Hiện nay, bên cạnh hàng loạt dự án bất động sản và khu đô thị bị bỏ hoang trên địa bàn Thủ đô thì nhiều trụ sở cơ quan nhà nước kể từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào TP Hà Nội gần như để trống 15-17 năm...
Và không chỉ Hà Nội, tại trung tâm một số tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, tình trạng trụ sở, nhà máy, trung tâm thể thao, dự án bệnh viện… sau khi được đầu tư xây dựng hàng nghìn tỷ đồng cũng "bỏ hoang", xuống cấp, gây lãng phí rất lớn về tài nguyên đất đai, tài sản nhà nước.
“Phố trụ sở bỏ hoang” tồn tại ở trung tâm Thủ đô hơn 17 năm
Ngày 1/8/2008 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội khi tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chính thức sáp nhập vào TP Hà Nội.
Sau 17 năm thực hiện mở rộng, kinh tế - xã hội của Thủ đô đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, Hà Nội còn một số tồn tại, trong đó, có việc nhiều trụ sở, cơ quan nhà nước sau sáp nhập vẫn để trống, không được sử dụng.
Đơn cử, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận, tại phố Tô Hiệu (quận Hà Đông, TP Hà Nội), loạt trụ sở đóng cửa, cơ sở vật chất xuống cấp, hoang tàn.
Tại số 30 phố Tô Hiệu (quận Hà Đông), công trình trụ sở thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũ và số 32 phố Tô Hiệu là trụ sở của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tây cũ hoang hóa, xuống cấp nhiều năm nay. |
Trụ sở Kho bạc Nhà nước quận Hà Đông cũ cũng trong tình trạng cửa đóng, then cài. |
Cách đó hơn 100m tại số 55 phố Tô Hiệu là trụ sở của Cục Thống kê TPHà Nội cơ sở II cũng trong tình trạng không sử dụng nhiều năm nay. |
Nhiều dự án, công trình "đắp chiếu", xuống cấp tại các tỉnh, thành
Nằm ở vị trí đắc địa tại thị trấn Hợp Châu (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), cạnh quốc lộ 2B hướng đi lên khu du lịch Tam Đảo, hơn 10 năm trước, Dự án đầu tư Trung tâm Dịch vụ y tế và Chăm sóc sức khỏe với tổng vốn đầu tư 125 triệu USD (khoảng 2.600 tỷ đồng), do Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Châu Vũ liên doanh với Công ty VC Medi Project Pte đến từ Singapore làm chủ đầu tư, rục rịch triển khai.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nơi đây là mặt bằng bỏ hoang, người dân tận dụng chăn thả trâu, bò. Không ít ý kiến bức xúc vì đất thu hồi cho dự án hơn 10 năm để lãng phí.
Không chỉ Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng diễn ra tình trạng hàng loạt công trình, nhà máy, trụ sở bỏ hoang tại TP Việt Trì như công trình Trung tâm Văn hóa Thể thao TP Việt Trì. Công trình được khởi công xây dựng năm 2007, tại khu Bảo Đà, phường Dữu Lâu do UBND TP Việt Trì làm chủ đầu tư với số vốn gần 200 tỷ đồng. Song sau lễ cắt băng khánh thành rầm rộ, toàn bộ công trình gần như bị bỏ hoang, các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng, người dân mang trâu, bò vào chăn, thả trong sân vận động;
Dự án Khách sạn Đại Hà do Công ty TNHH Đại Hà làm chủ đầu tư gần quảng trường Hùng Vương, được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt tại Giấy chứng nhận đầu tư ngày 10/3/2011. Dự án này khởi công vào quý II/2011 nhưng sau hơn 13 năm, Chủ đầu tư mới chỉ làm xong phần thô của 1 tầng hầm và 3 tầng nổi cũng đã bám đầy rêu mốc;
Dự án Nhà máy cán thép Sông Hồng (TP Việt Trì) thuộc Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận đầu tư năm 2002, đến năm 2009, công ty đã hoàn thành giai đoạn I, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm ăn bết bát, vào tháng 10/2011, những sai phạm kinh tế ở Thép Sông Hồng bị phát hiện. Một loạt nhân sự bị cơ quan chức năng khởi tố, điều tra. Đến năm 2012, công ty tạm dừng hoạt động dự án. Đến nay, toàn bộ nhà máy cán thép Sông Hồng vẫn bị bỏ không, hoang tàn, cây cối mọc um tùm. Hầu hết các thiết bị máy móc đã xuống cấp vì lâu không đưa vào sử dụng...
