Lý do gì khiến cán bộ, nhà giáo từ chối chuyển giao gấu?
Đây là câu hỏi mà các chuyên gia bảo tồn ĐVHD của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đặt ra khi họ nói về Phúc Thọ, Hà Nội – đang được coi là một “điểm nóng” nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam vì thiếu những chuyển biến tích cực của chính quyền và cá nhân người dân.
Theo ENV, tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật trên cả nước đang dần đi đến hồi kết. Cuối năm 2009, số lượng gấu nuôi nhốt tại các cơ sở chỉ còn 432 cá thể, giảm mạnh so với năm 2005 với 4.300 cá thể. Từ năm 2009 đến nay, 20 tỉnh/thành phố trên cả nước đã chuyển giao những cá thể gấu cuối cùng đến các Trung tâm cứu hộ để trở thành các địa phương không còn gấu nuôi nhốt lấy mật.
Điều này có nghĩa hiện Việt Nam đã có 34 tỉnh, thành không còn gấu nuôi nhốt. Điều đáng buồn là Thủ đô Hà Nội không nằm trong con số này bởi tình trạng không mấy chuyển biến trong nhiều năm qua tại huyện Phúc Thọ.
Thống kê cho thấy, Phúc Thọ hiện vẫn là huyện có số lượng cơ sở nuôi nhốt gấu nhiều nhất Việt Nam, với hơn 150 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại 27 cơ sở. Trong số đó, một cơ sở có đến 21 cá thể, lớn hơn nhiều so với bất kỳ cơ sở nào khác trên cả nước. Tình trạng chích hút và buôn bán mật gấu trái phép vẫn diễn ra tại Phúc Thọ dù rằng các chủ gấu ở đây luôn tự nhận họ nuôi gấu với mục đích bảo tồn hoặc để làm cảnh.
Để thực hiện cam kết của Nhà nước Việt Nam về chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam, UBND huyện Phúc Thọ đã thể hiện tinh thần hợp tác trong việc loại bỏ biển quảng cáo bán mật gấu cũng như dựng biển tuyên truyền nghiêm cấm việc chích hút, buôn bán mật gấu. Tuy nhiên, việc nuôi nhốt gấu trên địa bàn vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt khi một cán bộ của UBND huyện Phúc Thọ và Hiệu trưởng của một THPT trong huyện là những chủ gấu.
Trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV cho rằng không có lý do gì để một cán bộ ủy ban hay một nhà giáo, những người lãnh đạo, những tấm gương của cộng đồng lại tiếp tục nuôi nhốt các cá thể gấu được mua bất hợp pháp từ nhiều năm về trước.
Bà Hà bày tỏ mong muốn UBND thành phố Hà Nội sớm có những hành động mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại Phúc Thọ. Bởi tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở Phúc Thọ sẽ không bao giờ được chấm dứt nếu không có sự can thiệp và chỉ đạo từ UBND thành phố Hà Nội, theo bà Hà.
Được biết, pháp luật hình sự Việt Nam đã và đang có những quy định rất nghiêm khắc đối với việc nuôi, buôn bán trái phép ĐVHD mà gấu là một trong số những loài cần được bảo vệ.
Ngày 21/6/2019, TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã tuyên án tù đầu tiên ở Việt Nam cho hành vi buôn bán một bình rượu ngâm gấu con. Đối tượng bị tuyên án tù trước đó đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang khi đang thực hiện giao dịch bán bình rượu ngâm gấu con.
Tiếp đó, TAND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã tuyên án 36 tháng tù giam về hành vi vận chuyển trái phép bình rượu ngâm 2 chi gấu ngựa (Ursus thibetanus) của đối tượng Nguyễn Đức Thịnh (sinh năm 1973, trú tại 92 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hành vi của đối tượng đã lọt vào “tầm ngắm” của cơ quan chức năng sau khi đối tượng này dùng trang Facebook cá nhân của vợ đối tượng rao bán trái phép chi gấu ngựa.
Trong năm 2019, các cơ quan chức năng Nghệ An đã tịch thu 3 cá thể gấu ngựa bị nuôi nhốt bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh. Đây là kết quả sau gần 9 tháng nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An nhằm đảm bảo luật pháp được thực thi một cách nghiêm túc tại một trong những địa bàn phức tạp. 3 cá thể gấu đã được chuyển đến Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình của Tổ chức Four Paws.
Cũng trong năm 2019, trong danh sách tỉnh, thành không có còn gấu nuôi nhốt đã thêm hai tỉnh mới là Phú Yên và Cao Bằng. 34 cá thể gấu được tịch thu hoặc tự nguyện chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ.
Cá thể tê tê vận chuyển trái phép bị bắt giữ tại Hưng Yên |
Lô hàng chở khối lượng lớn ĐVHD mà lại có “giấy tờ hợp pháp”?
Ngày 6/8/2019, Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra một xe tải đang trên đường đến thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và phát hiện 6 tấn ĐVHD trên xe, bao gồm các loài như rắn ráo trâu (Ptyas mucosus), rắn ráo (Ptyas korros), rắn bồng voi (Enhydris bocourti), rắn sọc dưa (Elaphe radiate), kỳ đà hoa (Varanus salvator), rùa núi vàng (Indotestudo elongata), rắn ri cá (Homalopsis buccata), rùa bốn mắt (Sacalia quadriocellata), rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti), rùa đất Sêpôn (Cyclemys tcheponensis), rùa sa nhân (Cuora mouhotii), rùa núi viền (Manouria impressa), rùa đất Pulkin (Cyclemys pulchristriata), rùa cổ bự (Siebenrockiella crassicollis), tắc kè (Gekko gecko), rùa hộp lưng đen (Cuora amboinensis) và 5.500 cá thể của nhiều loài chim thông thường bao gồm cu ngói (Streptopelia tranquebarica), cu gáy (Streptopelia chinensis), vịt mỏ đốm (Anas poecilorhyncha), chim sẻ, trích cồ (Porphyrio porphyrio). Theo cơ quan chức năng, lô hàng trên không bị tịch thu do chủ phương tiện có các giấy phép vận chuyển do các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Quảng Trị cấp.
