“Bắt bài” phong cách ngoại giao Tổng thống Mỹ

Các nhà lãnh đạo NATO
Các nhà lãnh đạo NATO
(PLO) - Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều người lo lắng khi mạnh mẽ chỉ trích các thành viên của liên minh về vấn đề đóng góp tài chính.

Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ thậm chí còn yêu cầu triệu tập cuộc họp khẩn để giải quyết các yêu cầu của Washington. Thế nhưng, đến cuối cùng, ông Trump lại vẫn tuyên bố đã “chiến thắng” và vẫn tiếp tục ủng hộ NATO. Người ta cho rằng đó chính là cách mà ông Trump áp dụng để đạt được mục tiêu của mình.

NATO phải bồi hoàn cho Mỹ?

Dư luận không chú ý nhiều về cuộc bàn thảo của các nhà lãnh đạo NATO về cách thức giải quyết những đe dọa an ninh nhằm vào khối hay cái được cho là nỗ lực của Nga nhằm chia rẽ phương Tây. Thay vào đó, hội nghị bị phủ bóng bởi vấn đề tiền bạc vốn được ông Trump xới lên từ nhiều ngày trước đó. 

Vẫn phong cách quen thuộc khi đưa ra những thông báo quan trọng, ngày 10/7, trên đường tới Brussels, Bỉ để dự hội nghị, Tổng thống Mỹ trên tài khoản Twitter bày tỏ sự bức xúc với việc đóng góp quốc phòng của các nước thành viên của khối.

“Nhiều nước NATO không những không thực hiện cam kết đóng góp 2% GDP cho quốc phòng mà còn không thực hiện đúng hạn các khoản chi trả trong nhiều năm”, ông Trump viết. 

Ông này cũng để ngỏ khả năng yêu cầu các nước phải bồi hoàn cho Mỹ những khoản tiền mà Washington đã chi cho việc bảo vệ an ninh của họ. Chỉ đích danh Đức, ông Trump cho rằng Berlin chỉ đóng góp 1% GDP cho NATO trong khi người Mỹ phải trả đến 4%. “Mỹ đang hào phóng bảo vệ châu Âu. Trong khi đó chúng tôi lại phải hứng chịu những đòn thương mại từ châu Âu. Chuyện này phải thay đổi”, ông Trump nói thêm.

NATO hiện có 29 thành viên. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Anh năm 2014, Mỹ và các nước đồng minh đã nhất trí hoàn thành mục tiêu tất cả các nước đều đóng góp 2% GDP cho chi tiêu phòng vệ của liên minh vào trước năm 2024. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài Mỹ mới chỉ có 3 nước NATO đáp ứng cam kết đóng góp 2% là Anh, Hy Lạp và Estonia.

Chính vì vậy nên kể từ khi đắc cử, Tổng thống Mỹ cũng đã nhiều lần công kích các nước đối tác của Mỹ trong NATO, cho rằng các nước này đã không công bằng khi dựa quá nhiều vào Mỹ để chi trả cho những khoản chi tiêu quốc phòng chủ yếu là để bảo vệ các nước châu Âu. 

Theo một nguồn tin, ít tuần trước, ông Trump thậm chí cho rằng NATO cũng “tệ không kém gì NAFTA” - Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mà với lý do thỏa thuận này là mối đe dọa an ninh của Mỹ, ông Trump đã đòi các nước ký kết là Canada và Mexico phải thương thảo lại các điều khoản.

Chính những phát biểu mạnh mẽ của ông Trump đã khiến các lãnh đạo của NATO lo ngại về khả năng ông sẽ tìm cách làm bung bét hội nghị thượng đỉnh của khối, giáng một đòn nặng nề vào một liên minh vốn được xem là một trong những trụ cột của trật tự thế giới đa phương cũng như gây tổn hại tới khả năng ngăn chặn và liên kết của các nước trong khu vực xuyên Đại Tây Dương.

Dọa rút binh lính?

