Hội nghị SOM 2 gồm 5 nhóm sự kiện chính, bao gồm: 49 cuộc họp, hội thảo của các ủy ban và nhóm công tác nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị SOM 2; đối thoại nhiều bên về hợp tác APEC hướng tới 2020 và tương lai lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam nhằm tập trung xác định các biện pháp đẩy mạnh hoàn tất Mục tiêu Bogor đúng thời hạn năm 2020 và các bước tiếp theo để xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020; cuộc họp Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC.
Trong nhóm sự kiện của Hội nghị SOM 2 còn có cuộc họp Ủy ban điều hành và Hội nghị toàn thể của Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) thảo luận về triển vọng tăng trưởng và liên kết kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế, Chương trình nghị sự châu Á – Thái Bình Dương về kinh tế số/kinh tế mạng, thách thức và cơ hội trong quản trị toàn cầu.
Hội nghị SOM 2 thảo luận nội dung các văn kiện quan trọng của APEC trong năm 2017, triển khai các ưu tiên từ kết quả Hội nghị SOM 1 và đề xuất định hướng tiếp theo tới Hội nghị SOM 3, kết quả Đối thoại Cấp cao về Phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề khác của APEC. Ngoài ra, Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại (MRT) cũng sẽ được tổ chức trong dịp này.
Các hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017 và có vai trò then chốt trong việc triển khai các sáng kiến cụ thể hóa các ưu tiên của Năm APEC 2017, đồng thời định hướng việc chuẩn bị nội dung và các văn kiện sẽ được trình lên Lãnh đạo các nền kinh tế và các Bộ trưởng APEC thông qua vào tháng 11 tới tại TP Đà Nẵng.
Tham dự các hội nghị dự kiến có khoảng 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có các Bộ trưởng phụ trách về vấn đề thương mại và phát triển nguồn nhân lực của các thành viên APEC, các quan chức cao cấp của 21 nền kinh tế thành viên, cùng đại diện Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chuyên gia hàng đầu của các tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo các tập đoàn và các viện nghiên cứu lớn của khu vực…
Lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực có uy tín, như Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Avezedo, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy… cũng đã nhận lời tham dự các hội nghị với tư cách khách mời.
Các hội nghị APEC lần này là một dịp nữa để các bộ, cơ quan và địa phương Việt Nam thể hiện sự đóng góp tích cực và chủ động vào tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước và hợp tác APEC nói riêng. 7 bộ, ngành của Việt Nam, gồm Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhận vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các ủy ban, nhóm công tác của APEC.
Theo đó, từ 6h đến 9h, từ 11h đến 14h30 và từ 16h đến 19h30
các ngày từ 8 đến 22/5/2017, hạn chế đối với các xe ô tô chở hàng có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 500kg trở lên; xe ô tô chở khách từ 25 chỗ trở lên (trừ các xe ô tô phục vụ Hội nghị, xe có phù hiệu bảo vệ, xe buýt, xe vệ sinh môi trường và xe giải quyết, khắc phục sự cố; xe cấp cứu; xe chở khách tuyến cố định) hạn chế hoạt động trên các tuyến đường: Phạm Hùng (đoạn từ Mễ Trì đến Trần Duy Hưng); Đại lộ Thăng Long; đường Đỗ Đức Dục, Miếu Đầm, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai (đoạn từ Liễu Giai - Phan Kế Bính đến Liễu Giai - Kim Mã), Kim Mã (đoạn từ Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh đến Kim Mã - Nguyễn Thái Học), Đào Tấn, Láng (đoạn từ Láng - Cầu Giấy đến Láng - Nguyễn Chí Thanh).