Theo đó, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ thường ghi nhận ca mắc tay - chân - miệng nhiều vào dịp đầu năm tháng 1 tới tháng 3 hoặc khi trẻ tựu trường từ tháng 9 đến cuối năm. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, thời điểm gần đây lại có diễn biến tăng, thậm chí có ngày số ca tăng gấp đôi so với ngày thường.
Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm cho biết, trước tháng 6, bình quân chỉ khoảng hơn 10 ca mắc tay - chân - miệng điều trị tại bệnh viện mỗi ngày, tuy nhiên từ đầu tháng 6 tới nay, số ca tăng mạnh. Hiện bình quân trung bình có khoảng 25 đến 30 ca mỗi ngày điều trị tại bệnh viện. Khi các trẻ vào viện đều được kiểm tra virus EV71 và các virus khác.
Các bác sĩ cũng chia sẻ, không chỉ bệnh nhi mắc tay - chân - miệng ở Cần Thơ nhập viện mà cả các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các ca có dấu hiệu chuyển nặng đều được chuyển lên đây thời gian qua để theo dõi điều trị và việc tăng thời điểm này là trái với diễn biến bệnh các năm.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (CDC) nhận định số ca tay - chân - miệng tăng nhanh, trong khi sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa bệnh, khiến thành phố đối mặt nguy cơ dịch chồng dịch. Kết quả giải trình tự virus 6 mẫu bệnh phẩm tay - chân - miệng tại TP HCM cho thấy đều mắc chủng EV71 kiểu gene B5. Đây là type virus trong nhóm độc lực cao, gây bệnh nặng và lây nhiễm nhanh.
Sở Y tế TP HCM đánh giá việc xuất hiện chủng virus này khiến “tình hình thực sự lo ngại”. Số ca tay - chân - miệng trong đầu tháng 6 cao hơn hai lần so với hai tuần trước đó, trong đó một bé trai 5 tuổi tử vong. Các bệnh viện nhi tại thành phố đang điều trị 20 - 25 ca tay - chân - miệng nội trú (mỗi viện) một ngày, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng. Trong khi các tháng trước đó, chỉ trung bình 5 - 6 bệnh nhi nằm viện hoặc không có ca nào.
Ngay sau đó, UBND TP HCM đã có văn bản khẩn gửi các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức về tăng cường phòng, chống bệnh tay - chân - miệng. Theo đó, xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan; Khi trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng. Đặc biệt, chuẩn bị sẵn sàng công tác thu dung, điều trị bệnh tay - chân - miệng theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế; Chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Người dân được khuyến cáo vệ sinh môi trường sống, theo dõi các triệu chứng bệnh và vào viện kịp thời, tránh chủ quan. Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục và tại cộng đồng; phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường…
Mới đây Bộ Y tế cho biết, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay - chân - miệng, trong đó đã có 03 trường hợp tử vong. Số mắc tay - chân - miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây. Bộ Y tế đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng.
Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế địa phương chủ động và phối hợp với ủy ban nhân dân cấp huyện, sở, ban, ngành liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.
Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống. Tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh tay - chân - miệng tại tất cả các tuyến, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với ngành Y tế để tổ chức truyền thông tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về bệnh tay - chân - miệng. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục đào tạo, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời…
Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế thông tin dự kiến tháng 7 sẽ có thuốc Phenobarbital nhập khẩu điều trị bệnh tay - chân - miệng về Việt Nam. Đối với thuốc chứa Immunoglobulin, hiện nay có 13 thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.