Nhiều “cài cắm” trong Hồ sơ mời thầu
Ngày 18/3/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Quyết định số 405/QĐ-BHXH phê duyệt dự án đầu tư mua sắm máy phát điện cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố theo phương thức tập trung với tổng mức đầu tư là 48,8 tỷ đồng. Theo đó, sẽ có 54 cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố được trang bị trong năm 2016 (máy phát điện 500KVA: 03 chiếc; máy phát điện 300KVA: 01 chiếc; máy phát điện 200 KVA: 50 chiếc).
Trên cơ sở Quyết định số 405/QĐ-BHXH phê duyệt dự án đầu tư và Kế hoạch lực chọn nhà thầu, ngày 05/4/2016, Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký Quyết định số 150/QĐ-VP về việc phát hành Hồ sơ mời thầu Gói thầu mua sắm máy phát điện cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố theo phương thức tập trung, với trị giá gói thầu là 47.346.200.000 đồng. Nguồn vốn từ chi quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đến 10h15 ngày 26/4/2016, Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiến hành mở hồ sơ dự thầu của các nhà thầu (phần đề xuất kỹ thuật).
Một nhà thầu đã tham gia mua Hồ sơ dự thầu gói thầu nêu trên cho biết rất bức xúc vì sau khi xem hồ sơ thì doanh nghiệp không thể chuẩn bị hồ sơ dự thầu được vì trong hồ sơ đã được bên mời thầu “cài cắm” rất nhiều nội dung. “Chúng tôi và nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp máy phát điện khác cũng không thể tham dự gói thầu này được, vì với “đề bài” này chỉ để giành riêng cho doanh nghiệp nào đó giải mà thôi”- đại diện doanh nghiệp bày tỏ.
Theo chuyên gia này, có thể liệt kê hàng loạt nội dung nhằm hạn chế nhà thầu được bên mời thầu đưa ra trong Bảng dữ liệu đấu thầu như: Thư hỗ trợ hoặc giấy phép bán hàng của hãng sản xuất (hoặc đại diện hãng sản xuất tại khu vực châu Á/Việt Nam) đối với động cơ và đầu phát của máy phát điện nhà thầu chào trong gói thầu này; Giấy ủy quyền OEM tại Việt Nam của hãng sản xuất hoặc đại diện hãng sản xuất tại khu vực châu Á đối với động cơ và đầu phát của máy phát điện nhà thầu chào trong gói thầu này còn hiệu lực tối thiểu 04 tháng tính từ thời điểm đóng thầu. Những điểm này bên mời thầu đưa ra chỉ phù hợp với loại máy phát điện được lắp ráp trong nước, không phù hợp với các sản phẩm nhập khẩu đồng bộ.
Hồ sơ thầu đã được bên mời "cài cắm" nhiều nội dung |
Từ những nội dung hạn chế trong bảng dữ liệu đấu thầu đã được “cài cắm” triệt để trong phần yêu cầu về kỹ thuật. Cụ thể, đối với máy phát điện 500KVA, phần động cơ (phần quan trọng nhất của máy) trong hồ sơ đã đưa ra các thông số chốt chặt như: số xi lanh, kiểu: lớn hơn hoặc bằng 8 xi lanh, kiểu V; đường kính và hành trình pitong: 132x145mm; kiểu bộ điều tốc: điện tử EMR2; tiêu chuẩn điều tốc: G2... Đối với máy phát điện 300KVA và 200KVA cũng đưa ra những yêu cầu kỹ thuật tương tự.
Theo các chuyên gia về máy phát điện, với những yêu cầu nêu trong hồ sơ trên là hạn chế động cơ cho máy phát. Với các thông số trên, hiện nhà thầu nào đang có trong tay loại máy phát điện sử dụng động cơ Duetz là đạt yêu cầu. Còn đối với các doanh nghiệp có máy phát điện nhưng không sử dụng động cơ Duetz không thể đáp ứng được yêu cầu.
Cần làm rõ trước khi quá muộn
Yêu cầu cơ bản của quá trình lựa chọn nhà thầu là bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Những nội dung này đã được cụ thể hóa rất rõ ràng trong các điều khoản trong Luật Đấu thầu và các văn bản dưới luật liên quan.
Với giá gói thầu gần 50 tỷ đồng và với những biểu hiện vi phạm Luật Đấu thầu mà nhà thầu phản ánh, đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương làm rõ trước khi quá muộn.
Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về việc này.
“...Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”
Điều 12, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.