Bị quy kết có hành vi đánh hàng xóm tổn hại 25% sức khỏe, ông Đỗ Phương Nhỡ (SN 1950) cùng hai con là Đỗ Phương Hạnh, Đỗ Phương Hòa (trú tại xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội) đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Sóc Sơn khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”.
Vụ án đã bị Tòa trả hồ sơ do bản cáo trạng thể hiện sai ngày tháng và sai nhân thân bị cáo (hai anh em Hạnh, Hòa “có chung vợ con”). Và chính trong giai đoạn truy tố lại này đã xuất hiện nhiều tài liệu mới thể hiện bị hại không hề bị “chấn thương sọ não” như kết luận trước đây.
Giám định ẩu?
Theo Cáo trạng của VKSND huyện Sóc Sơn, vào ngày 6/5/2014, do mâu thuẫn từ tranh chấp đất, chị Bùi Thị Thu Thương đã bị ba bố con ông Nhỡ dùng cọc hàng rào, gậy đánh vào đầu, vào người phải đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Sóc Sơn và điều trị tại BV Quân đội 354.
Ngày 28/8/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn đã có Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 bố con ông Nhỡ về tội “Cố ý gây thương tích” (bị can Nhỡ bị bắt tạm giam) trên cơ sở Kết luận giám định (LKGĐ) số 288/TTPY (ngày 18/6/2014) của Trung tâm (TT) Giám định pháp y Sở Y tế Hà Nội, thể hiện chị Thương bị tổn hại 25% sức khỏe do “Chấn thương vùng đầu gây máu tụ trong bán cầu não trái, hiện chưa có di chứng thần kinh (tạm thời)”.
Tuy là một chứng cứ quan trọng để khởi tố vụ án và khởi tố bị can nhưng quá trình giám định cũng như KLGĐ pháp y số 288/TTPY nêu trên lại có dấu hiệu thiếu khách quan và không đúng quy định.
Luật sư (LS) Nguyễn Anh Tuấn (Cty luật TNHH Trường Lộc) cho hay, theo quy trình giám định pháp y quy định tại Thông tư số 47/2013/TT – BYT của Bộ Y tế thì việc giám định liên quan đến thương tích vùng sọ não trong vụ án này còn thiếu rất nhiều tài liệu quan trọng như: tất cả bệnh án của người được giám định, lời khai của những người liên quan…Việc TT Giám định pháp y cố tình thực hiện giám định trong trường hợp đáng lẽ phải “từ chối” này là trái quy định, vi phạm nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp.
Trong khi hồ sơ đã không đầy đủ, các giám định viên ở đây còn “bỏ qua” quy trình giám định thương tích vùng sọ não khi không tiến hành chụp ảnh và làm bản ảnh các phim chụp sọ, khuyết sọ, nứt sọ, máu tụ… Đã vậy, bản KLGĐ còn không dán ảnh của chị Thương, không đúng mẫu theo quy định.
Một sai sót nữa trong quá trình giám định trên là việc cả bị hại lẫn CQĐT và cơ quan giám định đều “lờ đi” việc bị hại đã khám và chụp CT Scanner sọ não vào ngày 6/5/2014 tại BV Bắc Thăng Long (Hà Nội), thể hiện “không thấy hình ảnh bất thường nội sọ trên CT Scanner”.
Giấy chứng nhận thương tích. |
Như vậy, kết quả chụp CT Scanner sọ não của bị hại vào ngày xảy ra xô xát này không hề có việc “máu tụ trong bán cầu não trái” như nội dung Giấy chứng thương của BV Quân đội 354 và KLGĐ. Tại sao phiếu chụp CT Scanner này đã bị “ỉm” đi, chỉ đến khi các LS vào cuộc thì mới thu thập được chứng cứ quan trọng này từ BV Bắc Thăng Long?
Bệnh án một đằng, chứng thương một nẻo ?
Như LS Tuấn đã đề cập thì trong vụ án này, cơ quan giám định đã có sai lầm nghiêm trọng khi không tiến hành chụp CT vùng sọ não cho người được giám định mà dựa vào “Giấy chứng nhận thương tích” của BV 354 (cấp ngày 19/5/2014) thể hiện “Chụp CT Scanner: máu tụ trong bán cầu não trái” để kết luận chị Thương bị tổn hại 25% sức khỏe.
Lần theo sự việc, các LS được biết, BV 354 chỉ chụp MRI sọ não cho chị Thương (hình ảnh sọ não bình thường) mà không hề chụp CT Scanner. Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Thương tại đây cũng chỉ có kết quả Chụp CT Scanner sọ não của BV Bắc Thăng Long (thể hiện “không thấy hình ảnh bất thường nội sọ”) chứ BV Quân đội 354 không tiến hành chụp CT Scanner. Vậy, tại sao BV 354 tại cấp Giấy chứng thương cho Công an huyện Sóc Sơn và khẳng định chị Thương bị “máu tụ trong bán cầu não trái”, sai lệch so với hồ sơ bệnh án?
Tại buổi làm việc với các LS mới đây, lãnh đạo BV 354 đã thừa nhận sự sai lệch này và lý giải “do đồng chí Nguyễn Tiến Dũng đã trích sao sai nội dung trong hồ sơ bệnh án” và “đồng chí Dũng đã nhận khuyết điểm. Phía BV đang tiến hành xử lý theo quy định”.
Chắc chắn tới đây, BV 354 sẽ phải rút lại Giấy chứng thương đã cấp ngày 19/5/2014. Tuy nhiên, hậu quả từ việc cấp Giấy chứng thương sai lệch như trên thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Rõ ràng, nếu bị hại không bị “tụ máu trong bán cầu não” thì không thể bị thương tích 25% như KLGĐ hiện nay. Điều này đồng nghĩa rằng vụ án đang có dấu hiệu oan sai.
Có lẽ người “ỉm” kết quả chụp CT Scanner tại BV Bắc Thăng Long, giám định viên, cán bộ BV 354… đều phải chịu trách nhiệm gián tiếp về sự oan sai này. Tuy nhiên, trách nhiệm trong việc này trước hết phải thuộc về CQĐT khi đã sử dụng KLGĐ “lởm khởm”, không đủ giá trị pháp lý như trên để khởi tố vụ án, khởi tố bị can?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của vụ án này trong giai đoạn “truy tố lại” tới đây.