Tại Bắc Ninh, dự án Bệnh viện Cuộc sống mới do Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cuộc sống mới (gọi tắt là Công ty Hamec) làm chủ đầu tư. Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao đất và cho thuê đất từ năm 2009, xây dựng trên khu đất hơn 70.000 m2 tại phường Tân Hồng (TP Từ Sơn) đến nay phần lớn dự án bệnh viện nghìn tỷ này vẫn là bãi đất bỏ hoang.
Hay dự án Khu đô thị Nam Từ Sơn có diện tích quy hoạch 200ha thuộc phường Phù Chẩn, TP Từ Sơn, giáp quốc lộ 1B, cách trung tâm Hà Nội 18km và trung tâm TP.Bắc Ninh 15km. Khu đô thị này do Công ty cổ phần Thiên Đức làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2000 với mục tiêu tạo ra "một không gian châu Âu trong lòng Hà Nội - Bắc Ninh". Do hàng chục năm bỏ hoang, nhiều căn biệt thự xây thô tại đây đang bị cỏ dại, cây cối bao phủ như một khu rừng.
Tại Hà Nam, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cơ sở 2 do Bộ Y tế làm chủ đầu tư trên địa bàn TP Phủ Lý (Hà Nam) cũng đang trong tình trạng không sử dụng.
Dự án Trung tâm Dịch vụ y tế và Chăm sóc sức khỏe hàng nghìn tỷ đồng tại Vĩnh Phúc đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang. |
Loạt công trình, nhà máy, trụ sở bỏ hoang tại TP Việt Trì. |
Dự án Khách sạn Đại Hà do Công ty TNHH Đại Hà. |
Dự án Nhà máy cán thép Sông Hồng thuộc Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng. |
Cơ sở nhà, đất của Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì tại khu phố Đoàn Kết, phường Tiên Cát, TP Việt Trì có diện tích hơn 19.000m2 cũng bị bỏ hoang nhiều năm nay, chỉ có bảo vệ trông coi. |
Trung tâm Thanh thiếu nhi Hùng Vương bên đường Trần Phú (đối diện Công viên Văn Lang) bị bỏ hoang khiến cây cối mọc um tùm. Cách đó không xa, Chi cục Thuế Việt Trì (cũ) bên đường Nguyễn Tất Thành nhiều năm không sử dụng. |
Dự án Trung tâm thương mại Hồng Kông – Hanaka tọa lạc tại đường Trần Phú, phường Đông Ngàn (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) do Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka (Tập đoàn Hanaka) làm chủ đầu tư có tổng mức vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Sau khoảng 20 năm xây dựng, dự án này vẫn đang nằm “đắp chiếu” giữa trung tâm thành phố Từ Sơn. Nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp, tiềm ẩn nguy hiểm, gây mất mỹ quan đô thị. |
Dự án Bệnh viện Cuộc sống mới do Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cuộc sống mới (gọi tắt là Công ty Hamec) làm chủ đầu tư tại phường Tân Hồng (TP Từ Sơn). |
Dự án Khu đô thị Nam Từ Sơn có diện tích quy hoạch 200ha thuộc phường Phù Chẩn, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. |
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cơ sở 2 tại TP Phủ Lý (Hà Nam). |
Đánh giá đúng thực chất vấn đề mới giải quyết được hiện trạng
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng, TS Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nguyên thành viên Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, cần đánh giá đúng thực chất của vấn đề, từ đó mới tìm ra nguyên nhân để giải quyết hiện trạng lãng phí.
Trong đầu tư công, theo TS. Nguyễn Đình Cung, "tổng kết nhiệm kỳ nào cũng có 9 chữ là: “dàn trải” – “phân tán” – “lãng phí” – “kém hiệu quả”. Vấn đề lãng phí xếp thứ 3 nhưng cuối cùng thì dự án vẫn kéo dài nhiều năm và thực trạng vẫn không thay đổi. Vì vậy để xử lý vấn đề lãng phí, chúng ta phải xác định rõ lãng phí ở những dạng nào".
Dạng thứ nhất, theo nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đó là đầu tư những thứ không cần thiết. Ví dụ: có một thời gian nổi lên "phong trào" đầu tư tượng đài, sau này lại đầu tư sân bay từ Bắc vào Nam, tỉnh nào cũng muốn có - đó là biểu hiện của đầu tư dàn trải.
Dạng thứ hai là đầu tư xong nhưng không sử dụng, ví dụ hai dự án bệnh viện Bạch Mai, và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam.
Dạng thứ ba là đầu tư dở dang, đơn cử công trình Đường sắt Yên Viên – Phả Lại dài 131 km. Ông Cung cho rằng, nhiều dự án tại các tỉnh, thành không đồng bộ, không thống nhất nên công trình không được đưa vào sử dụng.
