Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Hãng Luật TGS – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời:
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP.
Do đó, văn phòng Thừa Phát Lại chỉ lập vi bằng ghi nhận việc giao tiền, giấy tờ, tài sản…. hoặc ghi nhận buổi làm việc của các bên về thực hiện chuyển nhượng. Thừa Phát Lại sẽ không chứng nhận hợp đồng, giao dịch bất động sản vì đây là thẩm quyền của Công chứng.
Về giá trị pháp lý của Vi bằng có quy định tại Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP: Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhận theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai cũng có quy định Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này. Từ quy định này có thể thấy công chứng tại Cơ quan có thẩm quyền là việc bắt buộc đối với Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Từ những nhận định trên có thể đưa ra kết luận rằng: Việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải qua công chứng mới có hiệu lực pháp lý; đồng thời cũng khẳng định rằng Vi bằng không phải là văn bản hợp pháp chứng minh việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không thể thay thế được văn bản công chứng.
Tất nhiên, lập vi bằng là hoàn toàn hợp pháp và có tác dụng giảm thiểu những rủi ro của việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng như tạo lập những chứng cứ khi xảy ra tranh chấp. Do đó, trong quá trình chuyển nhượng, ký hợp đồng, giao nộp hồ sơ, tiền bạc, các bên hoàn toàn có thể nhờ một đơn vị Thừa pháp lại lập vi bằng để quyền lợi được đảm bảo hơn.