Có thông tin cho rằng, vào tháng 6/2018, ông Trump đã gửi thư cho một số nhà lãnh đạo các nước NATO, đe dọa xem xét đưa binh lính Mỹ ra khỏi các nước châu Âu nếu các nước này không tăng chi tiêu quốc phòng.

Đến ngày 2/7, ít ngày trước hội nghị thượng đỉnh của khối, ông Trump được cho là đã tiếp tục gửi thư cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và nhà lãnh đạo của Bỉ, Na Uy để yêu cầu họ phải thực hiện cam kết về đóng góp cho phòng vệ chung của khối.

Về phía các nước khác, nhiều nước trong NATO cũng không đồng thuận với Mỹ ở một số vấn đề như Hiệp định về biến đổi khí hậu Paris và tăng thuế nhập khẩu hàng hóa.

Phong cách quen thuộc

Đúng như dự báo đã được đưa ra trước đó, cuộc họp của các nhà lãnh đạo NATO đã diễn ra với đầy những mâu thuẫn. Phát biểu tại cuộc họp báo mở màn hội nghị thượng đỉnh ngày 11/7, ông Trump đã mạnh mẽ công kích Đức về việc này ký thỏa thuận khí đốt Nord Stream II (Dòng chảy phương Bắc II) với Nga.

Ông Trump tại hội nghị NATO
Ông Trump tại hội nghị NATO 

“Mọi người trên thế giới đều nói về vấn đề này. Họ nói rằng chúng tôi đang chi trả hàng tỷ USD để bảo vệ các vị nhưng các vị lại đang chi trả hàng tỷ USD cho Nga”, ông Trump nhấn mạnh và cho rằng Đức đã bị Nga kiểm soát. 

Cùng với yêu cầu các nước NATO phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cam kết đóng góp 2% GDP, ông Trump thậm chí đòi các nước này phải tăng đóng góp lên 4% GDP. “Trong phát biểu tại hội nghị NATO hôm nay, Tổng thống cho rằng các nước không chỉ phải đáp ứng cam kết chi tiêu quốc phòng 2% GDP mà phải tăng mức này lên 4%”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 11/7 xác nhận.

Bà Sanders cho biết, vấn đề này thực chất đã được ông Trump đưa ra tại cuộc họp của NATO năm 2017. Song, theo các tính toán, đóng góp 4% là mức mà Mỹ hiện cũng chưa đáp ứng được.

Không khí căng thẳng ở NATO càng được đẩy lên cao khi khối này ngày 12/7 đã tiến hành cuộc họp kín để bàn về các yêu cầu của Mỹ. Chỉ các thành viên chính thức của khối mới được dự họp. Một nguồn tin được tiếp cận với cuộc họp cho biết, tại cuộc họp, ông Trump đã liên tục chỉ trích các nước thành viên NATO chưa đóng góp đủ mức cam kết cho phòng vệ.

Tổng thống Mỹ thậm chí tuyên bố với các nhà lãnh đạo các nước NATO khác rằng nếu nước của họ không đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn 2% vào tháng 1 tới, Mỹ có thể sẽ “đi 1 mình”, ngụ ý Mỹ có thể rút khỏi khối.

Bất ngờ sau những phát biểu “gây bão”

Tuy nhiên, một ngày sau những phát biểu gây bão nói trên, ông Trump lại thay đổi thái độ hoàn toàn. Phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 12/7, Tổng thống Mỹ lại tái khẳng định ủng hộ NATO. “Tôi tin tưởng vào NATO. Tôi nghĩ NATO rất quan trọng, có thể là liên minh vĩ đại nhất từng được hình thành”, ông Trump nói. 

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ tại cuộc họp báo cũng thông báo các nước NATO đã nhất trí sớm đáp ứng chi tiêu quốc phòng, thậm chí có thể tăng mức đóng góp lên gấp đôi so với mức đã được nhất trí năm 2014 – tuyên bố đã nhanh chóng bị các nhà lãnh đạo của Italia và Pháp bác bỏ. Trước đề nghị xác minh tuyên bố ông có thể đưa Mỹ rời khỏi NATO mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội, ông Trump nói rằng ông nghĩ có thể làm được nhưng điều đó là không cần thiết.

