"Gieo" thêm hy vọng cho gia đình hiếm muộn
Dự kiến cuối năm 2016, Bệnh viện (BV) Phụ sản Hải Phòng sẽ áp dụng kỹ thuật Chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD), nhằm phát hiện bất thường trong phôi, giúp tăng khả năng thụ thai, hạn chế những dị tật bẩm sinh của thai nhi.
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, bác sỹ Vũ Thị Bích Loan, Phó khoa Hỗ trợ sinh sản khẳng định kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD) là một kỹ thuật mới với khả năng chọn lọc sâu, có thể loại bỏ những phôi thai bất thường ngay từ giai đoạn mới hình thành. Kỹ thuật này hứa hẹn sẽ mang lại hy vọng cho các cặp vợ chồng tiền sử sinh con bất thường, hay sảy thai, thai lưu không rõ nguyên nhân hoặc những phụ nữ cao tuổi nhưng vẫn có mong muốn sinh con.
BV Phụ sản Hải Phòng lắp đặt hệ thống trang thiết bị hiện đại |
Theo thống kê, tỉ lệ hiếm muộn ở độ tuổi sinh sản của Việt Nam chiếm gần 10%. Trong khi đó, tỉ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm chỉ khoảng 50%. Bởi vậy, việc áp dụng thành công kỹ thuật PGD còn mở ra hy vọng cho những cặp vợ chồng thụ tinh trong ống nghiệm nhưng thất bại nhiều lần. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của việc thụ tinh trong ống nghiệm, ngoài niêm mạc, khả năng chấp nhận của người mẹ thì việc chẩn đoán di truyền tiền làm tổ sẽ giúp người mẹ yên tâm hơn về việc mang thai khỏe mạnh, giảm tỷ lệ dị tật.
"Thay vì chọn lọc dựa vào hình thái của phôi, kỹ thuật này cho phép đi sâu phân tích bản chất di truyền bên trong của phôi để chọn được những phôi bình thường về hình thái và di truyền, đảm bảo khả năng thành công cao. Chỉ những phôi khỏe mạnh mới được chuyển vào tử cung, ở giai đoạn phôi nang, do đó giảm tỷ lệ thai bất thường", bác sỹ Loan lý giải.
Tuy nhiên, để triển khai được kỹ thuật chuyên sâu này đòi hỏi Bệnh viện phải trang bị máy móc hiện đại và có đội ngũ y, bác sỹ với trình độ chuyên môn cao. Do đó, ngay từ những năm 2012-2013, các bác sỹ tại khoa Hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản Hải Phòng đã được tiếp cận và thực hành kỹ thuật trên thông qua các hoạt động hợp tác, chuyển giao kỹ thuật với các bệnh viện nước ngoài, học hỏi từ các giảng viên tại Đài Loan, Singapore, Úc, Đan Mạch.
Kỹ thuật đông lạnh phôi trong Thụ tinh ống nghiệm |
Về điều này, Tiến sỹ Vũ Văn Tâm, Giám đốc BV Phụ sản Hải Phòng vui mừng cho biết, đến nay, mọi công việc đã triển khai được khoảng 80%. Tất cả máy móc được huy động theo nguồn kinh phí xã hội hóa sẽ được lắp đặt sớm nhất. Hiện tại, PGD mới được triển khai tại BV Phụ sản Trung Ương. Do vậy, các y, bác sỹ tại khoa Hỗ trợ sinh sản của BV Phụ sản Hải Phòng cũng đã lên "dây cót" tinh thần để phát triển kỹ thuật chuyên sâu này với hy vọng mang hạnh phúc đến những gia đình hiếm muộn không chỉ trên địa bàn Hải Phòng mà còn cả các tỉnh lân cận.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Ngoài việc triển khai kỹ thuật chuyên sâu PGD, nhiều năm nay, BV Phụ sản Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch hợp tác để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ các BV có nền y học hiện đại, tiên tiến tại Pháp, Mỹ. Điều này đã mở ra những bước tiến mới trong quan hệ hợp tác quốc tế của BV Phụ sản Hải Phòng về tiếp nhận khoa học hiện đại trong y học từ những nước tiên tiến.
Bác sỹ tại BV Rouen chuyển giao kỹ thuật siêu âm |
Đến hẹn lại lên, tháng 10/2016, các bác sỹ tại BV Rouen (Pháp) tiếp tục chuyển giao công nghệ về kỹ thuật nội soi, siêu âm cho các đồng nghiệp tại BV Phụ sản Hải Phòng. Hoạt động này đã giúp các cán bộ tại BV Phụ sản Hải Phòng từng bước nâng cao trình độ, năng lực khám chữa bệnh. Thời gian tới, hai đơn vị sẽ xây dựng hệ thống hội chẩn qua mạng. Những bệnh án khó của bệnh nhân sẽ được truyền dữ liệu qua mạng để các đồng nghiệp quốc tế hội chẩn giúp đưa ra hướng điều trị hợp lý nhất.
Từ việc hợp tác trên, trong nhiều năm nay, không có trường hợp nào mắc dị tật khi thực hiện quản lý thai nghén tại BV Phụ sản Hải Phòng. Đây không chỉ thành tích đáng khích lệ mà còn là niềm vui của gia đình bệnh nhân cũng như cán bộ, nhân viên tại đơn vị.
Hy vọng rằng, thời gian tới, với nỗ lực đổi mới từ tư duy đến hành động, BV Phụ sản Hải Phòng sẽ từng bước triển khai nhiều kỹ thuật sản khoa chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh.