khi các sĩ quan quân đội đảm nhiệm việc phóng hạt nhân được yêu cầu phải làm việc theo cặp, trong đó cả hai phải thực hiện đồng thời các thao tác trước khi có thể thực hiện vụ phóng hạt nhân, thì các hành động của tổng thống Mỹ sẽ không bị kiểm tra như vậy. “Chỉ tổng thống Mỹ mới có thể ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ”, ông cho biết.
Phần lớn quá trình phóng hạt nhân của Mỹ đều là tin mật nhưng ông Kehler, người trước đây từng là chỉ huy của Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết, trên thực tế, trình tự phóng hạt nhân của Mỹ bao gồm các lớp bảo vệ để đảm bảo mọi mệnh lệnh được đưa ra đều phù hợp và hợp pháp. “
Đó là một hệ thống do con người kiểm soát. Không có gì diễn ra tự động”, ông nói và cho biết thêm rằng quân đội Mỹ không mù quáng tuân theo mệnh lệnh và lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân của tổng thống phải hợp pháp.
Theo ông Kehler, dù Tổng thống theo hiến định có thể ra lệnh tiến hành một số hành động quân sự nhưng quá trình ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân bao gồm quá trình đánh giá, xem xét và tham vấn giữa tổng thống và các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự quan trọng. Tiếp theo đó, các lực lượng của Mỹ sẽ tự truyền đạt và thực hiện quyết định nào của tổng thống.
Quy trình phức tạp
Vali hạt nhân bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ John Kennedy, sau sự kiện khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra vào năm 1962. Khi đó, các quan chức hàng đầu của quân đội Mỹ cho rằng tổng thống của nước này cần phải dễ dàng tiếp cận được với các bản kế hoạch chiến tranh hạt nhân.
Qua các năm, chiếc vali đã trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự của nước Mỹ cũng như trách nhiệm lớn mà vị tổng thống của nước này lúc nào cũng cần mang bên mình. Chiếc vali được chuyển giao chính thức giữa các đời tổng thống Mỹ vào đúng thời điểm diễn ra lễ chuyển giao quyền lực giữa các tổng thống Mỹ.
Về mật mã, các thông tin cho biết, trong giai đoạn 1962-1977, mã kích hoạt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ chỉ đơn giản là một dãy gồm 8 con số 0 để việc khởi động vũ khí của Mỹ nhằm ứng phó với kẻ thù trong tình huống khẩn cấp có thể diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên, từ sau năm 1977, mật mã kích hoạt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ đã được đổi lại phức tạp hơn. Tổng thống được yêu cầu giữ chiếc thẻ chứa mã phóng theo người. Tuy nhiên, tổng thống cũng có khi ủy quyền cho trợ lý giữ. Có điều, trong trường hợp chiếc thẻ này bị lấy cắp thì họ cũng không thể biết được mã số thực sự để kích hoạt là gì.
Có thông tin cho biết, vào năm 2000, một sự cố xảy ra dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Khi đó, ông Clinton cho rằng đã ủy quyền cho trợ lý giữ thẻ chứa mã phóng, nhưng trợ lý không biết đã để thẻ phóng hạt nhân ở đâu và nghĩ rằng tổng thống vẫn giữ.
Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi đến thời hạn cấp mã phóng mới mà ông Clinton không nhớ mã phóng được cấp, còn trợ lý thì không biết thẻ chứa mã phóng đang ở đâu. Vụ việc cuối cùng được dàn xếp ổn thỏa bằng đoạn mã mới do ông Clinton lựa chọn.
Để đảm bảo năng lực hành động trong mọi trường hợp, chiếc vali màu đen luôn nằm trong tầm với của tổng thống Mỹ, dù đang ở Nhà Trắng, đang đi cùng đoàn xe mô tô, lên chiếc Không lực Một hay đang đi công du ở nước ngoài. Trong tất cả các hoạt động của tổng thống luôn có một người phụ tá đi cùng.
Người này sẽ mang theo chiếc vali, đi cùng một thang máy, ở trên cùng một tầng khách sạn và được các nhân viên Mật vụ bảo vệ, luôn ở gần tổng thống. Viên phụ tá quân sự được lựa chọn để nắm giữ vali hạt nhân cho tổng thống này phải trải qua quá trình tuyển chọn rất khắt khe. Người đó ngoài sự am hiểu sâu rộng về quy trình khởi động vũ khí hạt nhân để hỗ trợ tổng thống còn phải có lòng trung thành tuyệt đối.
Hồi tháng 2/2018, những thông tin bị rò rỉ cho biết, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bắc Kinh hồi tháng 11/2017, một vụ mâu thuẫn đã xảy ra giữa các quan chức Mỹ với nhân viên an ninh của Trung Quốc vì chiếc vali hạt nhân này.
Cụ thể, các thông tin được tiết lộ cho hay, vào buổi sáng hôm đó, viên sỹ quan cấp cao xách vali hạt nhân của ông Trump khi tiến vào Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, nơi ông Trump có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã bị chặn lại. Hai bên đã lời quan tiếng lại và Chánh Văn phòng của ông Trump khi đó là ông John Kelly đã được gọi đến.
Khi có mặt, ông Kelly đã trực tiếp yêu cầu các nhân viên an ninh của Trung Quốc cho viên sỹ quan Mỹ tiếp tục tiến vào. Tuy nhiên, do bất đồng trong việc thực hiện nguyên tắc an ninh của hai bên, một nhân viên an ninh Trung Quốc giữ lấy cánh tay ông Kelly. Đặc vụ Mỹ đứng cạnh đã nhanh chóng kéo nhân viên an ninh Trung Quốc và đánh ngã người này xuống đất.
Các thông tin cho biết, vụ việc ngay sau đó đã được dàn xếp và lực lượng an ninh Trung Quốc đã phải xin lỗi vì “hiểu lầm”. Các nhân viên an ninh của Trung Quốc cũng được cho là chưa hề chạm vào chiếc vali hạt nhân.