Cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS). Tuy nhiên trên thực tiễn nhiều bị can, bị cáo đã trốn khỏi nơi cứ trú, phạm tội mới, lại có những vụ bị cấm đến cả chục năm vì cơ quan tố tụng “quên” xóa lệnh này.
Nhiều bị cáo phạm tội ở nơi khác khi đang trong thời gian "cấm đi khỏi nơi cư trú" |
Quản lý: nhiều nơi còn “thả nổi”
Theo quy định tại Điều 91 BLTTHS, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án. Khi áp dụng biện pháp này, bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy triệu tập. Điều luật cũng quy định trách nhiệm của người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và trách nhiệm của chính quyền xã phường thị trấn nơi người đó cư trú.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện biện pháp này còn nhiều vướng mắc dẫn đến việc bị can, bị cáo bỏ trốn. Ngoài những bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành (vừa thiếu, vừa chưa cụ thể, rõ ràng…) dẫn đến việc thiếu thống nhất, thậm chí tùy tiện trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì còn một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi bị can, bị cáo cư trú. Nhiều nơi, việc theo dõi người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn rất lỏng lẻo, thậm chí là “thả nổi” dẫn đến việc có bao nhiêu người bị cấm đi khỏi nơi cư trú, là những ai, ở đâu... cũng không biết. Vì thế, khi họ trốn khỏi nơi cư trú chính quyền cũng không nắm được. Nhiều vụ, khi bị can, bị cáo phạm tội ở một nơi khác, chính quyền nơi quản lý họ mới té ngửa…
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa cơ quan tố tụng đã áp dụng biện pháp ngăn chặn với chính quyền cơ sở cũng chưa chặt chẽ do pháp luật cũng chỉ mới dừng ở quy định về trách nhiệm, chưa có chế tài xử lý khi người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bỏ trốn. Những bất cập này không những gây khó khăn cho quá trình tiến hành tố tụng mà đến giai đoạn thi hành án, cơ quan thi hành án cũng không xác định được nơi cư trú để đôn đốc thi hành dẫn đến tồn đọng án và phát sinh tăng lượng việc không có điều kiện thi hành.
Ngược lại, đối với một số vụ việc, theo TS. Lê Thị Tuyết Hoa, Vụ trưởng Vụ 1A VKSNDTC thì mặc dù BLTTHS quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đều có quyền huỷ bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng rất ít trường hợp thực hiện. Một lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú có khi được sử dụng suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thậm chí có trường hợp lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú vẫn tồn tại đến khi bị án chấp hành xong hình phạt. Chỉ đến khi bị can, bị cáo không có mặt theo giấy triệu tập hoặc khiếu nại thì biện pháp này mới được quan tâm.
Giám sát chặt bị can, bị cáo
Cũng theo TS. Lê Thị Tuyết Hoa, cần sửa đổi Điều 91 BLTTHS năm 2003 về cấm đi khỏi nơi cư trú chặt chẽ hơn, theo hướng: Tiếp tục quy định cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn độc lập nhưng quy định người đứng đầu chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý, giám sát chặt chẽ bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú; quy định cụ thể thời hạn áp dụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Khi chuyển giai đoạn tố tụng nếu thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải ra lệnh để áp dụng tiếp, nếu không cần thiết thì huỷ bỏ.
Liên quan đến việc hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, theo bà Trần Thị Hồng Việt, TAND TP. Hồ Chí Minh thì cần được sửa đổi bổ sung điều 94 BLTTHS theo hướng: “Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú được huỷ bỏ theo quyết định của Toà án. Quyết định này được ghi trong bản án khi xét xử vụ án”. Khi thực hiện, Toà án cần ghi rõ trong bản án huỷ bỏ các lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú bao gồm số, ngày, tháng, năm của cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Việc ghi rõ vào bản án giúp cho người bị kết án sau khi thi hành xong bản án sẽ không bị ràng buộc bởi các lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của các cơ quan tiến hành tố tụng đã ban hành trước khi có bản án.
Ngoài ra, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương thì cũng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với việc bị can, bị cáo bỏ trốn khỏi nơi cư trú; quy định chặt chẽ hơn về thủ tục cũng như có những quy định ràng buộc kèm theo để nâng cao trách nhiệm của họ trong việc thực hiện các nghĩa vụ đã cam đoan (do hiện nay bị can, bị cáo chỉ phải làm giấy cam đoan mà không có quy định ràng buộc nào khác).\
Thu Hằng