Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện lưu vực sông Mê Công đang vào thời kỳ đầu mùa khô năm 2020 – 2021, lượng nước về vùng ĐBSCL sẽ thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm, chỉ tương đương với các năm có hạn mặn lịch sử 2015 – 2016 hoặc 2019 – 2020. Do đó, tình trạng hạn mặn tại các tình ĐBSCL tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Năm 2021 được dự báo tiếp tục là năm hạn mặn cao xảy ra tại các tỉnh Long An, Trến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Xâm nhập mặn dự báo sẽ cao ngay từ tháng 1, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần vào tháng 6/2021. Để hạn chế thiệt hại, các địa phương đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp tích trữ nước ngọt.
Riêng tại Bến Tre, hiện có 148 cống có khẩu độ 2m trở lên, 1.906 cống có khẩu độ dưới 1,5m; đã xây dựng 650 km đê bao ven biển, ven sông phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt. Toàn tỉnh hiện có 68 nhà máy nước cung cấp nước sạch cho trên 870 ngàn dân với tổng công suất khoảng 200 ngàn mét khối/ngày đêm, nguồn nước sử dụng chính cho các nhà máy nước từ nguồn nước mặt của các sông, kênh, rạch.
Tuy vậy, hệ thống thủy lợi trên địa bàn vẫn chưa khép kín nên mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiếu nước ngọt trầm trọng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Điển hình nhất là mùa khô năm 2019 - 2020 toàn tỉnh có 27.985 ha cây ăn quả, 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống, 168 ha hoa màu, 3.097ha nuôi thủy sản bị thiệt hại và ảnh hưởng, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 1.660 tỷ đồng.
Vận chuyển nước ngọt phục vụ bà con huyện Mỏ Cày Bắc (Ảnh: Hữu Hiệp) |
Trước những thực trạng trên, Bến Tre đã xây dựng mục tiêu tập trung thực hiện nhiều giải pháp cả công trình và phi công trình. Đối với hệ thống công trình thủy lợi, phấn đấu đến năm 2023 hoàn thiện hệ thống thủy lợi khép kín, hệ thống trữ nước ngọt, hệ thống mạng cấp nước trong tỉnh; tăng dần mức đảm bảo cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, sinh hoạt.
Đối với cấp nước sinh hoạt, thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn, bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước đạt quy định. Nâng tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đến năm 2025 là 70% (trong đó đô thị đạt 93%), tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đến năm 2030 là 77,5% (trong đó đô thị đạt 95%). Đa dạng hóa nguồn cung nước thô, đảm bảo ổn định, an toàn, khắc phục tối đa ảnh hưởng của hạn mặn.
Lắp đặt hệ thống lọc nước phục vụ cho người dân Bến Tre (Ảnh: Hữu Hiệp) |
Cùng với đó, thời gian qua Bến Tre đã thực hiện đắp khẩn cấp 10 đập tạm để trữ nước, nạo vét 260km tuyến kênh nội đồng. Đặc biệt là đưa vào vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri, với trữ lượng 800 ngàn mét khối nước, tạo nguồn cung ổn định cho các nhà máy nước phục vụ cho nhân dân thị trấn Ba Tri và 6 xã lân cận. Lắp đặt và vận hành tối đa công suất các hệ thống lọc mặn RO để cung cấp nước ngọt cho người dân...
Để hoàn thiện hệ thống thủy lợi nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống hạn mặn, phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân tại địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đến cấp ủy, nhân dân hiểu rõ về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Vận động người dân tích trữ nguồn nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm trước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô năm sau.
Đồng thời, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước. Hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có quy hoạch tài nguyên nước làm cơ sở trong việc hoạch định các chính sách về tài nguyên nước; áp dụng cơ chế thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước. Đối với tiểu vùng Bắc Bến Tre, tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Tiểu vùng Nam Bến Tre, bao theo vành đai hai bên sông Cổ Chiên và Hàm Luông lên đến kênh Chợ Lách…