Ngày 25/12/2019, Cảnh sát môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra một xe khách và phát hiện 5,081kg ĐVHD bao gồm các loài rắn ráo trâu (Ptyas mucosus), rắn ráo (Ptyas korros), tắc kè (Gekko gecko), rắn bồng voi (Enhydris bocourti), rắn hổ mang Trung Quốc (Naja atra), kỳ đà hoa (Varanus salvator), rùa răng (Heosemys annandalii) và rắn sọc dưa (Elaphe radiate). Một lần nữa, số ĐVHD trên không bị tịch thu vì có giấy phép vận chuyển do các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Quảng Trị cấp (Hồ sơ vụ việc số 15660/ENV)…
Thông tin từ ENV cho thấy, trong những tháng gần đây đã nhận được nhiều thông tin từ các cơ quan chức năng về việc phát hiện các lô hàng vận chuyển ĐVHD với số lượng lớn. Các lô hàng này không bị tịch thu do chủ phương tiện đã xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của ĐVHD được vận chuyển.
Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Hà, ENV tin rằng nếu các cơ quan công an và các nhà khoa học điều tra, xem xét kỹ lưỡng các giấy phép và nguồn gốc của các lô hàng này thì rất dễ dàng có thể khẳng định hầu hết, nếu không nói là tất cả ĐVHD được vận chuyển trong các lô hàng đó nhập lậu từ tự nhiên và đã được hợp pháp hóa tại các trang trại.
Điều đáng nói là, một số cơ quan quản lý tại các địa phương nơi những trang trại này hoạt động có thể chưa được đủ các kỹ năng chuyên môn hoặc năng lực để giám sát hiệu quả các cơ sở gây nuôi thương mại mà do chính họ đã cấp phép. Đặc biệt là tình trạng tham nhũng, thông đồng giữa các cơ sở với cơ quan cấp phép vận chuyển vẫn còn tồn tại.
Với những cá thể ĐVHD vận chuyển trong các lô hàng nói trên, theo các chuyên gia bảo vệ ĐVHD chắc chắn có những loài nào không thể gây nuôi thành công trong môi trường nuôi nhốt hoặc không có khả năng sinh sản, sinh trưởng tốt trong môi trường nuôi nhốt. Điều này lại một lần nữa chứng tỏ rằng phần lớn những lô hàng ĐVHD này, nếu không phải tất cả, được nhập lậu từ tự nhiên…
Chỉ điểm sơ qua vài vụ việc đã có thể thấy những “điểm nghẽn” đã và đang hết sức bức bối, khiến nước mắt, máu của ĐVHD vẫn tiếp tục đổ xuống. Thiết nghĩ, để giải quyết các “điểm nghẽn” này các cơ quan chức năng, đặc biệt là Chi cục kiểm lâm các tỉnh cần có động thái mạnh mẽ hơn nữa như: Ngừng xác nhận bảng kê lâm sản để vận chuyển ĐVHD với số lượng lớn trừ khi các chủ cơ sở cung cấp được các bằng chứng rõ ràng cho thấy ĐVHD đã được sinh sản và sinh trưởng tại cơ sở; phối hợp với cơ quan công an và cơ quan khoa học để điều tra những lô hàng cũng như các cơ sở được cấp giấy phép vận chuyển liên quan đến các lô hàng đó và xử lý nghiêm minh các đối tượng, cơ sở có liên quan….
Thực tế cho thấy, tình trạng tham nhũng, thông đồng giữa các cơ sở với cơ quan cấp phép vận chuyển vẫn còn tồn tại nên cơ quan công an cũng cần sớm vào cuộc điều tra các hành vi tham nhũng (nếu có) liên quan đến quá trình chứng nhận, cấp phép hay thành lập và xác nhận bảng kê lâm sản tại các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD…
Minh bạch hóa hệ thống quản lý gây nuôi ĐVHD tại Việt Nam
Theo quan điểm của ENV, các nhà khoa học, các chuyên gia có thể dễ dàng đánh giá nhanh các hoạt động mua bán, nhập, xuất và gây nuôi tại bất kỳ cơ sở nào để từ đó đưa ra kết luận, giúp các cơ quan thực thi pháp luật xử lý các vụ việc một cách minh bạch.
Tất nhiên, chẳng có cơ sở nào, đặc biệt là các cơ sở có quy mô lớn, lại sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng để nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ sở mình. Do đó, hầu hết các cơ sở gây nuôi thương mại và chính quyền địa phương đều né tránh việc minh bạch hóa hoạt động của các trang trại vì sợ làm lộ diện những hoạt động phi pháp tại đây.
Vì vậy, chỉ có một giải pháp để triệt tiêu tình trạng nhập lậu ĐVHD là minh bạch hóa hệ thống quản lý gây nuôi ĐVHD tại Việt Nam. Các cơ sở chỉ được cấp phép: nếu họ thực sự hoạt động hợp pháp và tạo điều kiện cho các chuyên gia – bên thứ ba khảo sát và chứng nhận hoạt động gây nuôi thương mại tại cơ sở của họ là hợp pháp như họ đã tuyên bố. Nếu trong quá trình điều tra mà các chuyên gia phát hiện các sai phạm nghiêm trọng thì cơ quan chức năng địa phương cần lập tức thu hồi giấy phép và tịch thu cá thể ĐVHD tại các cơ sở này.