Cuối cùng là dạng đầu tư sử dụng không hết công suất của công trình, đơn cử một số dự án giao thông; các công trình nhà nước bị hoang hóa, không được sử dụng triệt để.
TS. Nguyễn Đình Cung phân tích, các dự án được đầu tư rất nhiều nhưng số đưa vào sử dụng và số sử dụng được một cách đầy đủ chức năng, hiệu quả thì chênh lệch rất lớn, do vậy hiệu quả đầu tư kinh tế kém. Điều này thể hiện qua hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn hay còn gọi là hệ số đầu tư tăng trưởng – PV), cho thấy rõ nét lãng phí. Hệ quả đầu tư của nước ta kém hơn so với Hàn Quốc, Đài Loan...
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lý giải, nguyên nhân chủ yếu là do không có tư duy về kinh tế thị trường. "Một trụ sở bỏ không, bỏ hoang nhiều năm của cơ quan Nhà nước lại được Nhà nước quản lý không theo giá trị lợi tức của tài sản, không tính đến hiệu quả đầu tư mà tài sản đó mang lại. Cơ quan quản lý thà bỏ không, bỏ hoang chứ không chuyển sang hoạt động kinh doanh vì nếu chuyển sang lại thành vi phạm pháp luật" - ông nói.
Cũng theo ông Cung, tính đến thời điểm hiện tại, các dự án chậm tiến độ, dự án treo đang tiến hành đầu tư theo quy trình, thủ tục hành chính mà không tính đến công năng hay giá trị hiệu quả của dự án mang lại.
"Bên cạnh đó, việc thiếu người chịu trách nhiệm cũng là một trong những nguyên nhân gây lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng. Để thực hiện được một dự án phải trải qua rất nhiều quy trình, có nhiều người tham gia nhưng khi không được hiệu quả thì không ai chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, tư duy nhiệm kỳ khi nhiều lớp cán bộ lãnh đạo mới, thay thế các lãnh đạo cũ không kế thừa lại các dự án mà lại khai phá thêm những dự án mới khiến các dự án cũ không bố trí được đủ vốn và không thể hoàn thành", TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Hướng giải quyết vấn đề lãng phí trong các dự án đầu tư, xây dựng, theo Tiến sĩ Cung, trước tiên phải “dọn dẹp” hiện trạng sau đó mới đưa ra giải pháp thực hiện. Để làm được vấn đề này thì cần phải có một cơ chế đặc biệt.
“Ví dụ như 2 bệnh viện ở Hà Nam, để tiếp tục các dự án này, cần xác định số tiền phụ thêm cần thiết và sau đó tìm kiếm một đối tác có đủ năng lực tài chính, có thể là một đơn vị tư nhân, để đầu tư và hoàn thành dự án. Sau đó cho họ vận hành rồi thỏa thuận với phía chủ đầu tư, nhà đầu tư trước đó. Nói cách khác là quan tâm đến mục đích của dự án cuối cùng là cung cấp dịch vụ cho người dân. Vấn đề này cần phải sử dụng đối tác công tư nhưng phải rất linh hoạt, Bộ Y tế cần phải thỏa thuận với nhà đầu tư dựa trên tiêu chí sử dụng hiệu quả và cung cấp dịch vụ tốt cho người dân, từ đó hai bên thống nhất với nhau một cơ chế đặc thù”, ông Cung đề xuất.
Ông nói thêm, cần phải nghiên cứu khảo sát đầy đủ cả về thực trạng hiện nay, cần có một nghị quyết của Quốc hội. Trước khi có Nghị quyết, chúng ta có thể sử dụng đội ngũ hợp nhất, giữa đại diện đầu tư tư nhân, các chuyên gia về đầu tư tài chính và đại diện của các Bộ, ngành có liên quan với tư duy mới, những người hiểu biết, có kinh nghiệm và có tư duy về kinh tế thị trường một cách đầy đủ để tìm cách giải quyết hiện trạng. Đối với tài sản công, phải rà soát lại, công trình nào không dùng thì có thể chuyển giao.
Theo nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tựu chung lại chúng ta cần phải quan tâm đến kết quả và hiệu quả của các dự án đầu tư và cần có một người chịu trách nhiệm, một cơ quan chịu trách nhiệm, đó chính là người bỏ vốn đầu tư hay nhà đầu tư. Các cơ quan ban, ngành cấp trên phải giám sát, nếu không sử dụng hiệu quả thì sẽ truy trách nhiệm.