“Họ sẽ thúc đẩy mức đóng góp tới mức mà trước đây họ chưa thực hiện được”, ông Trump nói. Cùng ngày, ông Trump cũng đã cùng các nhà lãnh đạo NATO ký thỏa thuận chung sau cuộc gặp, theo đó nhất trí tăng cường khả năng phòng thủ và ngăn chặn của khối trước những mối đe dọa từ bên ngoài.

Những gì đã diễn ra tại cuộc gặp của NATO chính là ví dụ điển hình mới nhất cho thấy ý định tạo xung đột để thu hút sự chú ý vào chương trình nghị sự của mình của ông Trump. Ban đầu, ông chỉ trích NATO rồi yêu cầu họp khẩn để bàn thảo về những bất bình của ông.

Sau đó, ông lại tổ chức một cuộc họp báo để thông báo rằng ông hoàn toàn tin tưởng vào việc thúc đẩy các thành viên NATO tăng cường ngân sách quốc phòng – điều mà trước đây các nước chưa làm. Đó cũng là màn trình diễn thường thấy ở ông Trump – đi dần theo các bước phẫn nộ, đối đầu, đưa ra các yêu sách và cuối cùng là đơn phương tuyên bố chiến thắng. 

Ông Alexander Vershbow – cựu Phó tổng thư ký NATO – cũng xác nhận cuộc họp tại NATO về sau ít chia rẽ hơn so với dự đoán. “Tôi nghĩ đó là chương trình thực tế mà tổng thống Mỹ yêu thích. Vì diễn biến của cuộc họp chưa đủ kịch tính nên ông đã có thêm những phát biểu gây choáng váng”, ông Vershbow nói. Theo ông Vershbow, điều này thể hiện ở việc ông Trump cũng vẫn đã cùng các nước NATO ký tuyên bố chung với nhiều điểm đồng thuận đáng chú ý. 

Còn bà Amanda Sloat – một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, hiện làm việc ở Viện Brookings – thì cho rằng ông Trump đã tạo ra sự bối rối để phục vụ cho mục đích chính trị của mình nhưng những động thái như vậy sẽ gây tổn hại tới NATO.

“Một số người nói rằng đó là chiến thắng với ông Trump, rằng ông ấy đã đạt được điều mình muốn nhưng không phải vậy. Quan hệ liên minh không giống như đối tác làm ăn. Bạn không thể chỉ trích Đức ngày hôm trước rồi đến hôm sau lại đề nghị họ làm gì đó. Hành động và lời nói đều để lại hậu quả. Khuấy động hội nghị và gây chia rẽ sẽ không có lợi cho sự tín nhiệm”, bà Sloat cảnh báo.

Đọc thêm

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này, thế giới hướng tới hai ngày lễ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc: Ngày Di dân Quốc tế (18/12) tôn vinh những đóng góp của người di cư và Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12) ) kêu gọi sự thống nhất và chia sẻ để xóa đói giảm nghèo.

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới trải qua một tuần đầy biến động với hàng loạt vụ việc thương tâm: Nữ sinh Nhật Bản bị đâm chết tại nhà hàng, nhà sáng lập Mango tử nạn, xả súng kinh hoàng tại Pháp, cháy bệnh viện ở Ấn Độ…

Hành trình “dọn rác” mạng xã hội: Kinh nghiệm từ các quốc gia

Các đạo luật mới ra đời nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi tiêu cực của người dùng trên mạng xã hội. (Nguồn: safegate.vn)
(PLVN) - Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối mà còn trở thành trung tâm phát tán thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, không gian này cũng trở thành “bãi rác” khổng lồ với những nội dung độc hại, tin giả và lời nói căm thù. Việc kiểm soát và “dọn rác” mạng xã hội đã trở thành thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Pháp có Thủ tướng mới

Tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou. Ảnh: REUTERS/TTXVN
(PLVN) - Ông Francois Bayrou, nhà lãnh đạo Phong trào Dân chủ (MoDem), là thủ tướng thứ ba được bổ nhiệm trong chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron.